(VietNamNet) - Trong lĩnh vực CNTT-VT của Việt Nam, các tập đoàn Hoa Kỳ cũng nắm giữ một vị trí đáng kể thông qua các hình thức hợp tác liên doanh với sự có mặt của nhiều tập đoàn, công ty có tên tuổi như Microsoft, IBM, Intel, HP, Cisco, Motorola... Cuối tháng 2 vừa qua, Intel cũng đã công bố dự án xây dựng nhà máy chip tại Việt Nam. Và mới đây là sự xuất hiện của Lucent Technologies, một "đại gia" về viễn thông của Mỹ.
Là công ty 100% vốn nước ngoài, ngày 9/3 vừa qua, Tập đoàn Lucent Technologies - được coi là ''vương quốc của công nghệ CDMA'' tại Mỹ, đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Trả lời VietNamNet về lý do chọn Việt Nam là mảnh đất đầu tư, Ông Ngô Đức Quyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Lucent Việt Nam, cho biết: ''Chúng tôi đã từng hợp tác với EVN Telecom 3 năm, tới nay là thời điểm hợp hợp lý để chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các mạng di động hiện tại mới chỉ tập trung vào dịch vụ thoại là chủ yếu, nên việc cung cấp công nghệ cho EVN sẽ tạo sự khác biệt mới của các dịch vụ dữ liệu".
Ông Bart Vogel ,Chủ tịch của Lucent Technologies Châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu tại buổi công bố văn phòng đại diện của Lucent tại Hà Nội. (Ảnh Lê Quang - VnMedia) |
"Đó là sự chuyển đổi từ dịch vụ trên nền chuyển mạch kênh sang chuyển mạch gói. Trước đây, máy đầu cuối ở Việt Nam được đánh giá tương đối đắt so với mặt bằng giá chung. Vì vậy, việc ra mắt dịch vụ di động CDMA sẽ chú trọng giảm chi phí này, đồng thời, ngay lập tức chúng tôi sẽ tung ra thị trường Việt Nam các mẫu máy CDMA có SIM, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ hội thay đổi, có nhiều lựa chọn cho mình.''
Ông Bart Vogel, Chủ tịch của Lucent Technologies Châu Á-Thái Bình Dương cho biết hãng đang làm việc với EVN Telecom để xây dựng mạng hạ tầng viễn thông nhằm đáp ứng những yêu cầu về mật độ sử dụng điện thoại tại Việt Nam. EVN Telecom đã chọn Lucent cho dự án mở rộng mạng CDMA450 giai đoạn II của mình vào tháng 6/2005, sử dụng giải pháp CDMA2000 1X của Lucent dành cho băng tần 450MHz. Theo thỏa thuận này, Lucent cung cấp cho EVN Telecom thiết bị và dịch vụ để phủ sóng hầu hết các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Viễn thông là cầu nối
Có thể nói đây là một trong những kết quả đạt được từ chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của đoàn Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu hồi tháng 6 vừa qua, mở thêm một cánh cửa cho quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt nam Nói chung, các doanh nghiệp VT-CNTT nói riêng với các đối tác Hoa Kỳ.
Trong chuyến viếng thăm này, đã có nhiều biên bản ghi nhớ, cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam phát triển và hội nhập về lĩnh vực CNTT như: Tập đoàn Microsoft đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Bộ BCVT về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT; Tập đoàn IBM đã cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Bộ BCVT cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ với tập đoàn Motorola...
Sau khi tham gia chuyến thăm lịch sử này, Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai cho biết, điều đáng mừng đầu tiên là tất cả các tập đoàn CNTT-VT lớn đều có thiện chí tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Các đối tác đều đánh giá thị trường CNTT-VT Việt Nam là rất tiềm năng và có khả năng phát triển, vì thế họ sẵn sàng có những cam kết đầu tư, thể hiện qua một số biên bản ghi nhớ giữa các tập đoàn CNTT-VT với các bộ, ngành của Việt Nam.
Trong lĩnh vực khai thác viễn thông, đến thời điểm này, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) đã hợp tác với một số nhà cung cấp, khai thác dịch vụ lớn của Hoa Kỳ như AT&T, MCI Worldcom, US Sprint, Net Global, Hughes Networks Systems, Lucent Technologies, VITC. Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) hiện đang cùng các đối tác Fusion, AT&T, MCI Worldcom, GRIC, Ipass hợp tác cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực Internet.
Bên cạnh đó, 2 nhà cung cấp thông tin di động lớn là VMS (chủ quản mạng MobiFone) và GPC (chủ quản mạng VinaPhone) cũng đã ký thoả thuận chuyển vùng quốc tế với các nhà khai thác của Hoa Kỳ như Geocell, Georgia, Voice Stream. Nhiều nhà cung cấp thiết bị và phát triển mạng lưới lớn, nổi tiếng của Hoa Kỳ như Motorola, Champion, Cisco SystemS Inc, Hughes Networks Systems, IDC, Teleglobe Communication, IBM, Intel...đều đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam từ nhiều năm qua.
-
Hoàng Hùng