Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy một bức tranh thực sự ảm đạm về vấn nạn thư rác: Trung bình với một hộp thư thông thường, cứ 11.000 email nhận được lại có xấp xỉ 8.000 chiếc là thư rác - chiếm 72%.
Tất cả các nhà bảo mật đều hứa hẹn sẽ chặn đứng thư rác (spam). Chính phủ nhiều nước thậm chí còn quy phát tán thư rác là phạm pháp. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) quốc tế tìm đủ mọi cách để truy tố giới phát tán thư rác (spammer). Nhưng trên thực tế, vấn nạn này vẫn tiếp tục hoành hành nghiêm trọng hơn. Tại sao lại như vậy?
Brian McWilliams, một chuyên gia về công nghệ, đã lý giải vấn đề này trong cuốn sách mới xuất bản của ông có tên gọi Spam Kings - "Những ông vua thư rác". Theo Brian, chừng nào người ta còn quan tâm đến quảng cáo hiệu quả, chừng đó thư rác còn tồn tại. Bất chấp tất cả những lời khẳng định như đinh đóng cột của người tiêu dùng, rằng họ hoàn toàn thận trọng khi mua hàng qua Internet, cũng như cảnh giác cao độ với nguồn cung cấp hàng hoá, thì vẫn có không ít người sẵn lòng rút thẻ tín dụng ra mua một chai thuốc - theo như lời quảng cáo - giúp họ tăng/giảm cân. Với một spammer, chỉ cần vài "gã khờ" tin vào một tin nhắn như vậy cũng đã đủ để mang lại lợi nhuận.
Bạn sẽ thắc mắc, lợi nhuận đó đến mức nào? Một trong những nhân vật chính của "Spam Kings", tay spammer có tên Davis Wolfgang Hawke và "đồng sự" của mình, Braden Bournival, đã thong dong bỏ túi tới... 500.000 USD/tháng trong năm 2003 từ việc bán một loại "biệt dược" có tên gọi Pinnacle, chủ yếu thông qua đường thư rác. Theo tiết lộ của Davis, chỉ cần tỷ lệ hồi đáp là 1% cũng đã đủ để việc phát tán spam không uổng công.
Cụ thể, mỗi chai biệt dược có giá gốc mua vào chỉ là 5 USD, nhưng giá bán ra được đội lên tới... 50 USD. Chi phí kinh doanh của họ mỗi tháng chỉ xấp xỉ 10.000 USD, bao gồm phí hosting, điện thoại không dây, đăng ký tên miền và thuê một văn phòng nơi họ lưu giữ danh mục thuốc, đóng gói và vận chuyển. Và ai là người mua thuốc? Họ có thể là những người ăn chay muốn đảm bảo thể lực, những giáo viên thể dục ở trường trung học hay Giám đốc điều hành của một công ty chế tạo bộ phận máy bay cỡ lớn.
Tuy nhiên, đa số những người tiêu dùng mua hàng quảng cáo bằng thư rác, theo Brian, chỉ "trót dại" một lần trong đời. "Đó là tín hiệu duy nhất lạc quan của tôi về vấn nạn thư rác. Hy vọng rằng ngày càng có nhiều người nhận ra rằng toàn bộ ngành kinh doanh thư rác là dựa trên sự lừa đảo. Việc họ mua một viên thuốc cũng đồng nghĩa với việc họ đang tiếp tay cho thư rác tồn tại."
Cũng chính từ trường hợp của Davis, Brian đã đề xuất ra một giải pháp cho vấn nạn thư rác. Người ta có thể tấn công thư rác bằng luật pháp, giống như Bộ Luật CAN-SPAM thông qua hồi tháng giêng - nhưng bị chỉ trích nặng nề và vô hiệu quả, rồi sử dụng những bộ luật đó để loại bỏ các spammer ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, chỉ có đòn đánh trực tiếp vào kinh tế mới có thể giải quyết được tận gốc nạn thư rác. Nói một cách khác, hãy dùng các biện pháp kinh tế để làm nhụt chí những kẻ phát tán thư rác, biến kinh doanh thư rác thành một nghề rủi ro cao và không còn lợi nhuận béo bở như hiện nay. Chẳng hạn, nếu việc gửi thư rác trở nên quá tốn kém, các spammer sẽ không mặn mà với công việc này nữa.
Trở lại với trường hợp của Davis và Bournival. Hai người này có vẻ như đã rút chân ra khỏi chốn thương trường thư rác. Tháng ba vừa qua, bộ đôi này đã bị nêu tên trong vụ kiện lớn của AOL. Theo như đơn kiện, Bournival đã hối lộ một nhân viên của AOL để người này bán danh sách gần 92 triệu địa chỉ email AOL cho Davis. Tất cả những gì Brian biết về Davis lúc này là anh ta đang chạy trốn khỏi bàn tay của các luật sư của AOL. Một kết thúc đáng buồn cho người từng là "vua thư rác" một thời...
-
Cầm Thi (Theo Wired News)