Tiếp cận công nghệ mới, dần thay thế những dịch vụ truyền thống, xu hướng sử dụng Internet năm nay là mạng băng rộng ADSL, với nhu cầu tăng vọt...
Cầu đang vượt cung
Thống kê cho thấy năm qua, dịch vụ MegaVNN đã có tác động lớn đến thị trường dịch vụ Internet, những thuê bao gián tiếp có mức độ sử dụng lớn hầu hết đều chuyển sang sử dụng MegaVNN. Tốc độ tăng trưởng thuê bao từ đầu năm 2004 đạt tới con số kỷ lục - khoảng 114%.
Đã có 17 tỉnh, thành phố cung cấp dịch vụ ADSL, 26 Bưu Điện tỉnh cung cấp dịch vụ kết nối qua Pop/Intemet. Đã phát triển mới 121.968 thuê bao Intemet gián tiếp; 1.427 thuê bao trực tiếp; 17.952 thuê bao MegaVNN, nâng tổng số thuê bao Intemet hiện có là 553.637 thuê bao. Đã hoàn thành chương trình đưa Intemet MegaVNN tới các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Trung học phổ thông trong cả nước.
Tuy vậy, hiện tại, theo đánh giá của lãnh đạo VNPT-đơn vị chủ lực cung cấp dịch vụ này, nhu cầu dịch vụ này đang tăng mạnh, và cung đang...chưa đáp ứng được cầu, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh.
Dung lượng đường truyền Internet quốc tế đạt trên 2Gb
Bên cạnh việc gia tăng số lượng người dùng, dung lượng kết nối Internet quốc tế cũng tăng rất nhanh, chỉ trong 8 tháng (từ 4/2003 đến 12/2003) đã tăng gấp gần 5 lần: từ 210Mbps (4/2003) lên 1.038Mbps. Đến quý 3/2004, tổng dung lượng kênh kết nối Internet quốc tế của Việt Nam là 1.672Mbps, trong đó VNPT chiếm 1.366Mbps, Viettel chiếm 210Mbps, FPT chiếm 90Mbps, ETC chiếm 2Mbps và SPT là 4Mbps.
Hiện tại, dung lượng đường truyền Internet quốc tế tại Việt Nam đã đạt 2,447Gb Trong đó, VDC đạt chỉ số dung lượng cao nhất, chiếm 1,69Gb (với các hướng kết nối đi: Hồng Kông là 605Mb; Singapore là 620Mb; Trung Quốc là 155Mb; Mỹ là 90Mb: Nhật Bản là 155Mb và Hàn Quốc là 59 Mb). Viettel chiếm tổng dung lượng là 345Mb gồm các hướng đi Hồng Kông (300Mb) và đi Mỹ là 45Mb. FPT có tổng dung lượng là 355Mb. SPT có tổng dung lượng Internet quốc tế là 55Mb. VP Telecom có tổng dung lượng Internet quốc tế là 2Mb.
Các ISP quản lý nội dung truy cập Internet
Sự tăng trưởng và phổ cập mạnh mẽ Internet trong thời gian qua có phần tác động không nhỏ từ những dự án phổ cập Internet và CNTT cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các chương trình phổ cập Internet và nối mạng tri thức cho cộng đồng, vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý là cần xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng Internet hợp lý và hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ mạng thông tin Internet toàn cầu đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Thực tế cho thấy, mặc dù các chủ đại lý có kiến thức và hiểu biết kỹ thuật về Internet, máy tính, mạng máy tính song các phòng máy tính tại đại lý không có phần mềm hay thiết bị nhằm ngăn chặn các website có nội dung xấu. Có tới 30%-35% các đại lý và điểm truy nhập Internet công cộng có khách hàng thường xuyên truy nhập vào các website đó mà không kiểm soát được.
Do đó, ngày 19/7/2004, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đại lý Internet công cộng, quy định rõ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý đại lý Internet và hợp đồng đại lý mẫu để thống nhất sử dụng trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch và chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của các đại lý Internet đã ký kết. Nếu có đủ cơ sở kết luận chủ đại lý vi phạm các điều khoản hợp đồng (là điều kiện đình chỉ hợp đồng) thì doanh nghiêp lập biên bản, ngừng cung cấp dịch vụ đồng thời gửi văn bản cho các Cục hoặc Sở Bưu chính Viễn thông tại địa phương để thông báo việc vi phạm của đại lý.
Hoàng Hùng