(VietNamNet) - Từ tháng 10, Đà Nẵng xúc tiến thêm một bước trên chương trình "chính phủ điện tử": Đẩy mạnh liên kết thông tin cơ quan quản lý-doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Quang Tuyến, giám đốc Trung tâm Tin học (Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng), một dự án 64 tỷ đồng về hỗ trợ thương mại điện tử cho các doanh nghiệp đang được UBND TP. xem xét phê duyệt để kịp triển khai ngay.
Dự án này sẽ giao cho Sở Thương mại tổ chức; trước mắt dành khoảng một tỷ đồng thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu giữa nhà quản lý với doanh nghiệp. Đà Nẵng sẽ chọn khoảng 150 doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và hiệu quả làm ăn tốt để thực hiện nối mạng với các cơ quan quản lý.
Doanh nghiệp sẽ làm quen
việc trao đổi, truy xuất thông tin với các cơ quan quản lý qua mạng cục bộ, không còn sử dụng văn bản in trên giấy. Quan hệ trực tuyến này sẽ giúp dữ liệu giữa nhà quản lý và doanh nghiệp đồng nhất hơn và nhanh hơn, giảm xử lý qua văn thư hành chính. Nếu quy trình trao đổi hai chiều được tổ chức tốt, doanh nghiệp thậm chí còn biết được văn bản kiến nghị của mình đã được đưa đến bộ phận quản lý nào và vì sao chưa kịp giải quyết. Đây sẽ là một đột phá rất lớn mà công tác cải cách thủ tục hành chính của TP. Đà Nẵng mơ ước đến.Tuy nhiên, cần
xác định tính pháp lý của các văn bản lưu hành trên mạng, nhằm bảo đảm độ an toàn chính xác của thông tin và những ai chịu trách nhiệm về các chỉnh sửa nếu có. Sắp đến, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ ra quy định về pháp lý hóa các văn bản trên mạng.Mặt khác, cần đảm bảo
hạ tầng kỹ thuật cho các thiết lập quan hệ hai chiều cũng như nhận thức của những người tham gia. Theo ông Tuyến, Đà Nẵng đã chủ trương đầu tư bốn trục mạng thông tin tốc độ cao nối kết giữa các cơ quan hành chính và UBND TP. Thời gian qua, tiến độ xây dựng các trục mạng này có phần chậm lại do thông tin từ Trung ương sẽ có thể đầu tư hệ thống mạng trục này cho các thành phố lớn.Một trở ngại căn bản: Liệu doanh nghiệp và nhà quản lý đã sẵn sàng kết nối hay chưa? Vấn đề này đã được bàn luận nhiều lần ở Đà Nẵng vì có hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên cho rằng chưa nên quan hệ thông tin ra ngoài nếu nội bộ năng lực quản trị của các cơ quan quản lý chưa tốt. Bên kia kiến nghị phải vừa nối kết, vừa chỉnh lý. Đà Nẵng chấp nhận thử nghiệm quan điểm thứ hai, với yêu cầu vận động các doanh nghiệp ủng hộ việc này.
Đà Nẵng cũng có thuận lợi vì được giao thực hiện ba phần mềm dùng chung của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, trong đó có hai phần mềm theo dõi xử lý hồ sơ hành chính và xây dựng hệ thống thông tin kinh tế-xã hội, tổ chức trang điện tử điều hành quản lý Nhà nước. Cả hai phần mềm này rất thích hợp với mục tiêu nối kết thông tin giữa nhà quản lý và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã xây dựng được website thông tin về kinh tế-xã hội của Thành phố, tiếp cận đúng nhu cầu nắm bắt thông tin của một lượng lớn người dân, nhất là giới trí thức và giới trẻ. Đây sẽ là cơ sở để Đà Nẵng không chỉ kết nối với doanh nghiệp mà còn có quan hệ trao đổi thông tin với dân chúng.
Hải Châu