ICT: Bắc chiếc cầu nối qua khoảng cách số ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về công nghệ thông tin và viễn thông (TELMIN) lần 4 vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 4 tới 9/8 vừa qua. Những kết quả mà Thái Lan đạt được từ hội nghị lần này rất đáng để Việt Nam - nước chủ nhà sẽ tổ chức ASEAN TELMIN lần 5 vào năm 2005 tham khảo.
Hợp tác ICT, thích nghi chuẩn khu vực
Với TELMIN 4, lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về ICT có sự tham gia của các đối tác đối thoại là những nước có nền công nghiệp ICT phát triển mạnh trong khu vực và thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3, các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác để phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong khu vực:
Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin ASEAN rộng khắp và bảo mật; xúc tiến hình thành xã hội điện tử (e-Society) và khả năng tiếp thu kiến thức; thúc đẩy thương mại điện tử và tạo điều kiện hợp tác, trao đổi ICT với mục tiêu cuối cùng nhằm xoá bỏ khoảng cách số trong ASEAN.Các dự án cộng tác được ASEAN đưa ra bao gồm: phát triển và ứng dụng công nghệ xác thực dùng tần số radio (RFID), Dự án ASEANNet cho người khuyết tật, và các phát kiến về học tập điện tử (e-Learning).
Đôi nét về ASEAN |
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về công nghệ thông tin và viễn thông (TELMIN) lần 4 đã thu hút khoảng 120 đại biểu, gồm các bộ trưởng ICT của mười nước thành viên ASEAN, cùng các bộ trưởng của bốn đối tác đối thoại lần đầu tham dự là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. ASEAN TELMIN 4 chia thành hai hội nghị nhỏ: Hội nghị ASEAN+3 (gồm mười nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), còn hội nghị thứ hai được tiến hành cùng lúc giữa các bộ trưởng ASEAN với Bộ trưởng ICT của Ấn Độ. Tại ASEAN TELMIN 4, mười nước thành viên đã thống nhất lập Quỹ mang tên "ASEAN ICT Fund", với tổng số tiền ban đầu là năm triệu USD, mỗi nước đóng góp 500.000 USD để dùng vào việc thúc đẩy quá trình thực hiện Chương trình hành động ICT ASEAN. TELMIN 4 cũng tổ chức các diễn đàn về e-Learning - đưa ra những phát kiến để thúc đẩy khả năng tiếp thu tri thức qua công nghệ ICT, e-Youth - diễn đàn nhằm khuyến khích giới trẻ tiếp cận và phát triển khả năng khai thác ICT, và eASEAN Business Council (eABC) - Hội đồng xúc tiến triển khai kế hoạch e-ASEAN. |
Ông Chin-Te-Chê, Bộ trưởng ICT Hàn Quốc đã giới thiệu mô hình tin học hóa của Hàn Quốc và cam kết sẽ tìm kiếm cơ chế hợp tác với các nước ASEAN, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm ứng dụng CNTT mà Hàn Quốc có được. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường các dự án viện trợ không hoàn lại nhằm giúp xóa bỏ sự cách biệt về trình độ CNTT trong khu vực ASEAN.
Theo hãng tin Thai News Agency, ngay sau khi diễn ra hội nghị ASEAN TELMIN 4, Thái Lan đã ký một thoả thuận hợp tác quan trọng với Trung Quốc. Bộ trưởng ICT Thái Lan Surapong Suebwonglee và Bộ trưởng Bộ Thông tin Trung Quốc Wang Xudong đã ký thoả thuận hợp tác ICT tại Bangkok về việc chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm về quản lý ngành công nghiệp ICT, cũng như các kinh nghiệm trong việc sử dụng ICT để xoá bỏ khoảng cách số ngay trong mỗi quốc gia. Trước đó, trong thời điểm diễn ra hội nghị, Thái Lan cũng đã có các thoả thuận ký kết tương tự với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Surapong cho biết bản thoả thuận với Trung Quốc sẽ mở đường cho quá trình phát triển ICT tại Thái Lan, với hy vọng Thái Lan sẽ là nước đầu tiên học tập được thành công của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước thông qua việc sử dụng công nghệ viễn thông.
Cũng trong hội nghị TELMIN ASEAN+3, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã quyết định sẽ củng cố quan hệ cộng tác chung bằng việc chuẩn bị một tiêu chuẩn công nghệ kết hợp để tạo ra các phát kiến mới trong lĩnh vực công nghệ và thông tin toàn cầu. Cho tới nay, ba quốc gia này đã cộng tác qua hình thức các cuộc thảo luận cấp bộ trưởng thường niên. Nhưng theo thoả thuận mới này, hoạt động cộng tác sẽ tập trung vào một văn phòng bộ trưởng hiện hành (cơ quan đàm phán về các hoạt động cộng tác quốc tế), các quan chức nói chung và các chuyên gia có liên quan của ba nước sẽ tham gia vào một thoả thuận với các vấn đề phối hợp thực hiện chung, chẳng hạn như chuẩn mã xác thực sử dụng sóng radio (RFID), các công nghệ truyền thông thế hệ mới và chuẩn tuyền hình kỹ thuật số.
Với tư cách là nước sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị ASEAN TELMIN lần thứ 5 trong năm 2005, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh quá trình phát triển ICT thông qua các thoả thuận hợp tác tương tự như Thái Lan đã triển khai. Quan hệ quốc tế của Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đều đang tiến triển rất tốt. Nhưng để có được quan hệ hợp tác ICT hiệu quả, Việt Nam cần có sự chuẩn bị trước và những kế hoạch cụ thể, đồng thời nắm bắt nhanh chóng những chuẩn công nghệ chung của các nước phát triển trong khu vực để dễ dàng thích nghi từ đầu.
Tiếp cận ICT - chìa khoá phát triển tri thức
Tại lễ khai mạc hội nghị ASEAN TELMIN 4, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã phát biểu: "Với tôi, xã hội tri thức giống như một khái niệm đề cập tới xã hội tương lai nhiều hơn là một mô hình kinh tế. Nó đề cập tới một thời kỳ mà đầu vào của ngành công nghiệp không còn đơn thuần chỉ là các nguyên liệu thô hay lao động chân tay, mà là sức mạnh của tri thức. Nó hướng tới một kỷ nguyên mà con người được đánh giá theo khả năng trí tuệ của họ, chứ không phải là những tài sản vật chất họ sở hữu. Có lẽ điều quan trọng nhất là xã hội tri thức thấy trước được một kỷ nguyên mà con người đặt giá trị cao vào học tập, và có mong muốn học tập những cái mới để làm cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn. Họ sẽ không chỉ học phổ thông và đại học, mà học liên tục trong suốt cuộc đời mình".
Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra: "Ngày nay, chúng ta nói khá nhiều tới xã hội tri thức nhưng những người dân thường ngoài đường phố có thể sẽ không nhận thức hết được nó bao gồm những gì"! |
"Tuy nhiên, thế giới mới đẹp đẽ đó đe doạ sẽ bỏ lại rất nhiều người phía sau. Đó là những người không thể – hoặc sẽ không muốn – hiểu được ICT. Họ đang bị đe doạ sẽ mất đi quyền công dân, không chỉ ở khía cạnh tham gia vào một nền kinh tế mới dựa trên kiến thức. Họ cũng sẽ không thể hưởng thụ được những lợi ích mà thế giới mới đó mang lại. Một xã hội tri thức mang lại rất nhiều lợi ích cho con người nhưng cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với họ." - Thủ tướng Thaksin nhấn mạnh - "Tôi tin tưởng rằng tiếp cận ICT là một điều kiện quan trọng. Chúng ta không thể bắt đầu bàn luận về e-Commerce, e-Industry, e-Education, e-Government và e-Society mà không hề đề cập tới chữ “E” đứng đằng trước. Tiếp cận ICT có thể không phải mục tiêu cuối cùng, nhưng là một yêu cầu cốt yếu để chúng ta tiếp tục nhiệm vụ quan trọng là bắc chiếc cầu nối cho khoảng cách số".
Thủ tướng Thaksin nhận định: "Nếu tri thức là chìa khoá để phát triển và giành được các mục tiêu của chúng ta, thì ICT nắm giữ chìa khoá để phát triển tri thức. Với một kiến thức cơ bản về ICT, mọi người có thể khởi đầu cho một cuộc hành trình khám phá mới đầy hấp dẫn. Ngày nay, việc nghiên cứu tại các trường phổ thông và đại học chỉ mới là sự khởi đầu. Cái chúng ta cần không phải chỉ là học, mà là sự phát triển khả năng nghiên cứu và học hỏi những cái mới trong suốt cuộc đời mình. Về khía cạnh này, ICT đã hỗ trợ đắc lực trong việc thúc đẩy quá trình phát triển khả năng học tập. Ngày nay, thành công trong kinh doanh phụ thuộc yếu tố bạn biết thông tin mới nhanh tới mức nào trong công việc. Với các thiết bị không gian đang truyền tín hiệu với tốc độ ánh sáng, công việc ngày càng được thực hiện nhanh chóng hơn, với tốc độ của ý nghĩ".
Như vậy, trách nhiệm của những cơ quan hoạch định phát triển CNTT là làm cho người dân thấy ICT thực sự hẫp dẫn và có nhiều thứ để khám phá, để họ tự đầu tư thời gian, tiền của, trí tuệ vào việc phát triển, ứng dụng, và từ đó mang lại lợi ích kinh tế, tri thức. Có vậy, một nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin mới có thể trở thành hiện thực trong vòng 15 năm tới.
-
Bình Minh