,
221
2086
Tin - học
tinhoc
/cntt/tinhoc/
469920
Phần mềm phát âm tiếng Việt dành cho người khiếm thị
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
,

Phần mềm phát âm tiếng Việt dành cho người khiếm thị

Cập nhật lúc 15:08, Thứ Tư, 21/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Phiên bản đầu tiên của phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận thông tin tiếng Việt vừa được Dự án Ánh Dương ra mắt sáng 20/7 tại TP.HCM. Sản phẩm, bao gồm phần mềm luyện chính tả và phần mềm đọc trang web, sẽ được cung cấp miễn phí cho người khiếm thị Việt Nam.

Phần mềm phát âm tiếng Việt còn là tiện ích cho người lớn tuổi mắt kém và bảo vệ đôi mắt người dùng trước tác hại nhìn quá lâu vào máy tính. Trong ảnh: KS Nguyễn Minh Hùng mặc áo trắng, đứng bên phải ảnh. (Ảnh: HY).

''Nhờ kỹ thuật tiên tiến ngày nay, người khiếm thị trên thế giới đã có thể tiếp cận với thông tin trên máy tính. Nhưng những sản phẩm này chỉ phát âm được các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật... và chưa có với tiếng Việt. Vì vậy, ước mơ cải thiện tình trạng đói thông tin cho người khiếm thị Việt Nam, đã phôi thai nên Dự án phần mềm Ánh Dương.'' - kỹ sư Nguyễn Minh Hùng, trưởng Nhóm Ánh Dương tâm sự.

 

Với mục tiêu trên, Nhóm đã kết hợp với Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM xây dựng phần mềm phát âm trợ giúp người khiếm thị tiếp cận thông tin tiếng Việt trên máy tính, chủ yếu là thông tin trên Internet. Trong cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam 2003 diễn ra hồi tháng 3/2003, Dự án Ánh Dương đã được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 10.000 USD. Sau một năm phát triển, Dự án đã ra mắt phần mềm đọc trang web tiếng Việt và phần mềm hỗ trợ luyện tập chính tả tiếng Việt.

Chương trình phần mềm này của Dự án Ánh Dương có thể tương tác với trình duyệt Internet Explorer của hãng Microsoft để đọc các trang web tiếng Việt. Phương pháp đọc được thực hiện bằng cách quét qua từng từ trong trang web. Người khiếm thị có thể sử dụng chức năng đọc tới, đọc lui, đọc nhảy, tìm kiếm, bằng các phím mũi tên lên xuống, phải trái và thông qua sự mô tả các thành phần phi văn bản như hình ảnh, ô nhập liệu, nút bấm…

Thử nghiệm phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận thông tin tiếng Việt tại cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam 2003. (Ảnh: HY).

Bên cạnh đó, phần mềm hỗ trợ luyện tập chính tả tiếng Việt giúp người khiếm thị tập gõ bàn phím và luyện chính tả tiếng Việt. Chương trình sẽ đọc đề bài là một từ tiếng Việt (hoặc tiếng Anh), người dùng gõ lại từ vừa nghe, nếu chưa rõ có thể nghe lại đề bài hoặc yêu cầu hỗ trợ nghe từng ký tự của đề bài. Khi gõ xong, người dùng ra lệnh kiểm tra để biết kết quả. Đặc biệt, phần mềm có một kho từ khó trong chính tả tiếng Việt để giúp người sử dụng nâng cao kiến thức về tiếng Việt của mình.

KS Hùng cho biết: ''Một trong những trở ngại lớn nhất của Dự án là việc tạo lập bộ phát âm giọng chuẩn và tích hợp bộ phát âm này vào hệ thống SAPI (Speech Application Program Interface) của Microsoft. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc xử lý ngôn ngữ, do tài liệu tiếng Việt hiện nay rất hay xen lẫn tiếng Anh và nhiều chữ viết tắt''.

''Nếu có thêm kinh phí, Dự án Ánh Dương sẽ nâng cấp phần tiếng nói và mở rộng để có thể đọc tài liệu tiếng Việt trong MS Word và MS Exel cũng như một số phần mềm khác. Khi đó, người khiếm thị sẽ có cơ hội tự học, nâng cao kiến thức và dễ dàng hoà nhập với cộng đồng.'' - anh ao ước.

Vũ Lê

,
,