Sử dụng phần mềm Synface, tức "Gương mặt nhân tạo", một công nghệ nhận dạng lời nói tự động, màn hình sẽ hiển thị một hình vẽ mặt người, "nói" lại những nội dung đang được truyền đến qua đường điện thoại.
Cụ thể hơn, phần mềm này sẽ "lắng nghe" những gì đầu dây bên kia nói và cùng lúc đó, "phiên dịch" chúng rồi khớp với cử động của khuôn mặt ảo hiển thị trên màn hình laptop. Người sử dụng có thể "nhìn miệng" và đoán ra nội dung thông điệp, hệt như họ đang trò chuyện mặt đối mặt vậy.
Được xúc tiến cách đây 3 năm rưỡi, sáng kiến này là nỗ lực chung của Đại học London và ba nhóm nghiên cứu tại Hà Lan, Thụy Điển và Anh, cùng với tổ chức từ thiện Viện Người khiếm thính quốc gia Hoàng Gia (RNID). Các phần mềm mẫu hiện đang được thử nghiệm tại ba nước này và 100% số người tình nguyện tham gia đều bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình cho ý tưởng.
Neil Thomas, giám đốc phát triển sản phẩm của RNID, cho biết: "Phần lớn mọi người, nhất là những ai gặp khó khăn về khả năng nghe, thường "nhìn miệng" đoán ý trong khi giao tiếp. Khi bạn nói chuyện điện thoại, việc này trở nên bất khả thi vì bạn không thấy được người đang nói chuyện với mình".
Theo Neil, những người tham gia thử nghiệm cảm thấy tự tin hơn khi gọi điện nhờ công nghệ mới. "Công nghệ này giúp họ khẳng định lại những điều họ cho là mình đang nghe thấy. Khi một người mất khả năng nghe, một trong những nỗi khổ lớn nhất mà họ phải chịu đựng là sự tự ti khi gọi điện".
Tất nhiên vẫn còn khá nhiều bước phát triển cần làm để hoàn thiện sản phẩm, bao gồm nâng cao mức độ nhận dạng lời nói để Synface có thể phù hợp với mục đích sử dụng hàng ngày. Các nhà nghiên cứu cũng chưa biết giá thành của sản phẩm khi tung ra thị trường sẽ là bao nhiêu, song mục tiêu của họ là giữ cho giá thấp ở mức tối đa có thể.
So với lời nói phát ra từ đầu dây bên kia, cử động của khuôn mặt ảo trên màn hình chậm hơn khoảng 1/5 giây. Khoảng thời gian này đủ để cho phép phần mềm lắng nghe và phiên dịch rồi hiển thị thành hình vẽ trên màn hình, dù người dùng chẳng thể nhận ra được và càng không ảnh hưởng đến diễn tiến của cuộc trò chuyện.
Một số công nghệ tương tự cũng đã có trên thị trường, trong đó có điện thoại thấy hình (video telephony). Mặc dù vậy, công nghệ này đòi hỏi cả hai người đàm thoại đều phải cài đặt phần mềm, trong khi Synface chỉ yêu cầu duy nhất người nhận cuộc gọi có phần mềm "phiên dịch". Sau khi cài vào laptop, người dùng có thể đấu nối với bất cứ máy điện thoại nào để tiến hành đàm thoại.
Đối tượng của Synface là những người lãng tai, người cao tuổi nghễnh ngãng nhưng vẫn có khả năng "đọc miệng". Còn với những người bị điếc bẩm sinh, phần mềm này sẽ không có tác dụng. Ngoài ra, hệ thống Synface còn có thể dùng được trong những kênh truyền thanh công cộng tại những nơi ồn ào như sân bay, nhà ga, bến xe...
-
Cầm Thi (Theo CNN)