Kết quả của cuộc cạnh tranh không nhân nhượng trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) của Nhật Bản, và Công ty ĐTDĐ khổng lồ NTT DoCoMo: Nhiều loại điện thoại mới, kết hợp luôn tính năng thanh toán điện tử, đang trình làng...
Có vẻ như đang có nhiều sóng gió xảy ra cho việc khai thác sóng ĐTDĐ của NTT DoCoMo. Sau nhiều năm tăng trưởng đều đặn, công ty điều hành và khai thác mạng ĐTDĐ lớn nhất Nhật Bản lần đầu tiên phải đối mặt với việc sụt giảm doanh thu trong năm tài chính này, trong lúc cuộc cạnh tranh của họ với đối thủ KDDI đang tới hồi gay cấn.
Là công ty đi đầu trong một số dịch vụ ĐTDĐ thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới, DoCoMo đã gặp thất bại trong một số vụ đầu tư ra nước ngoài và bị thiệt hại nặng nề. DoCoMo cũng phát hiện ra số tiền thu được từ các dịch vụ Internet di động - đầu tư kinh doanh chủ yếu mà họ theo đuổi - cũng đã đạt đến mức bão hoà.
Ông Masao Nakamura, 59 tuổi, tân chủ tịch DoCoMo vừa được bổ nhiệm cho biết: DoCoMo cần phải tạo ra những nguồn thu mới. Phương thức kiếm tiền theo cách cũ - bằng cách ký hợp đồng với các khách hàng mới và làm sao để họ sử dụng điện thoại thật nhiều - bây giờ vẫn chưa đủ. Hơn 70% người dân Nhật Bản đều đã có ĐTDĐ. Và cuộc chiến tranh về giá cước giữa các hãng cung cấp dịch vụ của nước này đã bắt buộc DoCoMo phải hạ giá cước xuống, chấp nhận các kế hoạch theo kiểu cước cố định trọn gói cho thích hợp với thị trường, cho dù việc này có thể làm ảnh hưởng đến doanh thu. “Mô hình kinh doanh dựa trên việc phải luôn phát triển số lượng khách hàng cũng có các mặt hạn chế của nó.” - ông Nakamura nói - “Hiện nay, chúng tôi đang muốn hướng tới một mô hình kinh doanh mới, không quá lệ thuộc vào số lượng khách hàng”.
Một triển vọng: Đa năng FeliCa
Các loại điện thoại "thông minh" có thể sẽ là một giải pháp. Những loại ĐTDĐ này, như tên của nó, làm được nhiều thứ hơn là một ĐTDĐ bình thường. Chúng có thể chụp hình, lưu trữ danh bạ, chơi nhạc và hiện còn có thể đảm nhận luôn chức năng thanh toán các hóa đơn. Tháng 7/2004, DoCoMo đã tung ra bốn loại ĐTDĐ mới có gắn một chip đặc biệt, cho phép chúng thực hiện chức năng như một ví tiền di động, giữ “tiền điện tử” cùng với các dữ liệu cá nhân như số thẻ tín dụng… Với giá mỗi loại điện thoại mới này vào khoảng 25.000 yen (230 USD/chiếc). Con chip của điện thoại mới này có tên là FeliCa, là sản phẩm hợp tác của DoCoMo với Tập đoàn Sony.
Với công nghệ FeliCa của DoCoMo, ĐTDĐ = ví tiền, vé vào cửa, chìa khoá điện tử... |
Tính đến nay, DoCoMo đã thuyết phục được 39 nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ, trong đó có cả hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản - và thậm chí là của thế giới All Nippon Airways và các chuỗi cửa hàng tiện dụng phục vụ 24/24 chấp nhận và cho phép các khách hàng sử dụng hệ thống FeliCa để thanh toán. Khi dùng ĐTDĐ để mua sắm các sản phẩm, khách hàng quét ĐTDĐ của họ qua một đầu đọc tại quầy tính tiền. Sau đó, khoản tiền cần phải thanh toán sẽ được trừ vào tài khoản cá nhân tại ngân hàng hay trừ vào thẻ tín dụng, tùy theo sự lựa chọn của khách hàng. Khách hàng cũng có thể dễ dàng nạp thêm tiền điện tử vào trong chip và dùng nó để thanh toán một cách tùy thích.
Các loại ĐTDĐ đời mới này cũng có thể đóng vai trò như một loại vé vào cửa điện tử tại các buổi hòa nhạc và các sự kiện thể thao. Một số tòa nhà cũng đã được trang bị khóa cửa điện tử có thể được mở tự động bằng chip FeliCa. DoCoMo cũng đạt được thoả thuận với một công ty đường sắt lớn tại Nhật để sớm cho phép những người sử dụng ĐTDĐ như một loại vé tháng dùng để đi xe lửa.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn còn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giải trí.” - ông Nakamura cho biết. Điều này thể hiện bằng một dãy rộng các sản phẩm và dịch vụ đang cung cấp; từ trò chơi điện tử đủ loại cho đến các kiểu tiếng chuông điện thoại mà khách hàng có thể truy cập bằng ĐTDĐ vào mạng của DoCoMo. “Mặc dù đây sẽ vẫn là một lĩnh vực rất quan trọng nhưng chúng tôi còn muốn biến chiếc ĐTDĐ trở thành một vật dụng tối cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của mỗi người.” - ông nói.
FeliCa: Vẫn đang... gieo mầm!
Tuy vậy, cũng còn rất nhiều việc phải làm cho hệ thống FeliCa!
Hiện nay, DoCoMo vẫn chưa bắt đầu khoá sổ số lượng các nhà bán lẻ tham gia vào hệ thống. Thay vào đó, họ vẫn đang tập trung vào việc mở rộng số lượng các cửa hàng và các công ty cung ứng dịch vụ chấp nhận hệ thống thanh toán FeliCa. Ông Nakamura cho biết: Mục đích cuối cùng mà DoCoMo nhắm đến là có thể thu được phí giao dịch từ mỗi cuộc mua bán diễn ra, tương tự như cách kiếm tiền mà các công ty thẻ tín dụng đang thực hiện. DoCoMo cũng hy vọng có được một khoản thu đáng kể từ việc cho phép các công ty khác sử dụng công nghệ FeliCa.
“Tôi nghĩ dịch vụ sẽ được mọi người đón nhận nhiệt tình, đặc biệt nếu DoCoMo xây dựng được một hệ thống bảo mật vững chắc.” - cô Masako Kuwahara, nhà phân tích viễn thông tại Tokyo nói. Theo cô Kuwahara, dự đoán phải mất một thời gian nữa FeliCa mới có thể bắt đầu mang lại lợi nhuận cho DoCoMo vì “họ vẫn còn đang ở trong giai đoạn gieo mầm”.
Thêm vào đó nhằm lôi kéo và có thêm nhiều khách hàng đi mua sắm bằng ĐTDĐ, DoCoMo cũng mở rộng kế hoạch “tấn công” vào đối tượng khách hàng là các công ty và tập đoàn, bằng các dịch vụ lôi cuốn khách hàng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh của mình và cho cả những người quá bận rộn. Ông Nakamura cho biết về một hệ thống mới đã được lắp đặt ở một số khu vực, cho phép các bà mẹ trong khi đang làm việc tại công ty có thể sử dụng ĐTDĐ của mình để theo dõi và thấy được con cái của họ đang làm gì ở các trung tâm giữ trẻ qua các camera đặt tại đó. Ông cũng muốn DoCoMo tiếp cận được nhiều công ty và khuyến khích họ sử dụng ĐTDĐ nhiều hơn nữa, ngoài việc chỉ có những người bán hàng do bắt buộc đi ra ngoài nên phải dùng ĐTDĐ để báo cáo số liệu về văn phòng của họ.
Tuần qua, DoCoMo giới thiệu một loại ĐTDĐ mới nhắm vào các khách hàng công ty, vừa cho phép thực hiện các nối kết qua mạng di động vừa cho phép thực hiện các cuộc gọi qua Internet bằng mạng nội bộ không dây của công ty.
Trước đây, DoCoMo đã tạo được dấu ấn của họ trong ngành công nghiệp ĐTDĐ của cả thế giới vào năm 1999, khi họ đưa ra i-mode, một dịch vụ cho phép người sử dụng lướt trên Internet và gởi hay nhận e-mail từ chính ĐTDĐ của mình. Dịch vụ này đã thành công vang dội tại Nhật Bản và chỉ cho cả thế giới cách kiếm tiền mới thông qua việc chuyển thêm các loại dữ liệu khác lên mạng ĐTDĐ thay vì chỉ dùng nó để chuyển tín hiệu thoại đơn thuần như từ trước đến nay.
Cuộc đấu 3G
Vào năm 2002, Công ty trở thành hãng đầu tiên trên thế giới cung cấp các dịch vụ di động thế hệ thứ ba, hay là 3G – tương đương với việc truy cập Internet băng thông rộng bằng ĐTDĐ. Tuy nhiên, con đường để đạt đến đích 3G của DoCoMo đã không được suôn sẻ lắm. Công ty đã phải chi một số tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu và phát triển 3G, song dịch vụ cũng bị chậm trong tiến trình đến với người tiêu dùng rộng rãi.
Trong khi đó, Công ty đối thủ KDDI tung ra dịch vụ 3G phiên bản của chính họ một cách êm ả hơn DoCoMo, cùng với dãy sản phẩm ĐTDĐ và chiến dịch quảng cáo trẻ trung của mình. Vào tháng 10/, đối thủ KDDI - nhỏ hơn nhiều so với DoCoMo - đã lần đầu tiên bất ngờ vượt qua DoCoMo trong việc lôi kéo thêm được nhiều thuê bao mới mỗi tháng. Việc này tiếp diễn cho đến tháng 6 vừa qua và làm cho DoCoMo bị tụt lại phía sau với thị phần hiện chiếm là 56%, so với 58% vào thời điểm đầu năm 2003. KDDI hiện nắm giữ 21% thị phần trong khi Vodafone Group của Nhật Bản - văn phòng đặt tại London - chiếm 18%.
DoCoMo cũng bị lỗ lã trong các đầu tư của mình ở lĩnh vực Internet. Trong giai đoạn 1999-2002, Công ty đã phải chi khoảng 1,9 nghìn tỷ yen đặt cược bằng các đầu tư mua cổ phần của các công ty ĐTDĐ trên khắp thế giới. Họ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ các hãng này trong việc chấp nhận công nghệ i-mode và muốn tìm kiếm phát triển các quan hệ đối tác trong dịch vụ điện thoại 3G. Tuy nhiên trị giá cổ phần mà DoCoMo nắm giữ đã bị mất giá nghiêm trọng khi thị trường cổ phiếu công nghệ cao bị đổ vỡ vào năm 2001 và các đối tác của họ cũng “bỏ của chạy lấy người” trước các con số khổng lồ của giấy phép nhượng quyền sử dụng công nghệ 3G. Công ty cũng phát hiện số cổ phần mà họ đang nắm không đạt tỷ lệ chi phối như họ tính toán. Ví dụ, tại Mỹ, DoCoMo đổ khoảng mười tỷ USD vào Công ty Dịch vụ Vô tuyến AT&T nhưng vẫn thất bại trong việc thuyết phục công ty này sử dụng i-mode. DoCoMo sau đó đã phải bán đi các cổ phần của AT&T...
"Chiến trường ở khắp mọi nơi"
Qua tất cả những thương vụ thất bại, DoCoMo kết lại chỉ còn 1,5 nghìn tỷ yên (khoảng 79%) giá trị của tất cả vốn đầu tư của họ ở nước ngoài. Ông Nakamura nói sẽ không phản đối các kế hoạch tiếp tục đầu tư vốn cho tương lai hay những gì đã đạt được, tuy nhiên ông sẽ thực hiện mọi việc với sự cẩn trọng, nhất là trong lĩnh vực liên kết hay nhượng quyền công nghệ i-mode của DoCoMo. Ông lạc quan về các cơ hội cho DoCoMo tại châu Á và trong việc mở rộng đầu tư góp vốn vào các công ty có liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ di động. Ví dụ, ông khen ngợi quyết định gần đây của Công ty khi mua phần góp vốn 17,6% tại MappointAsia (Thái Lan) - một công ty dịch vụ bản đồ kỹ thuật số - tương đương 1,9 triệu USD.
Ông Nakamura có vẻ bề ngoài không chải chuốt với chiếc điện thoại hiệu Panasonic màu trắng. Giống như “thế hệ ngón tay cái” ở Nhật Bản, ông cũng cầm điện thoại bằng một tay và dùng ngón tay cái để bấm phím nhanh thoăn thoắt. "Còn nếu làm khác đi" - ông nói - “Sẽ làm cho tôi trông giống như một... ông già”.
Thật thú vị khi ông chưa cảm thấy mình già, bởi những cuộc cạnh tranh khốc liệt đang đợi ông ở phía trước. Vào năm 2006, Nhật Bản sẽ bắt đầu cho phép chuyển mạng tự do, điều này cho phép khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các hãng điện thoại khác nhau mà không cần phải thay đổi số điện thoại. Thêm vào đó, DoCoMo cũng phải dè chừng các đối thủ mới của mình là các nhà cung cấp băng thông rộng như eAccess và Softbank – hai công ty Nhật này đã nộp đơn xin phép cung cấp dịch vụ di động và đang tăng tốc trong việc xây dựng, đưa ra các sản phẩm của họ, hứa hẹn cho một cuộc chiến “đại hạ giá” mới.
Tháng 5 vừa qua, số thuê bao của DoCoMo cho mạng di động 3G có tên là FOMA tại Nhật đã vượt qua con số bốn triệu người sử dụng. Ông Nakamura đang nhắm tới con số mười triệu thuê bao FOMA vào thời điểm tháng 3/2005. Ông kết luận: “Đúng là chiến trường ở khắp mọi nơi, chúng tôi phải cân nhắc thật kỹ xem khách hàng của chúng tôi đang thực sự muốn loại sản phẩm hay dịch vụ nào”.
Trần Anh (Theo FEER)