Itoday - Sau hơn hai tháng thử nghiệm, đã có trên 38.000 giao dịch với hơn 17.000 tỷ đồng được thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, trong đó khoản thanh toán có trị giá lớn nhất là 600 tỷ đồng. Với 10 giây để thực hiện một lệnh thanh toán, hệ thống này đã đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng so với thời gian hai ngày khi sử dụng hệ thống chuyển tiền cũ.
Chiều qua (15/7), Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khai trương Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hiện đại hoá công nghệ thông tin (CNTT) của ngành ngân hàng Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư 13,1 triệu USD, hệ thống này bao gồm một Trung tâm thanh toán quốc gia đặt tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 6 trung tâm thanh toán khu vực (Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ) và một trung tâm dự phòng đặt tại Sơn Tây.
Kể từ khi đi vào hoạt động thí điểm (từ ngày 2/5) đến nay, hệ thống đã thu hút được 19 ngân hàng và tổ chức tín dụng với 82 thành viên trực tiếp và 300 thành viên gián tiếp tham gia. Hiện tại, hệ thống đã được kết nối với gần 100 chi nhánh của các tổ chức tín dụng ở các địa bàn khác nhau trên cả nước.
Việc đưa Hệ thống thanh toán điện tử vào sử dụng sẽ khắc phục được những hạn chế của hệ thống cũ như đáp ứng yêu cầu quản lý tài khoản tập trung, tận dụng tối đa nguồn vốn, tăng nhanh vòng quay vốn, giảm lượng vốn trôi nổi và thoả mãn yêu cầu thanh toán tức thời, đáp ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là tiểu dự án lớn nhất trong 7 tiểu dự án của dự án ''Hiện đại hoá Ngân hàng và hệ thống thanh toán'' do Ngân hàng thế giới tài trợ. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996.
Theo nhận định của các chuyên gia ngành ngân hàng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là cơ sở hạ tầng CNTT rất quan trọng và là một trong ba điều kiện để thực hiện Thương mại điện tử ở Việt Nam.
Hải Yến