OLP 2005: Nhiều thú vị mới cho sinh viên
(VietNamNet) - Nói về ấn tượng đối với cuộc thi Olympic Tin học (OLP) năm nay, Nguyễn Việt Cường, sinh viên ngành CNTT trường ĐH Công Nghệ Hà Nội đã hào hứng cho biết: "Cuộc thi năm nay thật sự là một sân chơi đầy hào hứng và thú vị". Có thể nhìn thấy sự hào hứng đó ở rất nhiều khuôn mặt sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước tại buổi lễ tổng kết và trao giải tại Hội trường Thành uỷ TP HCM vào tối ngày 25/4.
Cuộc thi về tin học lớn nhất cho giới sinh viên
Thi Lều chõng của các thí sinh Khối không chuyên tin |
Cuộc đua tài giữa 461 sinh viên đến từ 71 trường đại học và cao đẳng trong cả nước diễn ra liên tục trong suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua. Cuộc thi không chỉ mở ra cho sinh viên ngành CNTT, cả sinh viên "không chuyên" về CNTT nhưng có sự ham thích và hiểu biết về CNTT cũng được dự thi. Có 8 khối thi, khối A, B, E, F: Là các khối thi cá nhân dành cho sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, học viện; thi lập trình trên máy tính giải một số bài toán thuộc phạm vi chương trình Tin học đại cương hiện hành. Khối C, D là khối thi tập thể : cả đội giải chung một đề thi trên cùng một máy tính. Câu nào xong trước có thể đề nghị Hội đồng giám khảo chấm và công bố kết quả ngay. Các đội được quyền làm lại những câu sai (nếu thời gian cho phép) với điều kiện huỷ bỏ kết quả chấm lần trước và chỉ được nhận 80% số điểm đạt được của lần chấm sau. Thể lệ và quy chế thi khối tập thể sẽ được cụ thể và chi tiết hóa trong văn bản riêng.
Khối Siêu Cúp khối dành cho các sinh viên có "đẳng cấp" về CNTT. Đề thi dành cho khối thi Siêu cúp rất "hóc", sinh viên vượt kỳ thi này hầu hết phải có kinh nghiệm thi đấu và từng đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Khối Cao đẳng F: gồm các trường Cao đẳng là Khối không Chuyên Tin học có đề thi riêng; mỗi đội 03 thí sinh chính thức.
Tham gia kỳ thi lần này, Nguyễn Việt Cường tham gia kỳ thi đồng đội về mã nguồn mở, đội ĐH Công Nghệ (Hà Nội) của Cường đã đoạt giải Nhì. Việt Cường cho biết: mặc dù phần mềm mã nguồn mở không có trong chương trình giảng dạy chính thức ở các trường ĐH, thế nhưng từ tháng 9/2003, trường ĐH Công Nghệ đã đưa phần mềm mã nguồn mở vào chương trình giảng dạy ở ĐH. "Chúng em may mắn được học để biết cách lập trình trên môi trường mở GNU C++, vì vậy khi bước vào phần thi chúng em khá tự tin", Cường nói.
Thi Micromouse: ứng dụng thực tế các lý thuyết về giải thuật
Phần thi tìm đường Mê cung Micromouse |
Phần thi Micromouse diễn ra vào chiều chủ nhật diễn ra khá sôi nổi và thu hút được rất nhiều bạn sinh viên đến xem. Nguyễn Diệp Thương, sinh viên năm 3 Học Viện Bưu Chính Viễn Thông cho biết: đây là một phần thi rất hấp dẫn và thú vị. Sinh viên có cơ hội làm việc thực tế với robot, ứng dụng vào thực tế các lý thuyết về giải thuật, trí tuệ nhân tạo. Một chuyên gia Micromouse được mời từ Singapore về Việt Nam để tập huấn cho các thí sinh dự thi. Thi Micromouse gồm 2 nội dung: phần thi lập trình cho chuột (Mouse) tự tìm đường đi ở mê cung (Mazesolving) và phần thi đua tốc độ (Micromouse Race). Với phần thi lập trình tìm đường, sinh viên sẽ không được biết trước mê cung, chuột phải được lập trình và tự tìm đường ra khỏi mê cung với kích thước 18cm x 18cm và được chia thành lưới ô vuông. Riêng đối với đường đua tốc độ, thí sinh được cho biết trước mê cung để có thể tăng tốc hoặc giảm tốc cho Mouse tuỳ thuộc vào đường đua. Diệp Thương cho biết: "Mặc dù thí sinh tham dự phần thi này được quyền bảo quản chuột, thế nhưng người dự thi phải hoàn toàn tự lập trình các giải thuật cho Mouse mà không thể nhận kỳ một sự trợ giúp bên ngoài nào, tôi rất tin tưởng ở sự công bằng của cuộc thi.
Phần thi khá ấn tượng và sáng tạo trong kỳ thi OLP 2005 lần này là phần thi Lều Chõng. Đây là phần thi đòi hỏi tính đồng đội cao, phong cách làm việc tập thể. Mỗi đội dự thi gồm 3 thành viên, làm chung một đề thi, trong đề thi sẽ có 4-5 bài toán thuộc phạm vi chương trình Tin học hiện hành trên máy tính. Mỗi đội sẽ làm việc trên một máy tính trong khoảng thời gian là 3 giờ. Khi làm xong bài nào, các đội có quyền đề nghị HĐGK chấm ngay bài đó, kết quả được công bố ngay tại khu vực thi. Bài thi sau khi chấm, nếu vượt qua toàn bộ số test mới được tính 01 điểm, còn không sẽ bị trả về và không được tính điểm. Nếu bài được tính 01 điểm, sẽ có một chỉ số phụ được tính là thời gian thực hiện bài đó (tính từ lúc bắt đầu cuộc thi). Nếu bị trả về, bài được phép làm lại và đề nghị chấm lại, tuy nhiên, sẽ bị tính phạt về mặt thời gian (mỗi lần trả về bị cộng thêm 20 phút vào chỉ số phụ). Chỉ có bài được 01 điểm mới bị tính chỉ số phụ thời gian (là tổng thời gian làm bài và thời gian bị phạt - nếu có). Bài nào không có điểm thì không đưa vào để tính thời gian làm bài.
Các kết quả chấm điểm sẽ được thông báo qua loa và một màn hình lớn đặt ở giảng đường. Càng về đích, khoảng cách điểm số của các đội được rút ngắn và bức phá. Nguyễn Trung Thành, thành viên đội tuyển Lều Chõng Học Viện Quân Sự cho biết: "Đây thật sự là một cuộc tranh tài rất hào hứng. Người dự thi không chỉ nắm vững về thuật toán căn bản, kỷ thuật lập trình mà còn phải xử lý với một tốc độ rất nhanh. Các kết quả khi nộp lên cũng được thông báo ngay kết quả đúng hoặc sai và cho phép làm lại. Ở vòng thi này, có đến 3 đội đạt điểm tối đa, ban tổ chức phải tính thời gian làm bài để xếp giải.
Chấm thi bằng phần mềm tự động
Các thí sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội đang thảo luận tại phần thi Lều chõng |
Khác với những lần thi trước, lần này CNTT đã được đưa vào công tác tổ chức đăng ký và cả chấm điểm thi. Ở phần thi cá nhân, 120 bài sự thi đã được bộ phần mềm chấm tự động chấm trong vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ thay vì trọn một ngày như các lần thi trước. Bộ phần mềm này cũng là sản phẩm của các giảng viên khoa CNTT trường ĐH Khoa học Tự Nhiên viết theo tiêu chuẩn ACM (tiêu chuẩn của cuộc thi lập trình Quốc tế). PGS TS Đồng thị Bích Thuỷ, phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự Nhiên cho biết: với phần mềm này, số lượng cán bộ chấm thi đã giảm chỉ còn 1/4, cụ thể cuộc thi lần này chỉ cần 8 cán bộ chấm thi và chỉ chấm trong 2 giờ là xong so với 30 cán bộ chấm thi và phải chấm liên tục suốt một ngày mới kịp thời gian như những năm thi trước.
Tuy nhiên, bạn Nguyễn Sinh Trung , học viện Tài Chính Hà Nội cũng cho biết: không hiểu như thế nào mà khi chúng tôi nộp bài phần thi Lều Chõng, kết quả được chấm và trả lại là Sai. Thế nhưng mất khá nhiều thời gian để cho chạy lại phần Text phần không tìm thấy lỗi, khi ban tổ chức thông báo hết giờ, chúng tôi đành nộp phần thi bị báo sai ngay lúc đầu. Lúc này chúng tôi lại được cho kết quả đúng hoàn toàn. Không chỉ có Trung, rất nhiều bạn sinh viên cũng cho biết là mặc dù đã xem xét rất kỹ nhưng vẫn không tìm ra lỗi sai và không thể biết sai ở phần nào. Thế nhưng khi nộp bài, text lại bị báo là không chạy được
Trao đổi với VietNamNet, TS Dương Anh Đức, thành viên ban giám khảo cho biết: các phần mềm chấm điểm được kiểm tra rất kỹ lưỡng để bảo đảm độ khách quan và chính xác. Tuy nhiên trong khi thi, do máy chấm có sự cố bị...mất điện, những bài nộp vào ngay sau sự cố mất điện đều bị trả lại vì máy chưa khởi động lại nên không chấm. Thế nhưng ngay sau đó không hề có sự thông báo nào của ban tổ chức và các thí sinh vẫn mướt mồ hôi tìm lỗi sai trong bài.
Ngoài ra việc dùng công nghệ mạng không dây cho cuộc thi lều chõng ngoài trời cũng giúp đảm bảo tính trật tự và khách quan trong phần chấm giải bài thi đúng trong thời gian nhanh nhất. Các đội thi có thể biết ngay kết quả từng phần để xác định chiến lược thi cho đội mình trong những bài tiếp theo.
Trao đổi với VietNamNet về cuộc thi OLP 2005, TS Kevin Jones, giảng viên trường ĐH Nayang Technological (Singapore), chuyên gia tập huấn Micromouse cho các đội dự thi cho biết: sinh viên CNTT Việt Nam có kiến thức về kỹ thuật rất tốt. Ngoài ra, các bạn trẻ sinh viên cũng có nhiều nhiệt huyết và say mê tin học. Để có thể đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế, sinh viên Việt Nam cần có nhiều cơ hội cọ xát để có thể rèn luyện khả năng làm việc theo nhóm, chiến thuật thi đấu...Còn Hoàng Đức Việt Dũng, sinh viên trường ĐH Nayang, người vừa tham gia kỳ thi ACM tại Thượng Hải tháng trước cho biết: qua cuộc thi chúng em nhận ra còn quá nhiều thứ mình chưa biết và cần phải học hỏi. Có cơ hội tham dự các kỳ thi quốc tế mới nhận thấy rằng thật ra trình độ sinh viên mình không hẳn đã quá chênh lệch các nước bạn, sinh viên Việt Nam chỉ thiếu cơ hội cọ xát thực tế...
Được biết sau cuộc thi OLP 2005 này, một đội tuyển từ 3-9 sinh viên sẽ được lựa chọn để tham dự kỳ thi ACM vào tháng 8 tới. Ông Nguyễn Long, phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Chúng tôi mong muốn bạn bè quốc tế sẽ biết đến ngành CNTT Việt Nam thông qua các cuộc thi quốc tế có uy tín về CNTT".
Kết quả cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam năm 2005 Siêu cúp (gồm 1 cúp vàng, 2 cúp bạc và 3 cúp đồng và 3 giải ba). Cúp Vàng thuộc về sinh viên Nguyễn Lê Huy, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia (ĐHQG) Hà Nội; Cúp bạc thuộc về thí sinh Nguyễn Duy Khương và Lê Huy Bình, Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) và Nguyễn Đan Thanh ĐH Bách Khoa TPHCM. Khối thi Cá nhân không chuyên tin học (gồm 1 giải nhất, 5 giải nhì, 25 giải ba và 21 giải khuyến khích). Giải nhất Khối thi không chuyên thuộc về thí sinh Phạm Đệ, Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh. Khối thi Cá nhân chuyên Tin học (gồm 1 giải Đặc biệt, 1 giải nhất, 3 giải nhì, 18 giải ba, 31 giải khuyến khích). Giải đặc biệt thuộc về thí sinh: Nguyễn Đức Thịnh, Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), giải Nhất thuộc về thí sinh: Nguyễn Thế Hiệp, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM. Khối thi cá nhân cao đẳng (1 giải nhất, 3 giải nhì, 16 giải ba, 18 giải khuyến khích). Giải Nhất thuộc về thí sinh: Trần Thanh Phong, Cao Đẳng (CĐ) Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Khối thi Lều chõng khối không chuyên Tin học: (gồm 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 8 giải Ba, 6 giải khuyến khích). Giải đặc biệt thuộc về ĐH Bách khoa Hà Nội, giải nhất Nhất thuộc về ĐH KHTN TP HCM; Học viện Kỹ thuật Quân sự. Khối thi Lều chõng khối chuyên Tin học: (gồm 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 4 giải khuyến khích). ĐH Bách khoa TP.HCM đoạt giải đặc biệt. Hai giải nhì thuộc về: Đại học Công nghệ- ĐHQG Hà Nội, ĐH KHTN-ĐHQG TP HCM. Giải đồng đội khối chuyên Tin học thuộc về Đại Học Khoa Học Tự Nhiên ĐHQG TPHCM; khối không chuyên Tin học thuộc về Học Viện Tài Chính và giải đồng đội khối cao đẳng thuộc về Trường Cao Đẳng Công Nghiệp Thực Phẩm. Phần thi Micromouse : đội Rùa con thuộc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP.HCM đoạt giải nhất phần thi Micromouse và giải Nhì phần thi Mazesolving. Đội Juguar HCM thuộc Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM đoạt giải nhì thuộc phần thi Micromouse và giải Nhát phần thi Mazesolving. Cuộc thi trắc nghiệm Tiếng Anh tin học (23 trong số 401 thí sinh dự thi đoạt giải): giải nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Thanh Tùng, ĐH Sư phạm Hà Nội (30/45 điểm); giải nhì thuộc về thí sinh Lê Đình Thanh, ĐH Hồng Đức Thanh Hóa (28/45). Khối thi Mã Nguồn Mở: (gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích). Giải nhất thuộc về ĐH KHTN TP HCM, Giải Nhì thuộc về Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Giải ba thuộc về Đội tuyển ĐH Bách Khoa TP HCM.
Sinh viên Nguyễn Lê Huy (áo trắng, đeo kính), đoạt Cúp vàng giải Siêu cúp
Các thí sinh nhận giải thưởng OLP 2005.
Giờ nghỉ của các thí sinh sau một vòng đua tài.
Xem kết quả thi đấu ngay sau khi nộp bài tại Hội trường
Bài, ảnh - Thu Thảo