''Di cư'' của Lê Quý Tông |
Câu lạc bộ họa sĩ trẻ thuộc Hội mỹ thuật Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác tranh vẽ trên máy vi tính với chủ đề ''Nghệ thuật thị giác kỹ thuật số''. Tối 22/11, triển lãm các tác phẩm tranh nghệ thuật của các họa sĩ trẻ đã được tổ chức tại Viện Goethe, Hà Nội.
7 tác giả trẻ Phạm Bình Chương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Quang Huy, Lê Quý Tông, Nguyễn Thị Yên Trang, Ngô Đức Trí và Trần Lưu Tuấn đã giới thiệu cho các người xem những bức tranh vẽ bằng máy vi tính với những bố cục rất lạ và rất ấn tượng. Ở các nước phát triển, máy tính từ lâu đã tham gia vào việc sáng tác nghệ thuật. Còn ở Việt Nam, khái niệm ''số hóa nghệ thuật'' vẫn còn xa lạ với nhiều người. Sáng tạo bằng máy vi tính có ưu điểm là nhanh hơn lối sáng tác thông thường và cho ra đời những ý tưởng độc đáo hoặc kỳ lạ ngoài ý muốn. Có lẽ vì thế mà 7 hoạ sỹ trẻ đã khiến cho người xem đi hết từ cảm giác thú vị này đến cảm giác thú vị khác.
''Cá vàng'' của Phạm Đình Chương |
Bức ''Rơm'' của Phạm Đình Chương là một giấc mơ trong trẻo đến lạ thường. Tác giả đã sử dụng gam màu sáng để thể hiện ý tưởng. Bên cạnh căn nhà gạch mộc mạc đồng quê là những đống rơm đặt trên mặt hồ trong vắt. Điều này tưởng chừng như phi thực tế nhưng lại là một cách diễn đạt cảm xúc rất tinh tế. Cách thể hiện cảm xúc này được lặp lại ở tác phẩm ''Cá vàng'' của anh. Những chú cá vàng bơi tung tăng, vượt ra ngoài khuôn khổ của những chiếc túi ni-lông trên chiếc xe của người bán cá vàng dạo.
Cũng siêu thực không kém là bức ''Vũ điệu'' của Ngô Đức Trí. Phần trung tâm bức tranh là một vũ công đang uốn mình theo nhịp vũ đạo, đan xen với những mảng tối sáng mà nếu nhìn kỹ mới nhận ra đó là đôi chân của những vũ công. Đức Trí cho biết ''Vũ điệu'' là sự kết hợp của hơn 30 bức tranh riêng rẽ. Anh đã phải mất 2 tháng để cắt, dán, tô vẽ trên máy vi tính để hoàn thiện tác phẩm này.
''Sống giữa xã hội nhân bản vô tính'' của Ngô Bá Hoàng |
Đặc biệt nhất phải kể đến tác phẩm ''Sống giữa xã hội nhân bản vô tính'' của Ngô Bá Hoàng. Bao trùm toàn thể bức tranh là những bàn tay giống nhau như đúc, kết quả của nhân bản vô tính. Ở giữa bức tranh, cũng là điểm nhấn cho bức tranh là những bàn tay của một gia đình 3 thế hệ. Ngô Bá Hoàng cho biết, tác phẩm ngụ ý sống trong một xã hội toàn những thực thể nhân bản vô tính, cái thực thể tự nhiên vẫn tỏ ra ấm áp và đẹp đẽ biết nhường nào.
Một số bức tranh khác cũng mang nhiều ý tưởng và bố cục mới lạ như ''Quá tải'' của Trần Lưu Tuấn, ''Không đề'' của Nguyễn Quang Huy, ''Di cư'' của Lê Quý Tông, ''Huyền ảo'' của Nguyễn Thị Yên Trang, ''Cổ tích hạt gạo'' của Ngô Bá Hoàng... Hầu hết các tác giả đều sử dụng thành thục các phần mềm đồ hoạ vi tính như Photoshop, Corel Draw, 3D Studio Max để thể hiện ý tưởng của mình.
Cả 7 họa sĩ có tranh triển lãm lần này đều tốt nghiệp các trường đại học mỹ thuật và là hội viên của Câu lạc bộ họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Được thành lập từ năm 2000, đến nay Câu lạc bộ họa sĩ trẻ đã kết nạp được 85 thành viên, với 11 thành viên nữ. Từ ngày thành lập, Câu lạc bộ đã tổ chức được nhiều triển lãm, hội thảo cho các thành viên của mình. Triển lãm ''Nghệ thuật thị giác kỹ thuật số'' lần này là một dấu ấn đặc biệt của các thành viên Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ. Nó minh chứng cho một thực tế là ''con chuột'' khô khan có thể thay thế cho chiếc bút lông trong việc diễn đạt những cảm xúc tinh tế và nhạy cảm trong tâm hồn.
Đăng Khoa