Sau khi mức thua lỗ vượt quá con số 1 tỷ USD trong vài năm trở lại đây, Big Blue đã quyết định "bỏ của chạy lấy người": tống khứ bộ phận PC trứ danh của mình vào tay Lenovo Group của Trung Quốc.
Trong suốt những năm "thai nghén" nên ngành công nghiệp máy tính, sản phẩm của IBM luôn là chuẩn mực. Nhờ IBM, máy tính cá nhân đã trở thành một công cụ kinh doanh chính thống và hợp pháp.
Chuyện gì thực sự đã xảy ra? Vì đâu một quá khứ huy hoàng lại sụp đổ? Và nếu ngay cả IBM cũng không thể kiếm lời được từ máy tính, liệu có còn công ty nào của Mỹ đủ hy vọng để làm được việc đó?
Mặt trái của sự "tuyệt hảo"
Một nhân tố quan trọng dẫn đến sự ra đi của bộ phận PC chính là... lịch sử của IBM. Từ trước đến nay, người khổng lồ Big Blue luôn trung thành với truyền thống: Tập trung cho bảo đảm chất lượng và máy móc tuyệt hảo. Chính vì vậy, IBM rất khó cạnh tranh về giá với Hewlett-Packard và Dell trên thị trường hàng hoá.
Theo chuyên gia cao cấp Simon Yates của Forrester Research thì "HP và Dell tỏ ra tháo vát và năng động hơn IBM trên thị trường tập đoàn. Còn với thị trường tiêu dùng bình dân, nhờ ưu điểm về giá thành rẻ, họ cũng lại có được tầm phủ sóng rộng hơn".
Chưa hết, bộ phận PC của IBM còn phải gánh chịu một gánh nặng to lớn. "Một tỷ lệ phần trăm đáng kể của lợi nhuận phải được thối lại cho hãng để chi trả cho những yếu tố như doanh thu thương hiệu v..v", phó chủ tịch Leslie Fiering của Gartner cho biết. "Thứ thuế thương hiệu tập đoàn này đã đặt họ vào một vị trí cực kỳ bất lợi".
Với việc bộ phận PC không thể mang lại lợi nhuận tương xứng với tình hình kinh doanh hiệu quả của các bộ phận còn lại trong IBM, bản hợp đồng với Lenovo tỏ ra đặc biệt có lợi. Nó đã giúp "IBM cắt bỏ cái đuôi lòng thòng, lẽo đẽo kéo chậm cả tập đoàn".
Thời điểm khó khăn trước mắt
Theo dự đoán của Gartner, từ năm 2006 đến năm 2008, thị trường PC sẽ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 5,7%, bằng khoảng một nửa thời kỳ đỉnh cao từ năm 2003 đến cuối 2004 vừa qua. Còn về doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng trung bình sẽ chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 2%, so với 4,7% trong giai đoạn 2003 - 2005.
'Bỏ của chạy lấy người" giống IBM, theo Gartner lại là lựa chọn hợp lý duy nhất cho những doanh nghiệp PC khó khăn |
Để đối phó với khoảng thời gian khó khăn trước mắt, Gartner dự đoán cuộc chiến cạnh tranh về giá máy tính sẽ vô cùng nóng bỏng. Các doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời điểm thói quen thay thế/ nâng cấp PC đã suy yếu, còn trung tâm tiêu thụ cũng chuyển từ Bắc Mỹ và Tây Âu sang những thị trường mới nổi như châu Á, Châu Phi và Đông Âu.
"Các doanh nghiệp không muốn cạnh tranh về giá sẽ phải nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm bằng cách nhảy vào các thị trường liên quan, như điện tử gia dụng chẳng hạn, để nâng đỡ lợi nhuận. Trong khi đó, nhiều hãng khác lại theo đuổi các cuộc sáp nhập với đối thủ để cải thiện lợi nhuận thông qua quy mô". Tuy nhiên, trong phần dự đoán cuối cùng của mình, Fiering vẫn cho rằng "rời khỏi thị trường là sự lựa chọn hợp lý duy nhất cho các doanh nghiệp đang vật lộn giành thị phần còn lợi nhuận thì liên tục rò rỉ".
Chiến lược tồn tại
Mới đây, HP đã công bố kế hoạch sáp nhập ba hệ thống kinh doanh in ấn, hình ảnh và máy tính về chung một mái nhà. Động thái này cho phép hãng tích hợp sản phẩm để có thể sử dụng hiệu quả cả ba công nghệ in, hình ảnh và PC trên một nền tảng thống nhất.
Mục tiêu của HP là tạo ra khả năng hợp lực cao hơn giữa hai bộ phận máy in và PC trên thị trường tiêu dùng. HP sẽ có thể cung cấp tính năng tích hợp hình ảnh/video tốt hơn cho những khách hàng cùng lúc mua cả máy in và PC của hãng. "Chúng tôi tin bước đi này sẽ củng cố và tăng cường sức mạnh cho cả hai khối kinh doanh máy tính và hình ảnh", người phát ngôn của HP cho biết. "Ưu thế có được khi kết hợp hai nhóm sẽ tạo điều kiện để chúng tôi nâng cao tăng trưởng lợi nhuận và củng cố vị trí của hãng trên thị trường".
Vươn tới cơ hội
Cũng giống như IBM, Gateway đang đứng ở một vị trí nhiều thách thức. Thức tỉnh sau vụ mua bán eMachines hồi năm ngoái, hãng này đã tiến hành xem xét lại toàn bộ chiến lược sản xuất, quản lý dây chuyền cung cấp, cũng như mối quan hệ với các đại lý bán lẻ quan trọng... những yếu tố khiến tình hình tài chính của Gateway lần đầu tiên trở nên đen tối trong nhiều năm.
"Gateway hiện có một bộ máy vận hành được hoàn toàn bình thường trong những điều kiện bất lợi mà chúng tôi (Gartner) dự đoán sẽ xuất hiện vào thời gian tới. Đối với khía cạnh tiêu dùng, họ có một chiến lược tốt. Tuy nhiên, trên thị trường doanh nghiệp, tôi không biết họ đã điều chỉnh được hay chưa", ông Fiering nhận định.
"Chúng tôi đang thúc đẩy một loạt các mối quan hệ có được thông qua eMachines để có thể đưa sản phẩm nhãn hiệu Gateway có mặt trong những cửa hàng lớn", phó chủ tịch Dan Stevenson của Gateway cho biết. "Chúng tôi đã mở rộng từ 200 cửa hàng lên hàng ngàn cửa hàng, đồng thời chuyển từ cơ chế chi phí cố định sang chi phí tuỳ biến".
Gateway cũng đồng thời cắt giảm danh sách ODM (On Demand Manufacturing - Sản xuất theo yêu cầu) của hãng xuống chỉ còn hai đối tác. Bước đi này đã củng cố quan hệ hai bên một cách đáng kể, cho phép hạ thấp chi phí, tăng lượng hàng cũng như xem xét các công nghệ tương lai toàn diện hơn.
Đối với nền tảng khách hàng chuyên nghiệp hiện tại, Gateway thực thi một chính sách dịch vụ chăm sóc tâm lý cẩn trọng: " Chúng tôi gắng hết sức để họ cảm thấy an tâm và thoải mái với hướng phát triển mới của hãng", Stevenson nói. "Hiện tại, chúng tôi đang tập trung cho các sản phẩm máy tính và "hội tụ" đa chức năng để đạt được mức tăng trưởng cũng như thị phần mong muốn. Máy in không phải là mặt mạnh của Gateway, do đó chúng tôi không có kế hoạch nhảy vào lĩnh vực này".
Thách thức từ Dell
Trung Quốc - thị trường mới đầy hấp dẫn cho các nhà sản xuất PC |
Tương lai trước mắt, các nhà sản xuất chuyên về tiêu dùng như Gateway, Fujitsu và Toshiba sẽ cần phải theo đuổi những người mua tiềm năng không bị trói buộc với bất cứ một nhãn hiệu nào. "Người tiêu dùng ngày nay có khuynh hướng mua những sản phẩm phù hợp nhất với lối sống của họ. Nhiều người quan tâm tới chức năng nhiều hơn là giá thành thấp", Yates nhận định.
Bên cạnh đó, các công ty cũng cần phải theo đuổi những thị trường mới nổi và chưa được khai thác. "Tính đến cuối năm 2003, ước tính có khoảng 25 triệu người sử dụng máy tính tạo Trung Quốc, và con số này sẽ tăng lên tới 200 triệu vào cuối thập kỷ này".
Theo Yates, thị trường Trung Quốc hiện tồn tại hai xu hướng: 1. Những người tiêu dùng từng mua máy tính trong quá khứ sẽ đòi hỏi những chiếc máy mạnh hơn và 2. Người tiêu dùng Trung Quốc luôn bị hấp dẫn bởi các nhãn hiệu phương Tây. Bản hợp đồng giữa Lenovo và IBM sẽ cho phép nhà sản xuất Trung Quốc này thoả mãn cả hai nhu cầu nói trên.
"Dell không chi tiền cho R&D (nghiên cứu và phát triển) cho công việc thiết kế sản phẩm. Họ để cho các công ty khác làm việc đó (cho mình). Họ chỉ chi tiền để tìm cách mua lại những sản phẩm đã hoàn thiện của các hãng khác, biến chúng thành các gói và nhóm sản phẩm mà người sử dụng muốn mua mà thôi".
"Tất cả mọi người đều khao khát có được một mô hình như Dell, song cho tới tận bây giờ, vẫn chưa có một ai đủ khả năng để bắt chước họ. Các hãng khác phải đối mặt với những mâu thuẫn không tránh khỏi giữa các kênh bán hàng trực tiếp của chính hãng với hợp đồng cùng các đại lý bán lẻ. Họ mất quá nhiều thời gian để tìm cách cân bằng mối quan hệ này".
Cầm Thi (Theo NewsFactor)