Ông Steve Lin - Giám đốc bán hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BenQ |
Xin ông cho biết quan điểm của BenQ về thị trường Việt Nam?
Thị trường Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đứng thứ 2 châu Á với 8% tăng trưởng mỗi năm, chỉ sau Trung Quốc. Đối với BenQ, Việt Nam là một thị trường vô cùng quan trọng, vì thế chúng tôi đã tung sản phẩm vào thị trường này và quyết định thiết lập văn phòng đại diện ở đây. Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng tên tuổi cho BenQ thông qua các hoạt động quảng bá và phân phối sản phẩm. Đồng thời với việc nhìn nhận Việt Nam là một môi trường rất thích hợp để có thể đầu tư trong tương lai (sự ổn định về kinh tế, chính trị và con người làm việc rất chăm chỉ, thân thiện), chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu khả năng đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam.
Ông có thể nói chi tiết về kế hoạch thành lập Văn phòng đại diện ở Việt Nam?
BenQ đã thành lập văn phòng đại diện ở 27 quốc gia và Việt Nam là nước thứ 28. BenQ dự kiến sẽ thành lập 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng tại miền Nam sẽ được khai trương vào tháng 8 tới và văn phòng Hà Nội sẽ được thành lập vào năm 2005. Nhiệm vụ chính của hai văn phòng đại diện là tiếp thị và dịch vụ, bao gồm việc hỗ trợ các đại lý bán hàng, khách hàng về sản phẩm, dịch vụ cũng như là quảng bá thương hiệu của BenQ.
Các sản phẩm lưu trữ, hình ảnh của BenQ |
Định hướng phân phối các sản phẩm BenQ tại thị trường VN?
Tập đoàn BenQ hiện có 4 mảng sản phẩm khác nhau: Màn hình hiển thị (LCD Monitor và CRT monitor); Thiết bị mạng, truyền thông kỹ thuật số (HUB, AV, Projector..); Thiết bị lưu trữ, hình ảnh (Optical Storage, Color laser printer, scanner, Camera); Thiết bị di động và không dây (Mobilephone, Wireless Communications). Trong nửa đầu năm nay, BenQ đã tiến hành giới thiệu sản phẩm thiết bị lưu trữ quang (ODD) và tiếp tục thúc đẩy sản phẩm này trong thời gian tới. Nửa năm sau sẽ tập trung vào mảng máy chiếu (Projector), cho vào các dự án giáo dục. Và cuối năm nay, có thể đưa các sản phẩm cao cấp phục vụ cho cuộc sống như: Digital camera, LCD Tivi...
Ben Q có định đưa điện thoại di động BenQ vào thị trường Việt Nam?
Việt Nam là một thị trường tiềm năng về điện thoại di động, trong năm 2003, mới chỉ có 3,1 dân số sử dụng điện thoại di động. Trong khi đó ở thị trường Thái Lan có đến 1/3 dân số sử dụng, và ở Đài Loan thì chẳng còn bao nhiêu vì số người sử dụng đã vượt quá 100%.
Việc đưa điện thoại di động vào thị trường Việt Nam cần hội tụ 3 yếu tố: đội ngũ dịch vụ, quảng cáo tiếp thị và khách hàng đã biết đến tên tuổi, vì vậy BenQ chưa có kế hoạch cụ thể về vấn đề này. BenQ vẫn đang đi tìm đối tác tiềm năng để thiết lập hệ thống bán hàng và phân phối tại Việt Nam, và đã gặp một số nhà phân phối điện thoại động đồng thời gặp gỡ VNPT để lập kế hoạch và nhìn cơ hội trong tương lai.
Xin cám ơn ông!
Thành lập năm 1984 với tên gọi Continental System, sau vài lần thay đổi tên cho phù hợp với xu thế phát triển, năm 2001 thương hiệu BenQ đã trở thành tên gọi chính thức sau khi đổi tên từ Acer Comunication & Multimedia. Đến tháng 4/2004, BenQ đã được cấp 1.334 bằng phát minh sáng chế trên toàn thế giới có nhà máy sản xuất tại Malaysia, Mexico, Trung Quốc và Đài Loan. Số lượng nhân viên của BenQ trên toàn thế giới là 14.499 người, hỗ trợ hệ thống dịch vụ, tiếp thị và bán hàng rộng rãi trên tất cả các khu vực châu á Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ. Vị trí của BenQ trong lĩnh vực sản xuất thiết bị tin học: là nhà sản xuất điện thoại di động số 1 Đài Loan và đứng thứ 6 trên thế giới, giữ vị trí số 1 trên thị trường ở lĩnh vực máy chiếu và thiết bị DVD, đứng vị trí thứ 3 trên thế giới về sản phẩm LCD monitor. |
Hải Linh