Các hãng phim lớn của Hollywood đã vừa viết nên trang sử mới nhất của họ, khi họ lặp lại một chiến dịch pháp lý cứng rắn tương tự như của ngành thu âm Mỹ (RIAA), nhằm ngăn chặn hoạt động trao đổi trái phép các bộ phim đã đăng ký bản quyền qua mạng Internet.
|
Phim "Harry Potter", một nạn nhân tiêu biểu của nạn vi phạm bản quyền qua Internet. |
Loạt vụ kiện này nhằm vào hàng trăm người bị quy là đã trao đổi phim trực tuyến, là nỗ lực đầu tiên của các hãng phim kết hợp cùng một nỗ lực về giáo dục cộng đồng đầy kỳ vọng. Mục tiêu của các nhà làm phim nhằm hạn chế nạn vi phạm bản quyền trực tuyến, trước khi nó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.
Loạt vụ kiện này, có thể đòi bồi thường tới 150.000 USD cho mỗi bộ phim bị sao chép phi pháp, là hành động pháp lý đầu tiên của ngành công nghiệp phim ảnh đối với nạn ăn cắp bản quyền. Chủ tịch Hiệp hội Phim ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - MPAA), ông Dan Glickman lần đầu tiên đã ký vào các đơn kiện từ hai tuần trước, khi ông cho biết các hãng phim có thể sẽ kiện khoảng 200 cá nhân bị tình nghi trao đổi phim trực tuyến phi pháp.
Trong một phát biểu đưa ra hôm qua, ông Glickman cho biết: "Tương lai ngành công nghiệp của chúng tôi, và hàng trăm ngàn công ăn việc làm mà nó tạo ra, cần phải được bảo vệ trước những kẻ trộm thực sự đang sử dụng mọi phương tiện sẵn có để ăn cắp bản quyền".
Ông Rich Taylor, người phát ngôn MPAA, cho biết: Loạt đơn kiện này của MPAA đã được các hãng Disney, Warner Bros., MGM, Universal, Fox, Paramount và Sony nộp lên nhiều toà án liên bang ở nước Mỹ. Ông Taylor từ chối cho biết các hãng phim đã nộp chính xác bao nhiêu đơn kiện hay kiện ở những nơi nào.
Giống như loạt vụ kiện chống vi phạm bản quyền năm ngoái của Hiệp hội Thu âm Mỹ (Recording Industry Association of America - RIAA), các hãng phim cũng nộp đơn kiện mà không biết được tên của những bị đơn tình nghi. Thay vào tên, các hãng phim đã thực hiện kiểu đơn kiện "John Doe", với bị đơn là các địa chỉ Internet (IP) duy nhất trên mạng (tất nhiên là nằm tại nước Mỹ). Khi một thẩm phán tiếp nhận vụ kiện này, các hãng phim sẽ xin trát gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phục vụ các địa chỉ IP bị kiện, buộc các ISP này cung cấp tên và địa chỉ của các khách hàng sử dụng địa chỉ IP đó.
|
Nạn vi phạm bản quyền phim qua mạng có thể làm giảm doanh thu của các cửa hàng bán và cho thuê phim. |
Giám đốc RIAA Mitch Bainwol đánh giá loạt vụ kiện của giới điện ảnh là "nhạy bén, một bước đi thận trọng".
"Chúng ta đều đã tìm cách để giáo dục cho các fan về luật bản quyền và ảnh hưởng của việc download trái phép, nhưng chỉ giáo dục thì không phải là giải pháp hiệu quả." - ông Bainwol cho biết trong phát biểu của mình vào hôm qua. "Những hành động thị uy khiến họ do dự sẽ là một bước đi cốt lõi của chiến lược quy mô lớn hơn".
Phản ứng chỉ trích
Các vụ kiện pháp lý không được những người ủng hộ tự do dân chủ ưa chuộng. Những người này đã đưa ra các giải pháp thay thế khác để khắc phục nạn vi phạm bản quyền qua Internet.
"Tôi mong họ sẽ nghĩ nhiều hơn về cách họ sẽ phát hành các bộ phim, hơn là cách họ đâm đơn kiện mọi người." - Gigi Sohn, chủ tịch của Public Knowledge, một nhóm ủng hộ tự do dân chủ tại Washington, D.C. nói. Ông này muốn ngành công nghiệp giải trí phát triển những mô hình kinh doanh thay thế khác để phù hợp hơn với nhu cầu của công nghệ trong thế kỷ XXI.
Ông Philip Corwin, một cộng sự của hãng vận động hành lang Butera and Andrews tại Washington và là nhà vận động hành lang kỳ cựu của Công ty Sở hữu Dịch vụ Chia sẻ file Kazaa, đã gọi những vụ kiện này của MPAA là "sự thất vọng". Kazza đã nổi lên trong hai năm qua như một trong các dịch vụ mạng ngang hàng P2P hàng đầu. Dịch vụ này cho phép người dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể trao đổi và chia sẻ với nhau mọi dạng file nội dung qua mạng Internet, từ các bản nhạc số cho tới phần mềm và những bộ phim số.
Ông Corwin nói: "Họ có quyền đệ các đơn kiện này, nhưng tất cả thông tin mà tôi biết cho thấy rằng hàng ngàn vụ kiện đã thực hiện của ngành công nghiệp thu âm cũng chỉ mang lại rất ít tác động kiềm chế nạn chia sẻ file".
Các biện pháp yểm trợ
|
MPAA, Hiệp hội Phim ảnh Mỹ, tổ chức phát động cuộc tấn công pháp lý đầu tiên nhằm vào người dùng vi phạm bản quyền phim. |
Ngoài các vụ kiện này
, MPAA cũng đang cung cấp một công cụ phần mềm miễn phí để mọi người có thể sử dụng để xác định và xoá tất các chương trình chia sẻ file, cũng như các bộ phim và file nhạc phi bản quyền đã được lưu trên máy tính của họ. Hiệp hội MPAA cho biết phần mềm này sẽ không thông báo bằng chứng vi phạm bản quyền nội dung về các hãng phim. Hiện công cụ này đang được cung cấp tại địa chỉ www.respectcopyrights.org, một website do MPAA điều hành.
Phần mềm này do hãng DtecNet Software, một công ty tại Copenhagen, Đan Mạch phát triển. Hội đồng điều hành của công ty này bao gồm cả chủ tịch Johan Schluter, một thành viên của Liên hiệp Công nghiệp Âm nhạc Quốc tế, một hiệp hội tại London đại diện cho các công ty âm nhạc và nghệ sĩ trên 75 quốc gia. Một thành viên khác của hội đồng điều hành là Niels Bo Jorgensen, một thành viên của Tổ chức Chống Vi phạm Bản quyền Đan Mạch.
MPAA và Hiệp hội các nhà cung cấp phần mềm video tại Encino, California cũng cho biết họ đang triển khai một chiến dịch giáo dục cộng đồng tại các cửa hàng băng đĩa, siêu thị và hiệu thuốc trên khắp nước Mỹ, cảnh báo về những thiệt hại và ảnh hưởng của nạn vi phạm bản quyền phim ảnh. Chiến dịch có tên "Rated I: Inappropriate for All Ages", bao gồm hai đoạn phim video 45 giây được chiếu trên màn hình ti-vi tại 10.000 cửa hiệu trong tổng số 24.000 gian hàng bán nội dung video trên khắp nước Mỹ, bắt đầu từ tháng 12 tới.
Theo người phát ngôn Blake Lugash của Blockbuster, hãng kiểm soát 34% thị trường cho thuê nội dung video của Mỹ, hãng này sẽ triển khai các đoạn phim quảng cáo chống vi phạm bản quyền này tại 5.500 cửa hàng của mình, bắt đầu từ 7/12 cho tới 28/3 năm sau. Các đoạn video này sẽ được phát mỗi giờ một lần và thay đổi luân phiên nhau sau mỗi hai tuần.
Các đoạn video mang tính giáo dục này, do MPAA sản xuất, được phát hành bởi hãng ScreenPlay Inc... Các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà cung cấp phần mềm video - bao gồm cả Blockbuster, Hollywood Video và các bộ phận kinh doanh video gia đình của các hãng phim lớn. Hiệp hội này cũng bao gồm các hãng bán lẻ như Amazon.com và Circuit City. Hiện chưa rõ liệu các thành viên như Blockbuster và NetFlix sẽ có phát hành các đoạn phim vận động chống vi phạm bản quyền trong các dịch vụ cho thuê phim qua e-mail của mình hay không.
"Sao chép" chiến dịch chống sao chép
|
Các bộ phim có thể được download qua mạng Internet và ghi ra thành các đĩa phim lậu. |
Cuộc chiến của Hollywood chống lại nạn vi phạm bản quyền phim được "dựng kịch bản" theo chiến dịch đang diễn ra của Hiệp hội Thu âm Mỹ nhằm hạn chế việc ăn cắp bản quyền nhạc. RIAA đã kiện hơn 6.100 người kể từ khi bắt đầu chiến dịch vào tháng 9/2003. Tổ chức này đã đạt được hàng ngàn vụ dàn xếp khiếu kiện với mức bồi thường từ 3.000-4.000 USD. Những người bị bắt quả tang tàng trữ phim vi phạm bản quyền nhưng không phải người phát tán lậu nhằm kiếm lợi có thể bị kiện đòi bồi thường tới 30.000 USD/phim. Những người phát tán phim lậu kiếm lợi có thể bị kiện đòi bồi thường tới 150.000 USD/phim.
Doanh số của các công ty thu âm đã bị suy giảm trầm trọng khi các dịch vụ chia sẻ file mạng ngang hàng như Kazaa và eDonkey trở nên phổ biến. Doanh số đĩa CD đã sụt giảm từ 13,2 tỷ USD năm 2000 xuống còn 11,2 tỷ USD trong năm 2003, theo như RIAA cho biết.
Các hãng sản xuất phim hiện đã né tránh được một số phận tương tự, với doanh số công bố tăng đều mỗi năm, bất chấp sự phổ biến rộng rãi của các bộ phim vi phạm bản quyền trên mạng. Các chuyên gia cho biết nguyên nhân có thể là do việc download một bộ phim hoàn chỉnh cần thời gian tới hàng giờ, thậm chí qua một kết nối Internet tốc độ cao. Các bài hát thì chỉ cần vài chục giây hoặc vài phút để download, nên thu hút được lượng người sử dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Glickman và người tiền nhiệm Jack Valenti cho biết những tiến bộ về công nghệ Internet trong thời gian gần đây đã có thể giảm lượng thời gian download phim xuống đáng kể, và nguy cơ vi phạm bản quyền qua mạng đang gia tăng.
Các cửa hàng video trên đất Mỹ cũng tỏ ra lo lắng trước sự gia tăng nạn vi phạm bản quyền phim trên Internet.
"Đó là doanh số và tiền cho thuê mà các cửa hàng nội dung video không thu được, vì người dùng đã xem được phim phi bản quyền qua mạng. Đó cũng là những khoản thuế mà chính phủ không thu được." - ông Sean Bersell, người phát ngôn VSDA, cho biết - "Thị trường đen này đang làm suy giảm thị phần của các hãng phim, và điều chúng tôi không muốn là phải chứng kiến những thiệt hại hiện có trở nên tồi tệ hơn".
Bình Minh (Theo Washington.Post)