I-Today - Điều bí mật về sản phẩm sẽ đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2003 đã gây hồi hộp và bất ngờ đến tận phút chót trong lễ trao giải được truyền hình trực tiếp tối 1/1/2004. Hệ thống quản trị nội dung iCMS của nhóm 4 thí sinh Nguyễn Công Kha, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng, Đặng Quang Huy (Hà Nội) đã đoạt giải Nhất trị giá 50 triệu đồng và một máy tính xách tay trị giá 1.500 USD.
Một giải Nhất hồi hộp
Giải nhất của cuộc thi hai năm 2001, 2002 đều dễ dàng được đoán ra nên không mang lại nhiều bất ngờ. Khác với mọi năm, các sản phẩm lọt vào vòng chung khảo TTVN 2003 đều có những điểm mạnh riêng và chất lượng ngang ngửa nhau. Mỗi thí sinh cũng như nhiều người theo dõi đều thầm đoán về giải nhất. Sản phẩm Hệ thống truyền thông hợp nhất � CorriDOR vốn được nhiều quan tâm tại buổi bảo vệ vòng chung khảo đã rất hy vọng được ôm chiếc Cúp vàng thì nhận được Giải Công nghệ sau khi Ban Tổ chức đã công bố giải Nhì. Nhóm VAN với sản phẩm Vietnam Audio Networks chỉ hết hy vọng sau khi đã nhận được giải Ba vì họ đã vừa đoạt Cúp vàng cuộc thi phần mềm châu Á - Thái Bình Dương APICTA đầu tháng 12 vừa qua.
Khi giải Nhì của cuộc thi 2003 được công bố, nhiều người đã nhẩm tính đến những sản phẩm còn lại trong 15 sản phẩm chung khảo mà chưa được nêu tên. Giải Nhất đã đến với nhóm iCMS trong niềm vui bất ngờ vì trước đó nhóm đã đạt giải của nhà tài trợ vận chuyển chính thức Vietnam Airlines: 4 vé chặng Đông Nam Á bất kỳ mà Vietnam Airlines có chuyến bay tới cho 4 thành viên của nhóm.
Hệ quản trị nội dung iCMS (Innovative Content Management System) khá chuyên nghiệp trong việc xây dựng các tính năng cho phép khai thác và quản lý, phân phối và xuất bản thông tin trên nền Web. iCMS thiết lập một cơ sở dữ liệu có cấu trúc nhằm lưu trữ những thông tin thu thập được từ Internet và cho phép người quản trị đọc tin ở chế độ offline. iCMS là đưa ra các cơ chế, tính năng phục vụ công việc quản lý, quá trình biên tập nội dung, quản lý phiên bản, quy trình duyệt tin, phê chuẩn, lưu trữ..., giúp liên kết các dữ liệu thông tin đầu vào để tạo ra nội dung đầu ra. Việc xuất bản tin lên mạng được thực hiện từ hai nguồn: thông tin do hệ thống thu thập được từ Internet và thông tin do người dùng. Sản phẩm đang được ứng dụng rất thành công tại trang tin tổng hợp www.tintucvietnam.com, Đài truyền hình Việt Nam, Hanoi Telecom, Công ty Viễn thông dầu khí. Hiện nhóm tác giả đang triển khai hệ thống này cho một số đơn vị khác.
Họ đều xứng đáng đạt giải
Sản phẩm đạt giải Nhì (30 triệu đồng và một máy tính để bàn Elead trị giá 603 USD) là Diễn đàn Việt Nam - mVn Forum - của nhóm ''Việt Nam và tôi'' gồm Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Hữu Mai (TP HCM). Hai thành viên này là các quản trị của nhóm Java Việt Nam. Diễn đàn được xây dựng trên nền của Java hỗ trợ hơn 20 thứ tiếng. Công nghệ xây dựng diễn đàn được đánh giá là đi tiên phong trong việc áp dụng java có hỗ trợ tiếng Việt. Sản phẩm này đã được nhiều tổ chức uy tín của nước ngoài sử dụng. Mục tiêu của Nhóm là biến forum thành môi trường trao đổi thông tin cho các tổ chức chứ không đơn thuần là nơi giải trí như hiện nay, do khả năng tích hợp với CSDL sẵn có của các công ty, tổ chức. Diễn đàn mvnForum còn hỗ trợ đa ngôn ngữ, không cần cơ sở dữ liệu bên ngoài và có thể chạy trên 13 hệ thống quản trị CSDL khác nhau. Với mã nguồn mở và miễn phí, sản phẩm phù hợp với xu thế phát triển của CNTT Việt Nam trong tương lai.
Giải Ba thứ nhất (15 triệu đồng và một máy tính để bàn Elead) thuộc về sản phẩm Mạng âm nhạc trực tuyến Việt Nam � Vietnam Audio Networks của nhóm VAN gồm 4 thành viên (Phùng Tiến Công (Sơn La), Phạm Thu Thủy, Bùi Hải Thi (Hà Nội) và Nguyễn Tri Hữu (TP HCM)) hiện đang theo học tại Đại học Tổng hợp Queensland (Australia). Mạng âm nhạc trực tuyến Việt Nam (www.vietnamaudio.com) được phát triển từ sản phẩm đoạt giải Ba TTVN 2001 (Vietkar). Mạng âm thanh này được hỗ trợ bởi 6 phần mềm multimedia do nhóm VAN xây dựng. Giao thức riêng của VAN cho phép người dùng có thể nghe nhạc online trên đường 56Kbps. Hệ thống này nhằm xây dựng một thư viện âm nhạc trực tuyến đầu tiên của Việt Nam với 15 triệu bài hát, 400 tiểu sử ca sĩ, nhạc sĩ, đồng thời giúp học tiếng Anh và nhạc qua mạng (đặc biệt là các loại nhạc cụ dân tộc), tự tạo karaoke� Hiện hệ thống đang được thử nghiệm tại Nhạc viện Hà Nội. Sản phẩm cũng đoạt Cúp vàng APICTA 2003.
Giải Ba thứ hai cũng gây ấn tượng không kém với sản phẩm: Phương pháp nhập liệu mới cho màn hình cảm ứng, minh hoạ trên hệ điều hành Palm OS của nhóm Việt Palm (www.vietpalm.com) với hai thí sinh ở Hà Nội: Nguyễn Khắc Trọng và Vũ Trung Kiên. Nhóm tác giả đã đưa ra một phương pháp nhập liệu tiếng Việt mới trên các thiết bị cầm tay sử dụng hệ điều hành Palm OS. Tận dụng màn hình cảm ứng, một bàn phím ảo cho phép nhập liệu theo nguyên tắc: các ký tự được gõ bình thường như bàn phím truyền thống, bỏ dấu trên bàn phím ảo bằng cách nhấn bút vào ký tự nguyên âm chủ đạo và kéo theo các hướng khác nhau. Phương pháp này được đánh giá là rất tiện dụng, có thể giảm thao tác và thời gian nhập liệu tiếng Việt trên màn hình cảm ứng.
Sản phẩm Hệ thống truyền thông hợp nhất � CorriDOR của nhóm Điểm tựa đã đạt giải Công nghệ: (Một học bổng 6 tháng tại Ấn Độ trị giá 3.000 USD). Gọi là ''Hệ thống truyền thông hợp nhất'' bởi sản phẩm cho phép người dùng có thể kiểm tra email qua điện thoại, qua fax và kiểm tra fax qua e-mail� Lượng thông tin ra vào một đơn vị qua các đường fax, điện thoại, e-mail có thể được quản lý và kiểm soát từ một điểm duy nhất thay vì từ nhiều nguồn phân tán.
Ngoài ra, cuộc thi còn trao các giải đặc biệt: Giải ''Thực tiễn Việt Nam'' (05 triệu đồng) được trao cho sản phẩm Bộ gõ tiếng dân tộc của tác giả Trương Đình Tú (Phú Yên). Sản phẩm cho phép gõ 5 thứ tiếng dân tộc (Jarai, Bah�nar Êđê, M�nông, Chăm), đồng thời cung cấp bộ font cho những ngôn ngữ dân tộc thiểu số này.
Hệ thống theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng của nhóm Cầu vai đỏ gồm 4 chàng trai đến từ Học viện kỹ thuật quân sự đã đạt giải ''Ý tưởng'' (05 triệu đồng). Sản phẩm phối hợp cả phần cứng và phần mềm để đưa ra 7 thông số cân nặng, chiều cao, thân nhiệt, thị lực, huyết áp, nhịp tim, điện tim của mỗi người chỉ trong khoảng 5-7 phút, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về sức khoẻ cho những người đã được khám.
Giải ''Ấn tượng'' được trao cho sản phẩm Hệ chương trình hỗ trợ giảng dạy và quản lý trường mầm non của nhóm ''Hỗ trợ tin học Việt Nam''. Chương trình cho phép quản lý toàn diện trường mầm non, bao gồm tình hinh học tập và sức khoẻ của trẻ, lập lịch học, tra cứu bài giảng, soạn giáo án, thiết lập dưỡng chất cho bữa ăn của trẻ, quản lý thực đơn, quản lý nhân sự�Nhà trường và phụ huynh còn có thể trao đổi trực tuyến thông qua địa chỉ: www.mamnon.com.
Ngoài giải thưởng của Vietnam Airlines cho nhóm iCMS, nhà tài trợ Công nghệ - Công ty HanoiCTT, tặng một giải thưởng cho thí sinh Trương Hải Nam (sản phẩm Games tướng quân) trị giá 650 USD. Quỹ Tấm Lòng Vàng báo Lao Động tặng phần thưởng ''Nghị lực'' cho thí sinh Lê Thị Như Tưởng (Bình Định) trị giá 3 triệu đồng (sản phẩm: Phần mềm công tác giải quyết khiếu nại tố cáo). Ngoài ra, nhóm giành giải Nhất iCMS còn được nhận 1 chiếc xe máy Future của hãng Honda Việt Nam.
''Cần phát triển thêm các sản phẩm này''
Đó là ý kiến của Giám khảo Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tại lễ trao giải. Ông Đỗ Văn Xê cho rằng các sản phẩm dự thi năm nay có chất lượng và tính thực tiễn cao, tuy nhiên các nhà tổ chức cần có kế hoạch giúp các thí sinh hoàn thiện và phát triển thêm các đề tài của mình, nếu không sẽ lãng phí thành quả của tuổi trẻ. Thiết nghĩ, đây cũng là mong muốn của các thí sinh muốn có những sự hỗ trợ về tài chính, kinh nghiệm điều kiện kỹ thuật của các đơn vị nhằm đưa sản phẩm của mình tới đông đảo người dùng.
Ngọc Mai