Khi nhắc đến những công nghệ có thể xâm phạm bí mật riêng tư của mỗi người, chúng ta thường chỉ nghĩ đến phần mềm do thám, phần mềm theo dõi bàn phím (keylogger), Trojan hay những phần cứng và phần mềm độc hại một cách tuyệt đối.
Công cụ tìm kiếm desktop của Google chính là một trong những 'tội đồ" bất đắc dĩ |
Tuy nhiên, một nguy cơ thậm chí còn lớn hơn, lại tồn tại bên trong những công cụ mà chúng ta vẫn luôn tin tưởng: những thiết bị và chương trình hữu ích vốn dĩ không được xây dựng với mục đích do thám, nhưng lại có thể bị lợi dụng vào mục đích đó.
Với hệ thống GPS, ĐTDĐ có thể cho phép cảnh sát tìm ra bạn trong trường hợp tai nạn xảy ra, nhưng mặt trái của nó là... thư rác từ các cửa hàng địa phương. Công cụ tìm kiếm desktop có thể giúp bạn xác định vị trí những file dữ liệu đã mất từ lâu, nhưng cũng có thể tiếp tay cho bọn tin tặc tìm kiếm mật khẩu Web. Báo cáo lỗi Windows có thể giúp giới phát triển cải tiến phần mềm của họ, nhưng đồng thời cũng gửi các dữ liệu cá nhân trong máy tính của bạn đến tay người lạ.
Nói đến đây hẳn không ít người đã lo cuống lên "Vậy thì phải dùng cái gì mới không bị tác dụng phụ cơ chứ?". Theo các chuyên gia thì bạn không cần phải hoảng sợ, chỉ cần hết sức cẩn thận mà thôi. "Đó là một cán cân mà bạn phải điều tiết. Mỗi cá nhân đều cần phải cân bằng giữa ích lợi của một công cụ hoặc công nghệ với nguy cơ rò rỉ thông tin", Eric Gertler, chuyên gia Bảo mật cá nhân và tác giả "Những ánh mắt tọc mạch", một cuốn sách hướng dẫn cách bảo vệ Bí mật riêng tư (NXB Random House, 2004), cho biết. Điều may mắn là trong nhiều trường hợp, bạn chỉ cần có vài cái click để ngăn chặn điều tồi tệ xảy ra.
Loại thiết bị "con dao hai lưỡi" phổ biến nhất có lẽ chính là... ĐTDĐ, "cục cưng" của đa số chúng ta. Hãy thử tưởng tượng ra cảnh này: Đó là buổi sáng thứ 7 và bạn ra ngoài bát phố. Khi đi ngang qua một cửa hàng, di động của bạn réo lên inh ỏi. Người gọi chính là chủ cửa hàng. Gần đây bạn không "bén mảng" đến đó, nên cửa hàng chào mời bạn bằng một phiếu giảm giá mà bạn có thể dùng ngay lúc ấy.
Khi GPS bị lạm dụng
Có lẽ chúng ta cũng chẳng cần phải lo lắm đến việc các cửa hàng chào mời mình bằng quảng cáo di động như viễn cảnh kể trên. Nhưng trường hợp của con chip E911, một công nghệ GPS với mục tiêu cao cả là "cứu người" đang được tích hợp trong tất cả các model ĐTDĐ đời mới nhất, thì đáng bận tâm hơn.
Các mạng di động đã bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ E911 cho các thuê bao của họ, trong khi các hãng luật và luật sư còn chưa rõ công nghệ này sẽ được pháp luật quản lý như thế nào, nhất là các quy định liên quan đến quyền chấp thuận hoặc khước từ dịch vụ của người tiêu dùng. Chỉ biết rằng khả năng những công nghệ khai báo "sành sạch sanh" vị trí của người dùng tại mọi thời điểm kiểu này bị lạm dụng thì thật là đáng sợ.
Một số dịch vụ, bao gồm cả AccuTracking và Ulocate, cho phép theo dõi chuyển động của những chiếc điện thoại di động GPS nhất định. Một khi phần mềm của những hãng này tải được vào máy (mà chủ máy biết hoặc không hay biết tí gì), mọi đường đi nước bước của chiếc điện thoại đó đều không thoát khỏi vòng ngắm trên Web. Tất nhiên cũng có vài biện pháp bảo vệ Riêng tư cá nhân, và không phải ai cũng có thể đăng ký để theo dõi vị trí người khác. Nhưng nếu bạn có một ông sếp hoặc... bạn đời cùng chia sẻ tài khoản điện thoại với mình, đối phương hoàn toàn có thể nắm bạn trong lòng bạn tay, chính xác từng ly (!)
Cách "phòng thủ" tốt nhất là tìm cách tắt chức năng GPS đi trong mọi trường hợp không khẩn cấp. Nếu bạn không tìm được tổ hợp phím bấm để thực hiện việc này, hãy gọi ngay cho nhà cung cấp dịch vụ để xin trợ giúp chứ đừng tặc lưỡi: "Thôi đành!".
Tại các nước phương Tây, việc cài đặt thiết bị GPS trên xe hơi cho thuê là một việc rất phổ biến, và nó có thể đặc biệt hữu ích khi người thuê bị lạc hay gặp tai nạn. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không biết được xe mình có thiết bị đó, hay chính bạn đang bị theo dõi? Nhiều người thậm chí còn bị phạt tiền vì phóng quá tốc độ mà bằng chứng, không đâu khác, chính là từ thiết bị GPS gắn trên xe.
Theo Chris Hoognagle, phó giám đốc Trung Tâm Thông tin Bí mật Cá nhân Điện tử (EPIC), "Những sản phẩm này đã được phát triển mà không cân nhắc tới chuyện Riêng tư cá nhân trong đầu, kết quả là chúng tạo ra những "dấu vết số". Bất cứ dịch vụ nào lần theo những dấu vết này, tiết lộ bạn là ai, bạn đang ở đâu đều có thể trở thành "cục đường" cho mọi con kiến có ý đồ đen tối". Thông tin cá nhân luôn luôn thu hút hacker, và nếu không có sự bảo vệ của luật pháp, nó sẽ trở thành một nguồn dữ liệu vô cùng giàu có để bọn chúng đào bới sục sạo.
...đến "nuôi ong tay áo" với GDS
Ngay cả khi bạn hiếm khi ra khỏi nhà, thông tin cá nhân của bạn vẫn cứ bị đe doạ như thường, nếu như máy tính của bạn có thể được truy cập bởi nhiều người. Ứng dụng Tìm kiếm Desktop của Google (GDS) vừa mới được giới thiệu chính thức hồi tháng trước, chính là "thủ phạm tiềm năng".
Bạn có nhiều lý do vững chắc để mà lo ngại khả năng này xảy ra lắm đấy, nhất là khi máy tính của bạn đã qua người khác sử dụng, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. GDS xây dựng danh mục tất cả các file, website, email và những cuộc chat IM mà bạn từng xem/thấy/đọc. Danh mục này bao gồm cả những website tối mật, có nghĩa là nếu ai đó có thể vào máy của bạn, họ sẽ nắm được tất tần tật tài khoản ngân hàng và những thông tin nhạy cảm khác chỉ cần gõ đúng từ khoá tìm kiếm mà thôi (một việc dễ như bóc kẹo vậy!).
Mà kể cả bạn không chia sẻ máy tính với ai cũng đừng vội thở phào. Danh mục GDS này chính là nơi thuận tiện nhất cho bọn tin tắc lùng sục các tài liệu tối mật. Chúng thậm chí cũng chẳng cần phải cài một chương trình keylogger để xem bạn làm gì trên Internet nữa, bởi trong GDS đã lưu giữ lại tất cả lịch sử lướt Web của bạn rồi. Chưa kể GDS còn giữ bản sao của tất cả mọi thứ, kể cả những file hoặc email mà bạn đã xoá đi (mặc dù công cụ này có cho phép bạn xoá thư mục "sọt rác").
Lời khuyên đưa ra là: Đừng bao giờ nghĩ tới việc cài đặt nó vào máy tính nếu bạn đang chia sẻ máy với những người khác (trừ phi bạn sẵn sàng chấp nhận nguy cơ ai đó đọc dữ liệu cá nhân của mình). Nếu bạn cài đặt, hãy tìm hiểu và sử dụng thật thành thạo các cài đặt và preference của chương trình trước. Hãy đảm bảo là GDS không liệt kê vào danh mục những website hoặc cuộc chat IM tối mật, đồng thời tuỳ biến để nó bảo mật ở mức cao nhất.
Khước từ những lời mời sốt sắng
Đôi khi bạn cũng không nên tin tưởng cả những người nói rằng họ muốn giúp bạn. Đúng vậy, đó chính là những lời mời sốt sắng từ Microsoft "hãy gửi bản báo cáo về lỗi nói trên" mà bạn vẫn thường gặp mỗi khi va phải "tường gạch" trong Windows XP.
Thực ra những bản báo cáo lỗi Windows này là cách Microsoft dùng để tập hợp thông tin chi tiết về các sự cố và xung đột trong máy tính người dùng. Sau đó, hãng này - cùng với một danh sách dài ngoằng các doanh nghiệp phần mềm đối tác khác - sẽ nghiên cứu để có thể đưa ra giải pháp khắc phục. Thông tin về lỗi được mã hoá và thường là ẩn danh, song trong một số trường hợp, các thông tin dùng để nhận dạng vẫn được cung cấp. Thí dụ như trong báo cáo có thể chứa một đoạn tài liệu với tên bạn hoặc thông tin bạn mới gửi tới một Website chẳng hạn.
Nếu thấy nghi ngờ, tốt nhất là bạn không nên gửi báo cáo đi. Thay vào đó, hãy kiểm tra website của Microsoft để tìm cách sửa hoặc... khởi động lại máy. Bản thân Microsoft cũng đã có đủ vấn đề đau đầu để mà xử lý rồi.
Cầm Thi (Theo PC World)