Bao giờ thì người dân được thấy một hệ thống hành chính được tin học hoá - nền móng của Chính phủ điện tử - khi mà những viên gạch đầu tiên còn chưa được định hình? Nỗi băn khoăn ấy của những người tham dự Hội thảo ''Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước - con đường tới Chính phủ điện tử'', diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Tin học Việt Nam lần thứ 11, đã chưa được giải đáp.
Giải quyết thế nào 113 đề án con?
Tại Hội thảo, ông Vũ Đình Thuần, Trưởng Ban điều hành (BĐH) Đề án 112 thuộc Văn phòng Chính phủ, cho biết: Đến nay, Đề án đã tới giai đoạn xây dựng cụ thể tại các cơ quan trực thuộc Chính phủ (Bộ ngành), các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, các cơ quan đoàn thể và tổ chức khác. Tổng số 113 đề án ''con'' đã được các cơ quan gửi tới BĐH để thẩm định.
Thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn xem chừng rất khó vượt qua. Chẳng hạn, cả ông Vũ Đình Thuần và ông Lương Cao Sơn, Thư ký BĐH đều nêu ra một trong những ''rào cản'' chính là vấn đề áp dụng quy chế đầu tư xây dựng cơ bản cho việc thực hiện Đề án.
Theo ông Vũ Đình Thuần, ''xây dựng Đề án là một việc, nhưng triển khai Đề án đó lại là chuyện khác''. Việc triển khai Đề án 112 gặp nhiều khó khăn lúng túng bởi, theo ông Thuần, đây là lĩnh vực còn mới mẻ, ảnh hưởng nhiều đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan Bộ, chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, cần thực hiện các quy chế pháp luật trong khi hệ thống văn bản pháp luật lại chưa quy định hết các chi tiết liên quan!
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Lương Cao Sơn cũng thừa nhận: Việc thực hiện Đề án rất khó khăn, mà khó nhất là sự khai thông về mặt chính sách. Ông Sơn nói: ''Công nghệ thì có thể mua được, về giải pháp thì người Việt Nam có thể nghĩ ra hay mua những hạt nhân giải pháp cơ bản của nước ngoài về áp dụng. Thế nhưng không phải ngày một ngày hai có thể chứng minh rằng việc đổi mới quy trình sẽ tác động đến quá trình điều hành và nâng cao chất lượng điều hành...''.
Ông Sơn nêu một ví dụ: khi triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), phải tuân thủ các quy định của Nghị định 52 về đầu tư, xây dựng cơ bản (nhà xưởng, thiết bị, công trình). Vậy mà đến nay vẫn chưa có một văn bản, nghị định nào cho riêng CNTT - từ chính sách mua sắm, đến cơ chế tài chính, đấu thầu, trách nhiệm của từng đơn vị. Điều này đã gây ra ách tắc không chỉ riêng cho Đề án 112 mà là cho tất cả các dự án CNTT. Bên cạnh đó còn có các trở ngại về pháp lý mang tính bao quát và phối hợp liên ngành, chưa kể đến mặt bằng trình độ CNTT chưa đồng đều giữa các nơi...
Kinh phí lớn, song liệu hiệu quả cũng lớn?
Kinh phí thực hiện Đề án năm 2002 được phân bổ căn cứ vào kết quả xây dựng dự án Trung tâm Tích hợp Dữ liệu. Số lượng dự án cũng sẽ là 113, tương ứng với số đề án cơ sở, mỗi đề án chắc chắn có những đặc thù riêng. Thế nhưng trong 113 đề án đã hoàn tất có bao nhiêu phần giống nhau và bao nhiêu phần đặc thù? Tổng thể toàn bộ Đề án 112 có bao nhiêu sản phẩm phần mềm cần thực hiện?...
Ông Thuần xác nhận: tới cuối tháng 7, ước lượng có khoảng 1.500 sản phẩm phần mềm, bao gồm cả các sản phẩm đặc thù và dùng chung, trên tổng số 113 đề án. Con số sản phẩm phần mềm quả là lớn và tiềm ẩn nhiều vấn đề đặt ra. Bỏ qua các vấn đề về chi phí phát triển và chất lượng sản phẩm, chỉ riêng việc duy trì nâng cấp, đào tạo sử dụng các sản phẩm đó cũng đã là vấn đề lớn.
Ông Lương Cao Sơn cũng cho biết: đã có 120 tỷ đồng của năm 2002 được chi cho việc xây dựng các Trung tâm Tích hợp Dữ liệu và Điều hành CNTT tại các ngành và địa phương. Theo tính toán, trung bình ngân sách để triển khai Đề án 112 ở một Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh thành trực thuộc Trung ương là khoảng 25 tỷ đồng, nâng tổng số kinh phí cho Đề án 112 trên phạm vi toàn quốc lên đến... 3.000 tỷ đồng. Đề án của TP.HCM dự kiến cần 290 tỷ đồng, Hà Nội 170 tỷ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư 80 tỷ, Bộ Y tế, Hải Phòng, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác đều đưa ra con số dự tính khoảng 60 tỷ...
Ông Sơn nhấn mạnh: Kinh phí trên phải được trích ra từ ngân sách đã được Nhà nước cấp cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá... của các tỉnh, các Bộ hàng năm. Riêng kinh phí do Đề án 112 trực tiếp cấp cho các địa phương sẽ chiếm 30%-40% tổng kinh phí đề xuất của các địa phương. BĐH có nhiệm vụ thẩm định, nhưng quyền quyết định đầu tư bao nhiêu và triển khai như thế nào là do Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo các Bộ ngành quyết định.
Như vậy, đến giờ này, những gì đã làm được vẫn chưa qua khỏi giai đoạn ''chuẩn bị'' thì e rằng khó nói đến hiệu quả của gần 3.000 tỷ đồng bỏ ra...
Ngọc Mai