(VietNamNet) - Ông Đàm Văn Tâm, giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí thuộc Bộ Công an cho biết như trên khi trả lời về Quyết định 71 của Bộ.
Hồi đầu năm nay, ngày 29/1/2004, Bộ Công an đã ban hành Quyết định 71/2004/QĐ-BCA (A11) quy định đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam.
Điều 8 Quyết định này quy định rõ: Thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ phải được lưu giữ lại tại máy chủ của đại lý trong thời gian 30 ngày, thời gian lưu trữ tính từ khi thông tin đi/đến máy chủ. Đồng thời, có sổ đăng ký sử dụng dịch vụ thống kê đầy đủ chi tiết thông tin về khách hàng gồm: họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, thời gian sử dụng dịch vụ. Phải có giải pháp ngăn chặn việc truy cập đến các trang web có nội dung xấu trên Internet và cài đặt chương trình phần mềm để quản lý tức thời nội dung thông tin của khách hàng.
Trên thực tế, việc kiểm soát truy cập Internet của nước láng giềng Trung Quốc đã thành công bước đầu. Ngày 15/11/2002, Bộ Công an, Bộ Văn hóa và Cục Quản lý Hành chính Công Thương Quốc gia đã ban hành ''Biện pháp quản lý địa điểm kinh doanh dịch vụ mạng Internet''. Theo đó, Điều 31 quy định rõ: Xử phạt tiền, thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hành nghề đối với các đại lý không theo quy định đối chiếu vào sổ các giấy tờ chứng minh thư thân phận người tiêu dùng hoặc không ghi lại thông tin trên mạng có liên quan; không tuân theo quy định về thời gian lưu giữ nội dung đã vào sổ, thông tin đã ghi, hoặc trong thời gian lưu giữ đã sửa đổi nội dung đã vào sổ, nội dung thông tin đã ghi. |
Trao đổi với VietNamNet, ông Đàm Văn Tâm - giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí (Bộ Công An) cho biết: ''Nghị định 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định ''Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước đối với việc đảm bảo an ninh trong hoạt động Internet''. Theo đó, Bộ Công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh quốc gia đối với hoạt động Internet. Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, để quản lý an ninh thông tin trên Internet theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet''.
Ông Tâm nhấn mạnh: ''Trong quy định về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động liên quan cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam, không có điều khoản nào quy định: Chỉ người có chứng minh nhân dân (CMND) hoặc hộ chiếu mới được vào sử dụng Internet tại các đại lý công cộng. Chỉ quy định đại lý phải có sổ đăng ký ghi lại tên tuổi, địa chỉ, số CMND, số hộ chiếu của khách hàng là để gắn trách nhiệm của chủ đại lý cung cấp, thông qua giấy tờ tùy thân, nhằm tránh trường hợp khách hàng khai báo tên địa chỉ giả mạo, khi có yêu cầu thì cơ quan chức năng không thể tìm được người vi phạm''.
Như thế, theo ông Tâm, dưới góc độ quản lý, Bộ Công an không cản trở, gây khó dễ cho người sử dụng truy cập Internet tại các điểm công cộng.
Việc lưu giữ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ không phải là lưu giữ nội dung thông tin dịch vụ Internet của khách hàng như nội dung thư điện tử, nội dung thông tin mà khách hàng khai thác, trao đổi trên mạng, như số thẻ tín dụng, hay thông tin về đời tư của khách hàng... mà chỉ là thông tin về địa chỉ trang web khách hàng đã truy cập, những dịch vụ khách hàng sử dụng như thư điện tử, chat... nhằm phát hiện những khách hàng truy cập vào những địa chỉ xấu trên Internet để có biện pháp hạn chế, và chỉ yêu cầu đại lý lưu 30 ngày.
Về việc cài đặt chương trình phần mềm để quản lý tức thời nội dung thông tin của khách hàng, Bộ Công an cũng xác định rõ: Đây là yêu cầu thuần túy về mặt kỹ thuật đối với đại lý để phục vụ cơ quan chức năng trong những trường hợp cụ thể, chứ không phải quy định cho đại lý được sử dụng tính năng này để lấy thông tin của khách hàng.
Được biết, để kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh của các đại lý Internet công cộng, dự kiến vào tháng 9 tới sẽ diễn ra cuộc họp liên Bộ giữa Bộ Bưu chính-Viễn thông, Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Công an nhằm tiến tới công bố thông tư liên tịch về vấn đề này.
Tin, ảnh: Đinh Hằng