Theo CMS, dòng máy tính văn phòng cao cấp CMS Powercom sẽ là máy tính đầu tiên của hãng được cài đặt hệ điều hành này trước khi xuất xưởng, mỗi máy tính sẽ có một bản hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Trong thời gian tới những dòng máy tính CMS khác như máy tính phổ thông Olympia, máy tính đa chức năng cao cấp X-Media, máy tính xách tay Sputnik cũng sẽ chính thức được cài đặt hệ điều hành này.
Hệ điều hành tiếng Việt và các ứng dụng văn phòng chạy trên đó sẽ được cài đặt sẵn trên các máy CMS, tuy nhiên đây hoàn toàn chỉ là một lựa chọn. Khách hàng có thể dễ dàng cài thêm các chương trình phần mềm khác theo nhu cầu mà không bị hệ điều hành tiếng Việt xung đột. Để giải đáp thắc mắc và hỗ trợ cho khách hàng trong việc sử dụng hệ điều hành tiếng Việt, CMS đã thiết lập một nhóm gồm 4 kỹ sư có kinh nghiệm và đường dây nóng 04.9780135.
Trao đổi với phóng viên của I-Today, ông Nguyễn Phước Hải, Giám đốc công ty CMS cho biết: ''Khả năng tiếng Anh của người Việt vẫn còn hạn chế rất nhiều. Vì vậy, hệ điều hành bằng ngôn ngữ tiếng Việt sẽ giúp đông đảo người Việt Nam có thể dễ dàng sử dụng và khai khác những khả năng của máy tính''
Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới như: Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc... cũng đã phát triển hệ điều hành cho máy tính cá nhân bằng tiếng bản địa của mình nhằm nâng cao khả năng ứng dụng CNTT của người dân và hạn chế sự lệ thuộc vào một số công ty phần mềm lớn trên thế giới. Trên thực tế các quốc gia này đã gặt hái được nhiều thành công, mà phần mềm Linux Hồng Kỳ của Trung Quốc là một ví dụ và kinh nghiệm điển hình đối với Việt Nam.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng rất quan tâm đến các phần mềm mã nguồn mở. Kể từ tháng 12/200 đến nay đã có 3 hội thảo cấp quốc gia về Hệ điều hành mã nguồn mở. Vào tháng 12 tới, Bộ Khoa học công nghệ môi trường sẽ tổ chức hội thảo về Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam lần thứ 2 tại Hà Nội.
Bên cạnh việc đưa hệ điều hành tiếng Việt đến với người Việt, CMS còn là đơn vị tiên phong trong việc giải quyết một vấn đề nhạy cảm cho khách hàng đó là bản quyền phần mềm. Đặc biệt là khi Việt Nam sắp kết thúc lộ trình thực hiện cam kết tôn trọng sở hữu trí tuệ theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ vào quý II năm sau.