Tất nhiên, ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này vẫn còn đang trong thuở "hồng hoang". Song công nghệ mang hình ảnh siêu-sắc-nét đến những chiếc màn hình nhỏ xíu di động không vì thế mà kìm bước.
"Một chiếc TV trong lòng bàn tay giờ đã trở thành sự thực", chuyên gia Ahn Chieteuk của Viện nghiên cứu Điện tử và Viễn thông, nhận định.
Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã cấp giấy phép cho sáu mạng di động tại nước này quyền sử dụng công nghệ Truyền hình Multimedia số mặt đất (DMB). 3 hãng sẽ bắt đầu phát sóng từ tháng 5 tới đây.
Thông qua DMB, người dùng có thể bật vào các chương trình truyền hình thông thường, hoặc xem những nội dung theo yêu cầu trên thiết bị di động đầu cuối, có thể là ĐTDĐ hoặc TV mini lắp trong xế hộp.
Hàng loạt dịch vụ dữ liệu dựa trên công nghệ tương tác hai chiều này cũng sẽ được cung cấp "ăn theo". Chẳng hạn, nếu bạn xem phim trên điện thoại của mình, bạn có thể kiểm tra tiểu sử của một trong những diễn viên chính của phim bằng cách click vào một khu vực nào đó trên màn hình. Nếu chương trình bạn đang xem dạy nấu ăn, bạn có thể lưu lại công thức nấu trong máy tính hoặc in ra.
Nếu các ứng dụng phần mềm khác được phát triển đồng bộ, DMB cũng sẽ cho phép người dùng mua sắm trong khi xem một chường trình "Shopping" qua truyền hình trên màn hình di động, theo cách thức tương tự như trong bộ phim "Cơn lốc tình yêu" từng trình chiếu trên truyền hình VN năm ngoái.
Theo các quan chức của Samsung Electronics, hãng đã phát triển DMB, thì các model ĐTDĐ và TV mini hỗ trợ DMB (giá hiện tại khoảng 790 USD) sẽ trở nên thông dụng chỉ trong chưa đầy 3 năm nữa. Trước đây, điện thoại chụp hình cũng chỉ cần chưa đến 4 năm đã thống trị được toàn bộ thị trường di động toàn cầu.
"Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng IT đứng đầu thế giới, và cũng là "lò thử" lý tưởng nhất cho các sản phẩm mới", Chin Dae-Je, bộ trưởng Bộ Thông tin và Viễn thông Hàn Quốc đã phát biểu như vậy trong một cuộc hội thảo hồi tháng trước. Hàn Quốc cũng là nước đầu tiên trên thế giới phát triển công nghệ mobile Internet.
Theo dự đoán của Viện Điện tử và Viễn thông, ngành công nghiệp DMB sẽ tạo ra một doanh thu khoảng 20 tỷ USD, bao gồm cả dịch vụ lẫn sản xuất thiết bị, từ nay cho đến năm 2010. Cũng trong thời gian này, 87.000 người sẽ tìm được việc làm mới từ DMB. Dịch vụ DMB mặt đất mà hiện tại Hàn Quốc đang đi tiên phong được dự đoán sẽ thu hút hơn 10 triệu khách hàng. Các dịch vụ truyền hình multimedia số vệ tinh khiêm tốn hơn, ở mức 4,3 triệu thuê bao.
Đến năm 2012, thị trường toàn cầu của riêng điện thoại DMB cũng đã chiếm doanh thu... 3 tỷ USD.
Từ năm ngoái, Nhật Bản đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ phát sóng Multimedia số bằng công nghệ DMB vệ tinh của riêng mình. Tuy nhiên, chính người dân Hàn Quốc mới là những người đầu tiên trên thế giới được hưởng thành tựu của DMB mặt đất.
Theo giới chuyên gia thì DMB mặt đất phù hợp và tương thích hơn với giao tiếp hai chiều, so với DMB vệ tinh. Đó là chưa kể phí đầu tư ban đầu cũng ít hơn, bởi công nghệ này sử dụng các thiết bị truyền phát sóng sẵn có. Công nghệ này cũng đòi hỏi số lượng các trạm tiếp sóng ít hơn, trong khi tín hiệu vẫn đến được những vùng xa xôi.
Cầm Thi (Theo AFP)