221
2084
Viễn thông
vienthong
/cntt/vienthong/
508904
Lập Quỹ dịch vụ viễn thông cho người nghèo
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Lập Quỹ dịch vụ viễn thông cho người nghèo
,

(VietNamNet) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT) để sớm có quyết định phê duyệt cơ chế hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích - quỹ của người nghèo.

Mọi nhà, dù ở vùng sâu vùng xa sẽ được cập nhật thông tin, giữ vững liên lạc

Điều 50 của Pháp lệnh BC-VT quy định: Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh viễn thông ở Việt Nam phải có trách nhiệm đóng góp, xây dựng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, cộng với một phần hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn tài chính khác. Quỹ này sẽ được giao cho một doanh nghiệp (bằng chỉ định hoặc đấu thầu) chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ.

Thông thường, khi mới tham gia thị trường, các doanh nghiệp sẽ chú trọng đầu tư cung cấp dịch vụ mang lại lợi nhuận cao tại các khu vực thành thị. Đối với các doanh nghiệp này, nghĩa vụ công ích được thực hiện thông qua trả cước kết nối cho Tổng công ty BC-VT Việt Nam (VNPT). Và đối với VNPT, doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ công ích bằng biện pháp bù chéo giữa các dịch vụ, giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.

Đến nay, VNPT đã thực hiện nhiệm vụ này thông qua cơ chế hạch toán bù chéo, lấy lợi nhuận thu được những dịch vụ kinh doanh có lãi cao như dịch vụ viễn thông quốc tế, dịch vụ thông tin di động... để phục vụ công ích - bù chéo cho giá cước tem thư, cước các dịch vụ bưu chính phục vụ lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến khó khăn là không phân định rõ ràng được hoạt động kinh doanh và công ích của doanh nghiệp. Đồng thời, việc mở cửa thị trường lại tạo ra xu hướng định giá dịch vụ dựa trên cơ sở chi phí thực. Vì thế, nếu tiếp tục duy trì cơ chế thực hiện nghĩa vụ công ích này sẽ không công bằng với doanh nghiệp và hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới. Kết quả tất yếu dẫn tới việc thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích do Nhà nước quản lý nhằm thay thế cho cơ chế đóng góp qua cước kết nối và cơ chế bù chéo (như hiện nay) để góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông, giảm khoảng cách số giữa các vùng, miền trong cả nước.

Áp dụng chính sách này, khách hàng không những được hưởng lợi do các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ, mà còn được dùng các dịch vụ phổ cập, dịch vụ công ích do Nhà nước đảm bảo cung cấp với giá rẻ, thậm chí còn thấp hơn giá thành nhờ cơ chế xây dựng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Ví như, cước thư khối lượng đến 20g có giá thành khoảng hơn 1.000đ nhưng Chính phủ đã quyết định mức giá chỉ 800đ. Chính phủ cũng đã hạ giá cước thuê bao điện thoại cố định nội hạt từ 68.000đ xuống còn 27.000đ do đây là hai dịch vụ phổ cập, được nhiều người sử dụng.

Dự thảo thành lập Quỹ này do Bộ BC-VT soạn thảo đã chỉ rõ: Hiến pháp Việt Nam quy định Nhà nước phải đảm bảo cho mọi người dân được sử dụng tối thiểu các phương tiện thông tin liên lạc, nghĩa là cho dù sống ở đâu người dân cũng được gửi, nhận thư từ, bưu phẩm, bưu kiện; dùng điện báo, điện thoại, Internet... với giá rẻ, phù hợp với mức thu nhập bình quân của người dân. Nhiều nước gọi đó là dịch vụ thông tin phổ cập, còn ở nước ta gọi là dịch vụ BC-VT công ích.

Dịch vụ BC-VT công ích còn phục vụ cho các cơ quan cao cấp của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quan trọng đặc biệt như An ninh, Quốc phòng, Ngoại giao; phục vụ những việc khẩn cấp, phòng chống thiên tai, cứu nạn công tác từ thiện và cho cả một số ngành được áp dụng các chính sách đặc biệt của quốc gia như y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, thông tin-báo chí, đảm bảo cho người dân ở mọi miền đất nước đều được sử dụng các dịch vụ BC-VT.

Theo đó, Quỹ viễn thông công ích sẽ thực hiện mục tiêu đạt mật độ từ 15-18 máy/100 dân vào năm 2010. Cũng tới năm này, sẽ đạt 100% xã có điện thoại, xây dựng và duy trì ít nhất 20.000 điểm điện thoại công cộng, hỗ trợ phát triển mới từ 1 triệu-1,5 triệu thuê bao điện thoại cố định cho các đối tượng ở các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn và phát triển mới 150.000 thuê bao Internet cho các đối tượng cần được hỗ trợ.

Dự kiến, các dịch vụ viễn thông công ích sẽ là: dịch vụ điện thoại cố định tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, các xã nghèo, các đơn vị nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật; dịch vụ điện thoại công cộng tại các khu vực dân cư thu nhập thấp; dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông phục vụ cung cấp các thông tin khẩn cấp như cứu hỏa, cứu nạn hàng hải, hàng không, cấp cứu y tế, an ninh trật tự xã hội.

Vốn điều lệ Quỹ dự kiến khi mới thành lập sẽ là 500 tỷ đồng, các doanh nghiệp viễn thông đóng góp Quỹ tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu các dịch vụ viễn thông di động, đường dài trong nước, đường dài quốc tế và dịch vụ thuê kênh. Mức đóng góp này vào khoảng từ 3-6%.

Hoàng Hùng 

 

 

 

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,