Theo công trình nghiên cứu mới nhất từ Diễn đàn vì Tương lai (Anh Quốc), tại một số quốc gia đang phát triển, những chiếc "alô đồ cổ" đã giúp thu hẹp "khoảng cách số" đang tồn tại trong xã hội, cũng như giữa các nước đó với những quốc gia phát triển hơn.
Cụ thể, giá thành vừa túi tiền của những chiếc điện thoại tái chế này đã giúp chúng có được một cuộc sống thứ hai hữu ích hơn bên những người thu nhập thấp. Điều cần làm lúc này là làm sao thu gom được chúng một cách hiệu quả, thay vì để chúng mục rữa dần trong các bãi rác điện tử tại các quốc gia giàu có.
Tái chế, tái sử dụng
Theo bản báo cáo, chỉ riêng tại Anh mỗi năm đã có xấp xỉ 15 triệu chiếc điện thoại di động bị ném vào thùng rác. Trong số đó, chỉ có 25% được quay trở lại các hãng điện thoại để tái chế hoặc tái sử dụng.
Khối lượng khổng lồ những chiếc điện thoại không được tái chế tăng dần lên qua năm tháng và giờ đây đã đạt tới con số... 90 triệu máy, tương đương với 9.000 tấn phế thải. "Ngày nay, việc một người sử dụng từ hai đến ba chiếc điện thoại đã trở nên quá sức phổ biến", James Goodman, tác giả bản báo cáo và là chuyên viên tư vấn cao cấp của Diễn đàn cho biết. "Những chiếc điện thoại nghỉ hưu lưu lạc đến các bãi rác và tại đây, chúng rò rỉ ra môi trường những hoá chất độc hại có trong thành phần của mình".
Chính vì vậy, kết cục sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều nếu bạn giao trả lại những "cố nhân" này cho một nhà cung cấp dịch vụ để họ chuyển chúng đến các nước thứ ba, nơi chúng có thể sống tiếp một vòng đời thứ hai.
Vị cứu tinh của người thu nhập thấp
Điện thoại cũ đã chứng tỏ được chúng đặc biệt hữu ích như thế nào tại các nước nghèo, nơi người dân muốn sử dụng ĐTDĐ để liên lạc vô cùng, song lại không đủ năng lực tài chính để tậu về một con máy đời mới nhất. Một thí dụ điển hình cho nhận định này là Rumani, một quốc gia mà điện thoại tân trang vô cùng phổ biến và thông dụng. "Đó quả là một trường hợp thú vị, vì mạng điện thoại cố định tại đây thực sự rất tồi. Người dân thực sự mong muốn sử dụng điện thoại di động", ông Goodman nói. Song mức lương tương đối thấp của Rumani, một trong những nước nghèo nhất châu Âu, cũng đồng nghĩa với việc không mấy người đủ tiền sắm được một chiếc máy mới tinh bóng loáng cho mình. "Giá thành quả là một rào cản lớn ngăn người dân bình thường đến với công nghệ di động".
Chính trong hoàn cảnh này, điện thoại tân trang đã đến như một "vị cứu tinh". Giờ thì gần 1/3 số thuê bao di động trả trước tại Rumani đang sử dụng điện thoại second-hand, với giá tiền chỉ bằng 1/3 so với điện thoại mới tinh.
Georgeta Minciu, một nhân viên vệ sinh bán thời gian, cho biết " Với đồng lương ba cọc ba đồng, ngày trước chẳng bao giờ tôi dám mơ đến việc sử dụng di động. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, nên việc hai mẹ con chúng tôi giữ liên lạc với nhau có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điện thoại cũ là cách duy nhất để tôi có thể đủ sức cáng đáng".
Cầm Thi (Theo BBC)