"Nghi can" tấn công tintucvietnam.com lên tiếng
17:22' 30/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sự kiện website TinTucVietNam (www.tintucvietnam) bị tấn công đã trở thành một sự kiện nóng bỏng suốt gần ba ngày vừa qua. Một thành viên Ban quản trị HVA, bị "tình nghi" oan là đã tham gia vào vụ tấn công này, sẽ đưa ra những nhận định chủ quan về chuyên môn của mình để bạn đọc có một cái nhìn toàn cảnh và đi sâu vào công nghệ hơn.

Soạn: AM 208132 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Dương Ngọc Thái, thành viên Ban quản trị HVA, người bị "nghi oan"  là thủ phạm tấn công tintucvietnam.com trong mấy ngày qua.

Tạm gác lại những câu hỏi về cuộc thi Trí tuệ Việt Nam (TTVN), về ông Vương Vũ Thắng, về iCMS, mục tiêu chính của bài viết này là đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi:

1. TinTucVietNam bị tấn công bằng cách nào?

2. Mã nguồn của iCMS đã bị đánh cắp?

3. iCMS có lấy mã nguồn của các chương trình nguồn mở (open-source)?

4. iCMS có lỗi bảo mật không?

5. Ai tấn công TinTucVietNam?

VietNamNet xin lưu ý: Tất cả những thông tin trong bài viết này đều chỉ là suy đoán chủ quan của tác giả. VietNamNet và tác giả không chịu trách nhiệm về độ xác thực của các thông tin này, mục tiêu duy nhất là để cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về những gì đã xảy ra "phía sau hiện trường" trong ba ngày vừa qua.

Tác giả bài viết là mrro, thành viên của Ban quản trị HVA, đồng thời là một thí sinh của cuộc thi TTVN 2004 (với sản phẩm SMSec). Theo thông tin mà tác giả nhận được, sau vụ tấn công, HVA và bản thân mrro đã trở thành *nghi can* số một. Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, HVA và mrro không tham gia vào các vụ tấn công vào hai website TinTucVietNam và VinaComm.

1. TinTucVietNam bị tấn công bằng cách nào?

Đây là một câu hỏi gây khá nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng do iCMS có lổ hổng bảo mật. Cũng có ý kiến cho rằng thật ra TinTucVietNam chỉ bị tấn công vào tên miền. Câu trả lời chính xác theo tác giả là TinTucVietNam và VinaComm chỉ bị tấn công vào tên miền, máy chủ của TinTucVietNam (và VinaComm) cho đến giờ này vẫn không bị xâm nhập. Tại sao?

Tại Việt Nam, hình ảnh vụ tấn công chỉ được trông thấy khi đi qua một proxy. Nếu tấn công trực tiếp vào hệ thống máy chủ của TinTucVietNam và VinaComm thì không cần phải qua proxy mới trông thấy.

Nếu iCMS có lổ hổng bảo mật, thì ngay khi TinTucVietNam hoạt động trở lại, nó cũng sẽ bị tấn công lần nữa, và các website khác sử dụng iCMS khác cũng có thể sẽ bị tấn công.

TinTucVietNam và VinaComm đều sử dụng dịch vụ DNS của EveryDNS (và ZoneEdit?) và theo tôi được biết thì EveryDNS và ZoneEdit đều có lổ hổng. Tôi suy đoán là các domain của TinTucVietNam và VinaComm từ lâu đã nằm trong quyền kiểm soát của một vài người và chỉ đến hôm nay họ mới thực hiện vụ tấn công ngoạn mục này.

Không thể kết luận ai tấn công TinTucVietNam, bởi lổ hổng của EveryDNS và ZoneEdit đã được lưu truyền khá lâu trong giới hacker tại Viet Nam cũng như trên thế giới. Sau khi Tintucvietnam.com bị tấn công, một số website khác của Việt Nam cũng không thể truy cập, nhưng là do bị tấn công từ chối dịch vụ DOS, một hình thức quấy rối sơ đẳng hơn nhiều so với DNS, và nhiều khả năng là do một nhóm nào đó khác thừa cơ phá quấy làm càn.

2. Mã nguồn của iCMS đã bị đánh cắp? 

Câu trả lời là đúng! Mã nguồn của iCMS đã bị đánh cắp. Theo quan sát của tôi, mã nguồn của iCMS đã bị đánh cắp từ lâu, nhưng chỉ mới được phát tán rộng rãi trên Internet trong mấy ngày gần đây. Bản thân tôi cũng được cho địa chỉ để download mã nguồn. Tuy nhiên, tôi không download bởi vì iCMS là một chương trình có bản quyền, vả lại mã nguồn đó chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi.

Nói là mã nguồn cũng không chính xác lắm, iCMS được viết bằng công nghệ ASP.NET nên tất cả những đoạn mã quan trọng đều đã được dịch sang thư viện liên kết động DLL. Tuy nhiên, có rất nhiều chương trình cho phép decompile các thư viện này, và theo tôi được biết, có khá nhiều người đang khẩn trương làm việc đó.  

Những người đánh cắp iCMS và những người tấn công TinTucVietNam có thể là một hoặc cũng có thể là hai nhóm hoàn toàn tách biệt nhau.

3. iCMS có sử dụng mã nguồn của các chương trình nguổn mở?

Hiện chưa thể kết luận iCMS có đánh cắp mã nguồn của các chương trình open-source hay chưa. Theo tôi được biết, chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, một nhóm lập trình viên .NET sẽ công bố một bài phân tích chi tiết, so sánh mã nguồn của iCMS với các chương trình open-source. Tôi liên tục nhận được tin nhắn qua mạng Yahoo! Messenger nhận xét rằng iCMS có đến từ 50%-70% mã nguồn tương tự với các chương trình open-source. Một ý kiến đáng chú ý khác là iCMS sử dụng rất nhiều thư viện DLL thương mại, câu hỏi đặt ra là VinaComm có mua bản quyền các thư viện này không?

4. iCMS có lỗi bảo mật không? Các website sử dụng iCMS có an toàn?

Kết luận tấn công DNS trong phần 1. có nghĩa là iCMS hoàn toàn không có lỗi bảo mật? Câu trả lời là không, iCMS vẫn có lỗi bảo mật và các website sử dụng iCMS vẫn có khả năng bị tấn công, nhất là khi mã nguồn của iCMS đã bị phát tán rộng rãi trên Internet. Tôi không muốn "vẽ đường cho hươu chạy", chỉ lưu ý là bản thân iCMS có thể không có lỗi, tuy nhiên nền tảng mà iCMS được xây dựng trên đó tồn tại những lổ hổng nguy hiểm. Kết hợp với việc có mã nguồn của iCMS trong tay, bất kỳ người nào cũng có thể xâm nhập vào các website sử dụng iCMS một cách dễ dàng.

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Người "khiếu kiện" iCMS công bố danh tính
Hacker đánh sập Tintucvietnam.com để "đòi công lý"?
CÁC TIN KHÁC:
Người "khiếu kiện" iCMS công bố danh tính (29/11/2004)
Hacker đánh sập Tintucvietnam.com để "đòi công lý"? (29/11/2004)
Yahoo Hàn Quốc bị hacker hạ gục (27/11/2004)
Dùng IE? Click quảng cáo cũng dính virus! (23/11/2004)
Virus Sober đã tái sinh (22/11/2004)
Microsoft "đàn áp" hacker Xbox bằng Halo 2 (15/11/2004)
Một số lỗi cần tránh khi lập trình web (10/11/2004)
Biến thể MyDoom mới phát tán qua lỗ hổng IE (09/11/2004)
Spyware trở thành bệnh dịch của Internet (03/11/2004)
Biến thể Bagle mới theo thang 'cuộc chiến virus' (01/11/2004)
Chiến dịch quốc tế bắt giữ 28 kẻ trộm danh tính (30/10/2004)
Người dùng Internet Mỹ thiếu bảo mật trầm trọng (26/10/2004)
"Vua thư rác" bị yêu cầu vô hiệu spyware (25/10/2004)
Hacker tấn công vào các trường đại học Mỹ (25/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang