Trao giải thưởng cho các thí sinh đoạt giải |
Nhiều nét mới
So với các lần thi trước, OLP tin học năm nay đã được mở rộng cả về quy mô tổ chức và nội dung thi. Tính đến trước giờ khai cuộc, tổng số trường tham dự là 73 trường, trong đó có 52 trường Đại học và 21 trường Cao đẳng (năm ngoái tổng số trường tham dự OLP là 59 trường). Tổng số lượt thí sinh dự thi các khối lên tới 892 lượt.
Ngoài các khối thi truyền thống gồm: Chuyên tin (cá nhân, đồng đội), Không chuyên tin (cá nhân, đồng đội) và Tập thể Lều chõng, Ban tổ chức còn mở rộng đối tượng dự thi cho khối Cao đẳng và mở thêm giải Siêu cúp dành cho những đối tượng đã đoạt giải quốc gia, quốc tế về Tin học và các sinh viên đoạt giải ba trở lên trong các kỳ OLP trước. Ngoài ra, Ban tổ chức đã đưa vào chương trình OLP một nội dung thi mới: lập trình Micromouse. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 6 đội. Ban tổ chức đã mời chuyên gia của Singapore sang tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị và làm trọng tài cho các trận thi đấu micromouse. Nội dung thi micromouse là bước chuẩn bị nhằm tìm kiếm một đội tuyển tham dự cuộc thi micromouse quốc tế tổ chức tại Singapore vào tháng 9 tới.
Đoàn thí sinh đến từ Singapore |
Một nét mới trong cuộc thi năm nay là sự có mặt của một đoàn sinh viên đến từ Singapore. Theo ban tổ chức, đã có hai trường đại học ở Thái Lan, một trường ở Malaysia và một trường ở Singapore đăng ký tham dự, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh SARS nên phút chót chỉ còn trường National Junior của Singapore tham dự. Mặc đầu vậy, sự có mặt của đoàn Singapore đã khiến cho cuộc thi trở nên vui hơn, thể hiện tinh thần hội nhập và phát triển của nước chủ nhà.
Mặc dù OLP là một sân chơi mang tính phong trào, nhưng các thí sinh vẫn thi đấu hết sức mình vì màu cờ sắc áo. Nhiều thí sinh đã thể hiện được trình độ và khả năng của mình. Chẳng hạn như em Lâm Xuân Nhật - Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, dự thi khối Siêu cúp đã giành được Cúp vàng với điểm số tuyệt đối 100/100. Khối Cá nhân chuyên tin có tới 2 thí sinh cùng giành được giải nhất.
Cuộc thi micromouse 2004 |
Thầy Hồ Sỹ Đàm, Trưởng ban ra đề và chấm thi nhận xét: ''Nhìn chung mặt bằng về trình độ chuyên môn của thí sinh năm nay là tương đối tốt, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Phòng trào Olympic đã được mở rộng hơn, tạo thêm sân chơi mới cho các em chuyên tin. Đặc biệt, cuộc thi
Micromouse 2004 đã tạo được một sân chơi khoa học - công nghệ đầy hứng thú, khuyến khích sự sáng tạo của các em sinh viên''.Công tác chuẩn bị của địa phương và đơn vị đăng cai cũng khá tốt. Bà Bùi Thị Sinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: UBND thành phố ủng hộ cả về tình cảm cũng như đã chỉ đạo các đơn vị ban ngành liên quan hỗ trợ trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức OLP 2004. Sau lễ khai mạc, UBND thành phố đã có buổi tiếp đón và chiêu đãi trọng thể đại diện Ban tổ chức và các đoàn dự thi. Về phần Đại học Hàng hải, theo hiệu trưởng Đặng Văn Uy, trường đã chi hơn 200 triệu cho khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị cũng như nhân lực phục vụ OLP 2004. Lễ khai mạc và lễ bế mạc với sự dàn dựng của sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam đã gây được ấn tượng tốt với người xem.
Sẽ thành công trọn vẹn, nếu...
Quả thực, OLP 2004 sẽ thành công trọn vẹn nếu như Ban tổ chức không mắc phải một số thiếu sót sau đây. Trước tiên phải kể đến việc Ban tổ chức thông báo các đoàn phải tự lo chuyện ăn ở, sinh hoạt, đi lại. Mặc dù Ban tổ chức có hướng dẫn và cung cấp thông tin về các khách sạn trong thành phố Hải phòng, nhưng nhiều đoàn do lần đầu tiên đặt chân đến thành phố biển nên đã gặp nhiều khó khăn. Trái ngược hẳn với năm ngoái, khi tổ chức ở Cần Thơ, các đoàn được Công ty Du lịch Cần Thơ giảm 50% giá phòng khách sạn, di chuyển từ TPHCM đến Cần Thơ miễn phí, qua phà được ưu tiên.
Thi lều chõng |
Việc cho các đoàn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương năm nay cũng khá khôi hài. Ban tổ chức thì không hỗ trợ tí kinh phí nào cho các đoàn đi tham quan, trong khi các đoàn cứ tưởng được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí. Ban tổ chức đã dành hẳn một dãy bàn tại tiền sảnh trường Đại học Hàng hải cho các công ty du lịch Hải phòng vào tiếp thị. Các đoàn hồ hởi đăng ký và sau đó mới ngã ngửa vì biết mình phải tự túc kinh phí. Theo ý kiến của một số trưởng đoàn, việc tự túc kinh phí không phải là vấn đề, cái chính họ muốn Ban tổ chức thông báo rõ ràng chuyện này để tránh những hiểu lầm mà thôi.
Phần thi Tập thể Lều chõng năm nay vẫn tiếp tục được Ban tổ chức bố trí vào giờ trưa. Mặc dù khí hậu Hải Phòng ít nóng hơn Hà Nội do gần biển, nhưng buổi trưa trời vẫn nắng gắt. Ngay từ 1 giờ, các đoàn đã phải tập trung để chuẩn bị thi. Ngồi gần 1 tiếng chờ đợi và 2 tiếng làm bài trong các lều bạt dựng trên sân trường, không thí sinh nào là không đổ mồ hôi. Tội nghiệp nhất là đoàn Singapore, họ cứ phải dùng vở quạt phành phạch. Đấy là chưa kể đến chuyện các thí sinh đã làm bài thi được 20 phút thì mất điện, nhiều đội phải làm lại từ đầu. Thiết nghĩ, trong các kỳ thi OLP lần sau, Ban tổ chức nên chuyển hình thức thi này sang buổi sáng để các thí sinh không bị vắt kiệt sức, cũng như chuẩn bị dự phòng mọi trường hợp sự cố điện.
Trong khuôn khổ OLP 2004 có một phần thi hết sức thú vị là micromouse. Phần thi này sẽ hết sức thành công nếu không có sự phản ứng thái quá từ phía đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong nội dung đua tốc độ, con micromouse của Đại học Bách khoa chỉ về đích thứ 2 với thời gian là 45,55 giây, còn micromouse về đích thứ nhất là của Học viện Bưu chính Viễn thông TPHCM với thời gian là 28,85 giây. Đoàn ĐH Bách khoa HN sau đó đã phản ứng, cho rằng phần mềm tính thời gian không chính xác, rồi người điều khiển phần mềm ăn gian can thiệp vào phần mềm, rồi lại đổ lỗi cho pin yếu. Hai trưởng và phó đoàn Nguyễn Hồng Quang và Hoàng Văn Thái đã phản ứng gay gắt với chuyên gia Singapore, trong khi vị chuyên gia này lại rất nhẹ nhàng giải thích. Hai vị này đòi thi lại vì nói rằng Chúng tôi đã test đến 10 lần, cả 10 lần micromouse của chúng tôi chạy không quá 30 giây. Sau một hồi giải thích không đi đến đâu, Ban giám khảo đã cho phép đội ĐH Bách khoa HN được chạy lại. Kết quả là dù chạy lại tới hơn 10 lần nhưng micromouse của ĐH Bách khoa HN vẫn bị lỗi lập trình, liên tục đâm vào tường!.
Quang cảnh lộn xộn lúc các đoàn nhận giải sau lễ bế mạc |
Nhưng điều đáng buồn nhất lại diễn ra tại lễ bế mạc. Ngoài những tiết mục múa hát rất sinh động do sinh viên Đại học Hàng hải thể hiện, thì phần trao giải thực sự khiến nhiều sinh viên cảm thấy buồn. Sau mỗi đợt trao giải, các thí sinh lại đổ xô về phía cánh gà để đổi bằng khen cho nhau. Có thí sinh tìm mãi vẫn không thấy bằng khen của mình đâu. Có thí sinh cầm bằng khen của người khác mà không biết tìm đâu để mà trả. Khôi hài nhất là chuyện thí sinh Đinh Quang Hiệp. Em được giải nhất khối chuyên tin nhưng Ban tổ chức lại trao cho em một cái biển đề chữ Giải nhất CNTT Khối siêu cúp và Lều chõng. Thực tế là chẳng có cái giải nào kỳ cục như vậy.
Trao giải cho thí sinh đoạt giải nhất khối chuyên tin |
Phần phát thưởng giải khuyến khích và trao tiền thưởng sau lễ bế mạc thật sự lộn xộn. Ban tổ chức kê một dãy bàn tại tiền sảnh ĐH Hàng hải và 73 đoàn chen nhau để nhận. Sau lễ bế mạc, thay vì được về khách sạn nghỉ ngơi thì nhiều thầy giáo và sinh viên phải ở lại chờ lấy bằng khen và phần thưởng của mình như chờ phát gạo cứu tế. Đấy là còn chưa kể đến nhiều đoàn không biết sinh viên của mình có đoạt giải hay không, bởi vì họ không được Ban tổ chức phát cho tờ kết quả. Giá như Ban tổ chức có cách làm việc khoa học hơn thì đâu đến nỗi...
Nói gì thì nói, OLP 2004 cũng đã kết thúc. Mặc dù có những khiếm khuyết nhưng nhìn chung OLP 2004 đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho giới trẻ. Mong rằng, những kỳ OLP tới Ban tổ chức sẽ có cách làm việc khoa học và chính xác hơn để nâng cao vị thế và uy tín cho OLP, tiến tới tổ chức OLP các nước ASEAN như đã dự kiến.
Kết quả cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 13: Siêu cúp (1 cúp vàng, 2 cúp bạc và 3 cúp đồng và 3 giải ba). Cúp Vàng thuộc về thí sinh Lâm Xuân Nhật (1984), ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM; Cúp bạc thuộc về thí sinh Lý Ngọc Tuệ (1985), ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM và Ngô Thành Sơn (1985), khoa Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Khối không chuyên tin học (3 giải nhất, 5 giải nhì, 19 giải ba và 34 khuyến khích). Các thí sinh đoạt giải nhất: Lê Song An, ĐH Kinh tế TP.HCM; Nguyễn Huy Khánh, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM; Hoàng Minh Phương, Học viện Kỹ thuật quân sự. Khối chuyên Tin học (2 giải nhất, 6 giải nhì, 16 giải ba, 29 khuyến khích). Giải nhất thuộc về các thí sinh: Lê Trung Kiên, Học viện Kỹ thuật quân sự và Đinh Quang Hiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội. Khối cao đẳng (2 giải nhất, 6 giải nhì, 16 giải ba, 19 khuyến khích). thuộc về các thí sinh: Huỳnh Phan Hồng Phương - Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, Nguyễn Khánh Tùng - Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Lều chõng khối không chuyên Tin học: ĐH Bách khoa Hà Nội đoạt giải nhất; ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Giao thông vận tải đoạt giải nhì. Lều chõng khối chuyên Tin học: ĐH Bách khoa TP.HCM đoạt giải nhất. Ba giải nhì thuộc về: ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Giải đồng đội khối chuyên Tin học thuộc về ĐH Bách khoa Hà Nội; khối không chuyên Tin học thuộc về ĐH Kinh tế TP.HCM và giải đồng đội khối cao đẳng thuộc về Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Cuộc thi Tìm đường trong mê cung (Micromouse Competition 2004): giải nhất thuộc về đội AKAY thuộc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP.HCM. Giải nhì thuộc về đội 3T2Q ĐH dân lập Phương Đông. Cuộc thi trắc nghiệm Tiếng Anh tin học (23 trong số 400 thí sinh dự thi đoạt giải): giải nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Thanh Tùng, ĐH Sư phạm Hà Nội (30/45 điểm); giải nhì thuộc về thí sinh Lê Đình Thanh, ĐH Hồng Đức Thanh Hóa (28/45). |
Hải Linh - Hồng Ngọc