Dù ngành ngân hàng đang tích cực mở rộng mạng lưới xuống các cơ sở và đưa vào nhiều hình thức dịch vụ chi trả cho nhiều đối tượng phục vụ. Thời gian gửi và chuyển tiền cũng đang được rút ngắn, thủ tục thì đã bớt phiền hà hơn và cước phí thì thấp hơn hẳn so với dịch vụ chuyển tiền của ngành bưu điện. Nhưng cứ thông thường thì khi cần chuyển tiền cho người thân hay bè bạn ở xa, người ta vẫn nghĩ ngay việc ra bưu điện.
Để thực hiện một giao dịch chuyển tiền, hiện khách hàng có thể chọn dịch vụ chuyển tiền nhanh (trong vòng 24h), thư chuyển tiền (khoảng 3 đến 5 ngày) hoặc điện chuyển tiền. Đối với cả 3 hình thức chuyển tiền này thì hiện tại ở các bưu điện, thì mức cước đều đắt hơn so với dịch vụ chuyển tiền tại Ngân hàng. Cụ thể, với một khoản tiền trị giá 3 triệu đồng từ Hà Nội vào Nha Trang thông qua bưu điện, khách hàng sẽ phải trả mức cước là 52.000 đồng đối với thư chuyển tiền, và trả 86.000 đồng đối với chuyển tiền nhanh. Trong khi đó nếu ra ngân hàng họ sẽ chỉ phải trả mức phí khoảng 22.000 đồng, mà thời gian cũng chỉ trong vòng 24 tiếng.
Mặc dù đôi khi cước phí chuyển tiền của ông bưu điện làm người ta ''xót ruột''... nhưng trong loại hình dịch vụ chuyển tiền này, ngân hàng đang có vẻ thất thế so với bưu điện. Lý do rất đơn giản: người ta đã quen sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông hơn là ngân hàng. Giao dịch qua bưu điện gần gũi hơn và nói chuyện với các cô nhân viên bưu điện xinh đẹp cũng dễ chịu hơn...
Đó là chủ quan, về khách quan, trên thực tế, chỉ có bưu điện là nơi duy nhất có dịch vụ chuyển tiền tới tận nhà người nhận. Ngoài ra, với mạng lưới bưu cục rộng khắp cả nước, bưu điện có thể đáp ứng như chuyển tiền đến mọi miền đất nước, các vùng xa xôi hẻo lánh như Mù Căng Chải, các bản làng... nơi mà hệ thống các ngân hàng còn chưa thể ''vươn tay'' tới được. Do tính phổ cập mà các dịch vụ bưu chính sẵn có, ở bất kỳ tỉnh, thành, huyện, thị nào khách hàng cũng có thể bắt gặp một bưu cục, thậm chí là cả những vùng xa xôi hẻo lánh cũng có thể ghé vào điểm bưu điện văn hóa xã để chuyển tiền cho người thân. Ngoài ra, thái độ phục vụ tại các bưu điện, bưu cục hiện nay đều rất chu đáo. Khiến khách hàng cảm thấy dễ dàng hơn khi bước vào một ngân hàng ''sang trọng'' để chuyển tiền. Theo chị Nhàn nhân viên bưu cục chợ Mơ, thông thường một ngày có khoảng 20 khách đến chuyển tiền nhanh và 30 - 40 khách sử dụng dịch vụ thư chuyển tiền, nếu vào các dịp lễ tết số lượng khách đến gửi tiền tăng lên rất nhiều.
Chưa kể, với một mức phí khoảng 9.000 hoặc lớn hơn tuỳ thuộc vào quãng đường xa, gần, người dùng có thể lựa chọn dịch vụ chuyển tiền tận nhà. Như vậy họ cứ ung dung uống nước ở nhà, sẽ có người mang tiền đến tận nơi cho họ. Ưu thế này có thể nói vượt trội ngành ngân hàng. Mặc dù dịch vụ chuyển tiền đã ngày càng được mở rộng tại các ngân hàng như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với mức phí rẻ hơn khá nhiều so với bưu điện. Trung bình cước phí chuyển tiền tại các ngân hàng này dao động từ 0,1% - 0,2% so với số tiền khách hàng cần gửi. Tuy nhiên, tại tất cả các ngân hàng này đều không có dịch vụ chuyển tiền tận nhà, người được nhận tiền sẽ được báo đến tận chi nhánh ngân hàng tại địa phương đó để nhận tiền.
Bên cạnh đó, dù ngành ngân hàng đang tích cực đầu tư trang thiết bị CNTT phục vụ cho các dịch vụ ngân hàng nhưng họ dường như vẫn chậm hơn một bước so với những trang thiết bị và mạng lưới hiện đại của các dịch vụ bưu chính. Xét về thực tế, các ngân hàng hãy cứ dè chừng bởi họ sẽ càng có nguy cơ thất thế ở loại hình dịch vụ này. Hơn nữa với việc bóc tách bưu chính và viễn thông của ngành bưu điện đang diễn ra đồng loạt trên cả nước, các dịch vụ bưu chính trong đó bao gồm cả chuyển tiền sẽ ngày được nâng cao về cách thức phục vụ chất lượng dịch vụ... Và một ngày ''đẹp trời'' cước phí chuyển tiền của bưu điện giảm xuống thì ôi thôi... hệ thống các ngân hàng sẽ mất trắng dịch vụ này ư? Có thể lắm!
Ngọc Lý