Theo ông Steve Ballmer, chủ tịch điều hành của Microsoft, việc Microsoft sản xuất được máy tính cá nhân sẽ góp phần làm giảm bớt nạn ăn cắp bản quyền phần mềm, và phổ cập được máy tính đến các quốc gia đang phát triển. Ông Ballmer cho rằng nếu muốn máy tính trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển thì giá cần giảm xuống mức 100 USD, chứ không phải là 400 USD như hiện nay.
Microsoft sẽ sản xuất máy tính giá rẻ?
Tuy vậy, khi đưa những đề đạt trên, ông Ballmer đã đặt chính bản thân mình và Công ty Microsoft vào một tình thế khó khăn: Liệu Microsoft có sẵn lòng sản xuất máy tính giá rẻ không, khi phải hy sinh một khoản lợi nhuận đáng kể từ việc bán các phần mềm Windows?
Hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia phân tích, Microsoft đang bán cho các nhà sản xuất máy tính mỗi bản quyền Windows với giá 50-70 USD. Microsoft cũng tuyên bố mức giá này sẽ không thay đổi trong nhiều năm tới, trong khi giá phần cứng đang giảm xuống. Chính vì thế, giá thành phần mềm Windows - được xem như một phần chi phí cho máy tính - cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Trong những tháng gần đây, Microsoft đã cho ra mắt phiên bản mới của Windows giá rẻ với tên gọi Windows XP Starter Edition dành cho các nước đang phát triển như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nga và Thái Lan. Với phiên bản mới này, các nhà sản xuất máy tính chỉ phải trả 36 USD cho mỗi lần sao chép Windows, nhờ vậy phần mềm này chỉ được bán cho các máy tính cá nhân mới.
Các ''đại gia'' trên ''trường đua'' sản xuất máy tính giá rẻ
Tương tự, bên cạnh các loại chip của Advanced Micro Devices và Intel có giá tới 1.000 USD/chiếc, hai hãng này cũng đang tiến hành sản xuất các loại chip rẻ hơn nhằm vào thị trường các nước đang phát triển. Chẳng hạn, với 39 USD có thể mua một bộ vi xử lý Sempron của AMD (trong đơn đặt hàng 1.000 chiếc).
Tham vọng tiến xa hơn nữa, hãng AMD có hẳn một bản kế hoạch chi tiết về việc sản xuất máy tính - có tên là Personal Internet Communicator - với giá chỉ 185 USD. Loại máy tính này nhằm vào đối tượng khách hàng là những hộ gia đình có thu nhập khoảng từ 1.000-6.000 USD/năm. Theo AMD, hệ thống mới này sẽ không kể tới màn hình, nó sẽ chạy trên phiên bản Windows CE của Microsoft chứ không phải là Windows XP. Hiện đã có ba công ty ở Ấn Độ và Mỹ La tinh đăng ký tiếp thị cho loại sản phẩm này.
Không kém AMD, Intel cũng đang nỗ lực tìm kiếm cách thức sản xuất máy tính giá rẻ hướng vào thị trường Đông Âu, Ấn Độ và các khu vực đang phát triển khác. Trong dự án có tên mã là Shelton, hãng này đang tung ra thị trường bộ kết hợp của vi xử lý và bo mạch chủ giá rẻ đặc biệt. Mục đích cuối cùng của hãng là làm sao để sản xuất máy tính với giá chỉ 199 USD!
Đừng ngần ngại khi nghĩ đến máy tính 100 USD!
Dẫu sao thì tất cả những nỗ lực đã nêu trên cũng chỉ đưa chúng ta đi được nửa chặng đường hướng tới mục tiêu máy tính 100 USD.
Nếu mục đích thực sự chỉ là tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển được tiếp cận với máy tính, và mở rộng thị trường kinh doanh đối với mặt hàng này thì có nhiều cách dễ và rẻ hơn so với cách làm của Microsoft.
Chẳng hạn, nếu bạn muốn phổ cập máy tính và bảo vệ tài sản trí tuệ, bạn nên ghé thăm lại ý tưởng về máy tính mạng của Larry Ellison. Ban quản lý Oracle đã từng đưa ra ý niệm về các ''thiết bị'' nhỏ, không đĩa gồm một màn hình, bàn phím, có kết nối Internet. Chính vì không có đĩa, nên nó không có đất ''dụng võ'' cho các phần mềm sao chép lậu. Ý tưởng của hãng là cho máy chủ chạy trên cơ sở dữ liệu và phần mềm truyền thông của Oracle. Tất cả nội dung cần thiết sẽ được đẩy từ máy chủ này xuống các máy tính trong mạng. Oracle sẽ thu lợi từ việc bán các phần mềm máy chủ này cho các công ty chủ quản, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, chính phủ và các đơn vị khác.
Ellison thậm chí còn thành lập Công ty New Internet Computer chuyên sản xuất và bán các thiết bị này. Nhưng sau khi cải biến nó thành hãng sản xuất đầu thu tín hiệu truyền hình số, dự án đó đã sụp đổ vì không thu hồi được vốn vào năm 2003.
Khoảng bốn-năm năm trước đây, một số công ty khác như Gateway, Sony và Compaq Computer cũ, sản xuất các thiết bị lướt Net khá rẻ. Tuy nhiên, cuối cùng các công ty này đều phải rời bỏ thị trường vì chi phí quá cao, lời lãi thì ít, thị trường phần cứng máy tính rớt giá thảm hại.
Sun Microsystems cũng đang cung cấp một phiên bản mới về máy tính mạng, sử dụng hệ thống Java Desktop dựa trên hệ điều hành Linux như là một cách thức tiết kiệm cung cấp máy tính cho người Trung Quốc và các vùng khác. Năm ngoái, công ty đã ký một thỏa thuận với hãng China Standard Software nhằm cung cấp JDS cho hàng triệu người dùng. Hãng Sun cũng đang có ý định phát triển chương trình này tại Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác.
Mục đích cuối cùng của Sun là phổ biến JDS không chỉ trên các máy tính mà còn trên cả điện thoại di động, các đầu thu truyền hình kỹ thuật số (set-top box), thiết bị chơi game, ô-tô. Với ý tưởng máy tính mạng ban đầu của Oracle, Sun dự định dành một khoản tiền lớn vào các phần mềm và phần cứng dựa trên máy chủ. Đồng thời, các nhà điều hành mạng sẽ cần phải dùng cơ sở hạ tầng mạng để làm cho kế hoạch này khả thi.
Ý tưởng của Sun có một lợi thế giành cho người dùng là giá cả. Đừng ngần ngại khi nghĩ về tương lai của máy tính 100 USD, bởi giám đốc của Sun sẵn sàng cho không JDS hoặc bỏ tiền túi đầu tư cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Các chuyên gia phân tích dự tính: Tới năm 2010, sẽ có khoảng một tỷ người sử dụng máy tính, lớn hơn nhiều so với ước tính hiện tại là 660 triệu người. Phần lớn số người sử dụng mới ở các quốc gia đang phát triển.
Sáng kiến máy tính giá rẻ không phải là một ''bài tập'' cho lòng nhân ái. Đây thực sự là một cơ hội thách thức để chiếm được vị trí chắc chắn trong thị trường công nghệ hùng mạnh của thế kỷ này. Ông Ballmer của Microsoft đã được coi là người ra mặt thách thức đầu tiên, nhưng liệu ai dám đương đầu với thử thách này? Câu trả lời còn đang ở phía trước!
Thanh Tú (Theo ZDNET)