Cùng với các cuộc gặp gỡ quan trọng với đại diện các cơ quan Chính phủ và giới công nghệ thông tin (CNTT) - Truyền thông Việt Nam trong chuyến thăm ngắn ngủi của mình, ông Craig Barrett cũng đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn của phóng viên I-Today và nhiều báo chí khác. Tại đây, ông đã chia sẻ các kinh nghiệm phát triển của mình và ''bật mí'' một số kế hoạch hỗ trợ đầu tư của Intel tại thị trường Việt Nam.
- Thưa ông, ông có thể cho biết tiêu chuẩn của một thị trường để có thể thu hút đầu tư của Intel?
Thị trường đó cần có 3 tiêu chuẩn: cơ sở hạ tầng tốt, nền giáo dục tốt và được chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tôi thấy, thị trường Việt Nam đã có được tiềm năng của 3 tiêu chuẩn đó. Đây là lần thứ 2 tôi đến Việt Nam, tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đã có bước phát triển rất tốt so với 4 năm trước đây. Tuy nhiên, với hơn 1 triệu thuê bao Internet trên tổng số 500 triệu thuê bao của cả thế giới thì các bạn vẫn còn cơ hội phát triển rất lớn và các bạn nên tận dụng cơ hội cơ đó. Internet thực sự có vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế hội nhập và phát triển, thể hiện ở 4 vai trò hết sức quan trọng đối với một nền kinh tế tri thức: phương tiện kinh doanh cho phép tiến hành thương mại điện tử, phương tiện truyền thông cho phép liên lạc tức thời và thông suốt, phương tiện thông tin giúp nối liền thông tin ở mọi nơi, phương tiện truyền thông đại chúng số cho phép truyền tải thông tin, tri thức hiện đại và nhanh nhất.
- Intel được biết đến là một nhà sản xuất chip bán dẫn số 1 thế giới. Những năm gần đây, Intel còn đầu tư vào một số lĩnh vực khác như: công nghệ mạng, truyền thông... Vậy, theo ông, liệu Intel có thể phát triển được những lĩnh vực đó được không và có cạnh tranh được với các đối thủ kỳ cựu khác không?
Đúng là ngoài sản xuất chip bán dẫn, Intel có 2 chiến lược phát triển rất mạnh là công nghệ mạng và truyền thông. Gần đây, Intel đã tập trung đầu tư và phát triển 2 ngành này, bởi Internet và Truyền thông là xu hướng của thời đại kỹ thuật số. Hiện tại, Intel đã có một vị trí tương đối vững mạnh trong lĩnh vực này trên thị trường thế giới.
- Ông đã có tiếp xúc với giới sinh viên Việt Nam, ông có nhận xét gì về họ? Và liệu Intel có hỗ trợ gì đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam?
Tôi đã có buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tôi nhận thấy các bạn sinh viên Việt Nam rất có trình độ, năng động và tự tin. Gặp gỡ với các bạn trẻ Việt Nam, tôi thấy mình có thể chia sẻ các kinh nghiệm, những tiến bộ về công nghệ mà chúng tôi có, và mong muốn các bạn ấy tích cực học hỏi và nghiên cứu để phát triển CNTT Việt Nam. Intel cam kết sẽ hỗ trợ các công nghệ giáo dục cao cho Việt Nam, để đào tạo ra nhiều chuyên gia CNTT, kỹ sư lập trình... có đủ khả năng và nhiệt tình.
- Vậy còn các khả năng hỗ trợ trong việc xây dựng hạ tầng CNTT và phát triển ngành công nghiệp máy tính?
Tôi chỉ có thể nói là Intel sẽ đưa những công nghệ mới nhất vào Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với các công nghệ và sản phẩm hiện đại. Hiện tại, hạ tầng CNTT của Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh như tốc độ truy cập Internet còn chậm, phần cứng và phần mềm cũng chưa được mạnh lắm. Vì thế, tôi nghĩ Việt Nam nên chú trọng vào việc triển khai hạ tầng kỹ thuật số, kết nối Internet tới mọi người dân và khuyến khích các nhà đổi mới công nghệ tương lai tham gia cạnh tranh trong nền kinh tế số của thế giới, đồng thời cũng chú trọng đầu tư hơn đến ngành công nghiệp phần mềm.
- Chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã có hai cuộc tiếp xúc dài với Bộ Bưu chính Viễn thông và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, vậy Intel có dự định đầu tư vào thị trường Viễn thông Việt Nam hay không? Xung quanh chuyến thăm của ông, có nhiều nguồn tin cho rằng, Intel có ý định xây dựng xây dựng một nhà máy sản xuất chip tại khu Công nghệ cao Hoà Lạc, ông có thể xác nhận nguồn tin này?
Viễn thông là một lĩnh vực nhiều tiềm năng và Intel quan tâm đến ngành viễn thông toàn cầu. Tôi biết, hiện nay, Việt Nam đang rất chú trọng tới ngành công nghiệp phần mềm và viễn thông. Intel hứa sẽ xem xét và hỗ trợ tối đa cho ngành CNTT Việt Nam. Về câu hỏi thứ 2, tôi không có mặt ở đây để xác nhận những nguồn tin như vậy.
- Xin cảm ơn ông!
Huyền Sâm thực hiện