(VietNamNet) - Do những khó khăn trong việc kết nối đồng cấp giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet (IXP), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đề nghị xây dựng hệ thống các trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX), thậm chí cho phép các IXP có thể mua bán lưu lượng của nhau với giá rẻ hơn.
Hiện nay, mỗi IXP đều có một số hiệu mạng khác nhau và đều có nhu cầu kết nối với các doanh nghiệp khác. Cùng với việc đàm phán kết nối với các doanh nghiệp lớn rất khó khăn, để kết nối với mạng của các doanh nghiệp khác, các nhà cung cấp phải xây dựng nhiều tuyến truyền dẫn, cũng như tốn nhiều tài nguyên thiết bị mạng. Đó là chưa kể phi đầu tư khá lớn, chi phí trung bình cho một kết nối peering tốc độ 1.000Mbps qua cáp quang trực tiếp xấp xỉ 20.000 USD. Tuy vậy, chất lượng cũng không đảm bảo vì lưu lượng Internet trong nước phải đi vòng qua quốc tế, gây lãng phí tài nguyên, chi phí và độ trễ lớn nên tốc độ truy cập chậm.
Do vậy, VNNIC đã đề nghị cần xây dựng hệ thống các trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX). Được sự cho phép của Bộ Bưu chính Viễn thông, từ tháng 8/2003, VNNIC đã tiến hành xây dựng hệ thống VNIX tại Hà Nội và TP.HCM. Nguyên tắc hoạt động của các trạm này là chỉ trung chuyển lưu lượng Internet trong nước, không trung chuyển lưu lượng Internet quốc tế và lưu lượng ký sinh giữa các doanh nghiệp Internet.
Mạng truyền dẫn qua VNIX hoàn toàn bằng cáp quang tốc độ 100Mbps do các doanh nghiệp tự xây dựng. Theo báo cáo của VNNIC, kể từ khi chính thức hoạt động (tháng 11/2003) đến nay, băng thông trao đổi qua VNIX liên tục tăng. Chất lượng dịch vụ Internet trong nước được cải thiện đáng kể, việc trễ truyền dẫn giữa các IXP giảm khoảng 10-20 lần so với cùng lưu lượng đó truyền dẫn qua kênh Internet quốc tế. Đồng thời, hệ thống VNIX còn có tác dụng giảm được thời gian truy vấn hệ thống tên miền (DNS) quốc gia, góp phần làm tăng đáng kể chất lượng dịch vụ Internet nói chung.
Đặc biệt, VNIX còn có khả năng tăng độ sẵn sàng và dự phòng ứng cứu cho các IXP khi có sự cố đường truyền xảy ra. Trước đây, khi có sự cố bị mất đường truyền (như trường hợp của FPT mới đây), nếu không có kênh dự phòng thì mạng Internet của doanh nghiệp đó có thể ngưng hoạt động nhiều giờ. Nhưng với VNIX, doanh nghiệp bị mất đường truyền có thể routing sang kênh của các doanh nghiệp khác để truyền dữ liệu đi quốc tế.
Qua VNIX, các doanh nghiệp còn có thể mua bán lưu lượng của nhau với giá rẻ hơn. Hạ tầng VNIX còn cho phép các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khi được sự cho phép của cở quan quản lý.
Hiền Trâm