Itoday - Báo điện tử chỉ mới xuất hiện ở nước ta mấy năm qua nhưng đang ngày càng thu hút sự quan tâm của độc giả. Ngoài những tờ báo điện tử gắn liền với ''tờ mẹ'' là báo viết như báo Sài Gòn Giải Phóng (sggp.org.vn), báo Lao Ðộng (Laodong.com.vn)... còn có một số báo Internet được thực hiện bởi một số doanh nghiệp công nghệ như VNExpress.Net của FPT Internet, VASC Orient của Công ty Phát triển phần mềm VASC, nhằm cung cấp lượng thông tin trực tuyến phong phú cho độc giả.
Nỗ lực ghi danh trong làng báo
''Vào Internet để làm gì? Nếu không ''siêu tiếng Anh, không giỏi một ngoại ngữ nào khác thì truy cập vào các website trên Internet liệu có ích gì''. Băn khoăn với ý nghĩ đó, những thành viên của Internet FPT nhận ra rằng, để thu hút người Việt Nam ''vào'' Internet, khai thác thông tin thì không gì tốt hơn là phải có các trang web tiếng Việt. Ðó là ý tưởng khởi xướng thành lập một tờ báo điện tử của công ty FPT. Ông Thang Ðức Thắng, Tổng Biên tập tờ báo điện tử Tin nhanh Việt Nam - VnExpress.Net (FPT), cho biết: ''Ngay từ khi số báo điện tử đầu tiên được trình làng ngày 26/2/2001, VnExpress.Net đã xác định mục tiêu trở thành một tờ báo trên mạng Internet lớn nhất, có số lượng khán giả truy cập nhiều nhất tại Việt Nam. Với ưu thế về đầu tư, cập nhật công nghệ thông tin, báo chí trực tuyến đã khai thác, ứng dụng triệt để thế mạnh công nghệ để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất. Chính vì vậy, trong thời gian đầu ra mắt, VnExpress đã thu hút khoảng 300.000 độc giả nhưng tới nay đã có trên 700.000 độc giả thường xuyên vào mạng đọc tin, bài''.
Nếu truy cập vào địa chỉ http://www.vnn.vn chúng ta sẽ bắt gặp một tờ báo điện tử khác, đó là VASC Orient của Công ty Phát triển phần mềm VASC. Ðây là một tờ báo điện tử được thành lập từ năm 1998, đến tháng 8/2001 đã cải tiến toàn diện cả nội dung lẫn hình thức. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VASC, cho biết: ''Ngoài những tin, bài thời sự được tải thường xuyên, chúng tôi còn khai thác những vấn đề nổi cộm bạn đọc quan tâm, diễn đàn theo chủ đề kinh tế, xã hội... Ðó là những nét riêng làm nên màu sắc mới của VASC Orient''.
Mới hơn 1 tuổi, nhưng 2 tờ báo điện tử trên đã được nhiều độc giả biết đến. Chị Thanh Hằng, nhân viên văn phòng Báo Sài Gòn Tiếp thị tại Hà Nội, cho biết: ''Hàng ngày tôi thường vào địa chỉ vnn.vn hoặc vnexpress.net để đọc những thông tin chính trong ngày, sau khi dạo một vòng qua các trang thời sự, xã hội, kinh tế nếu thấy vấn đề gì nổi bật trong ngày thì tôi tiếp tục đọc thêm thông tin từ các tờ báo viết''. Ðối với nhiều độc giả, kênh thông tin từ báo chí trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc như các loại hình báo viết, truyền hình, phát thanh. Những người phụ trách báo trực tuyến cũng thường xuyên được tham gia các cuộc họp của Ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương, nên việc định hướng dư luận, chỉ đạo phóng viên, đăng tải tin, bài cũng dần đi vào nền nếp, bước đầu gây dựng được uy tín nhất định trong làng báo.
Chồng chất những khó khăn
Là tờ báo điện tử của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, ngoài lợi thế về ứng dụng công nghệ hiện đại, các báo trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển loại hình báo chí mới mẻ này. Ông Ðức Thắng (FPT) cho biết: ''Kinh phí là một vấn đề rất nan giải. Khi quyết định làm tờ báo Internet, chúng tôi đã xác định sẽ chịu lỗ trong 18 tháng đầu, bởi vì, hiện nay, báo điện tử không có khoản thu nào khác ngoài dịch vụ quảng cáo. Trong khi đó, việc thu hút quảng cáo đối với loại hình báo Internet là rất khó. Tuy nhiên, do lượng độc giả truy cập VnExpress.Net ngày một tăng nên uy tín quảng cáo trên mạng cũng tăng. Sau khi hoạt động ổn định khoảng 6 tháng, chúng tôi đã ''sống'' được nhờ quảng cáo, đồng thời để đáp ứng nhu cầu cung cấp lượng thông tin mới, chúng tôi đã tuyển thêm hơn 20 phóng viên, biên tập viên, nâng tổng số lên 45 người để làm tin, bài nhanh hơn và nhiều hơn.
Ðối với VASC Orient, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, vấn đề khó khăn nhất chính là... con người. ''Hiện nay, việc tìm được một người làm báo giỏi đã khó mà việc chọn một phóng viên giỏi nghề, biết về công nghệ thông tin lại càng khó hơn. Vì vậy, để đầu tư, phát triển báo Internet, chúng tôi rất chú trọng đầu tư nguồn nhân lực''.
Hiện nay, lượng tin bài được cập nhật của báo trực tuyến khoảng trên 100 tin, bài/ngày, nhưng có khoảng 60 - 80% là trích nguồn từ báo viết. Các phóng viên của báo điện tử khi mới vào nghề rất khó hành nghề, bởi họ chưa có kinh nghiệm và điều quan trọng là nhiều cơ quan, đơn vị cũng không biết báo Internet là gì. Ðể thu thập được tài liệu, tiếp cận đối tượng phỏng vấn, đối với phóng viên của các báo điện tử không phải dễ dàng. Do vậy, bên cạnh những tin, bài có thể ''chạy đua'' với báo viết, một số tin, bài trên báo điện tử chưa mang tính chuyên nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Là một loại hình báo chí mới, các báo điện tử ở nước ta đang ngày càng năng động tác nghiệp, mạnh dạn ''chiêu hiền đãi sĩ'' và nỗ lực phấn đấu trong việc nâng cao chất lượng tin, bài, để trở thành một kênh thông tin đại chúng hấp dẫn độc giả.
Theo Sài Gòn Giải Phóng