(VietNamNet) - Cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành có liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) cũng phải tham gia tích cực và cần có những chính sách quản lý khách hàng phù hợp, nhất là đối với các đại lý Internet.
Để xây dựng một thông tư liên Bộ về quản lý mô hình đại lý Internet công cộng, có tính khả thi và chặt chẽ nhất, Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT) vừa tổ chức cuộc họp vào giữa tháng 8 với các ISP nhằm lấy ý kiến của những người trong cuộc, cụ thể là của ISP đối với công tác quản lý đại lý Internet của mình.
Theo ý kiến của hầu hết ISP, việc họ có thể tham gia đầu tiên trong việc quản lý các đại lý của mình là quan tâm nhiều hơn nữa về công tác tập huấn nghiệp vụ, chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, trước hết các ISP phải "thực sự hào hứng kinh doanh" trong khi hiện nay, hầu hết các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet công cộng trên cả nước đều của Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT), mà cụ thể là đại lý của Công ty Điện toán và Truyền Số liệu (VDC) và của 64 Bưu điện tỉnh, thành.
Tham gia vào quá trình xây dựng mô hình đại lý Internet công cộng từ những ngày đầu, FPT cũng là một trong những ISP có số lượng đại lý Internet khá đông đảo và cũng có nhiều quy định cho đại lý khi tham gia kinh doanh, quản lý cả về mặt an ninh cũng như chất lượng dịch vụ. Thậm chí, FPT còn xây dựng một hiệp hội dành cho các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet. Tuy nhiên, đến nay, FPT hầu như đã mất hoàn toàn thị trường này ở Hà Nội (không còn một đại lý nào ở nội thành, chỉ còn rải rác khoảng 11 đại lý ở ngoại thành và hoạt động với hiệu quả không cao).
Sở dĩ FPT không còn chú trọng việc kinh doanh thông qua các đại lý Internet là do doanh thu đem lại không nhiều, thậm chí còn hụt đi trong khi lại phải đầu tư nhiều công sức, thời gian để quản lý được các đại lý theo trật tự của mình. Còn các ISP khác, với thị phần cung cấp dịch vụ rất nhỏ của mình, lại không và chưa nghĩ tới việc kinh doanh với mô hình đại lý Internet công cộng.
Tuy vậy, để mô hình đại lý Internet công cộng tồn tại, kinh doanh có hiệu quả và đặc biệt là đảm bảo được an ninh, an toàn thông tin, các ISP cho rằng các cơ quan chức năng cần xác định được mục đích xã hội và mục đích lợi nhuận rõ ràng, từ người cung cấp dịch vụ đến người sử dụng đều phải có những trách nhiệm và quyền lợi. Cần có cơ chế để các doanh nghiệp thu được lợi nhuận khi phát triển đại lý, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ tăng cường hơn công tác quản lý đại lý của mình.
Điều này đòi hỏi một cơ chế quản lý chung vừa chặt chẽ vừa mềm dẻo. Không chỉ cần làm sao cho công tác thanh tra-kiểm tra thường xuyên và thể phân cấp về các địa phương, cần gắn chặt mối quan hệ và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương với chính các ISP đề cùng liên đới quản lý thông tin và việc sử dụng Internet công cộng.
Hiện nay, không ít đại lý Internet công cộng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý Internet, để người sử dụng tuỳ tiện truy cập đến các thông tin thiếu lành mạnh gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hoá Việt Nam. Đây cũng là một trong những phần việc đòi hỏi phải có sự chấn chỉnh, thực hiện của các cơ quan liên ngành. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo: Nếu cần, có thể ngừng cấp đăng ký kinh doanh đại lý để chấn chỉnh công tác quản lý đại lý; sau khi hoàn thiện lại tiếp tục. Đây là một trong những động thái thể hiện sự kiên quyết của Chính phủ đối với yêu cầu lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh của các đại lý Internet công cộng.
Thủy Nguyên