(VietNamNet) - Mặc dù biết rõ là ưu việt, có khả năng phục vụ đắc lực cho công việc chuyên môn tại các bệnh viện nhưng dường như, việc ứng dụng CNTT hoàn toàn vẫn đang tự phát và ''mạnh ai nấy làm''!
''Ứng dụng CNTT đang còn chậm chạp''!
|
Ứng dụng CNTT trong bệnh viện sẽ hỗ trợ đắc lực cho y, bác sĩ trong việc chăm sóc bệnh nhân. |
Khi được hỏi về mạng LAN của các bệnh viện, Bộ Y tế vẫn chưa kiểm soát, thống kê được số liệu của lĩnh vực ''mới mẻ'' này. Ông Dương Quốc Trọng, chánh văn phòng Bộ Y tế, cho biết: ''Từ ngày 21/10, Bộ Y tế đã thành lập website của Bộ, có liên kết (link) đến site của Đại học Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP.HCM, Cần Thơ, Bệnh viện Việt Đức... Tuy vậy, ứng dụng CNTT hết sức khiêm tốn. Trong lĩnh vực y tế, việc sử dụng công nghệ cao phục vụ chuyên môn đang phát triển rất tốt nhưng việc ứng dụng CNTT trong việc chẩn đoán, khám chữa bệnh lại đang chậm chạp, cần thiết phải đầu tư nhiều hơn nữa''.
Từ tháng 5/1999 đến tháng 8/2000, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, thuộc Học viện Công nghệ Bưu chinh Viễn thông, đã cùng Viện Tim mạch Bạch Mai, Viện Nhi, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn thực hiện đề tài ''Nghiên cứu triển khai thử nghiệm Mạng y tế từ xa''. Đây là đề tài mang tính chất CNTT ảnh hưởng trực tiếp đến công việc các bệnh viện. Đề tài này nghiên cứu triển khai thử nghiệm mạng y tế từ xa (telemedicine), bước đầu là tư vấn hội chẩn siêu âm tim mạch từ xa. Nhiệm vụ khác của đề tài là xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân và website y tế, phục vụ cho tư vấn, chẩn đoán bệnh và phục vụ mục đích nghiên cứu, đào tạo.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - giám đốc Trung tâm Tin học Bộ Y tế nói: Việc phát triển y tế từ xa giúp việc tư vấn, hội chẩn giữa các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các trung tâm y tế chuyên sâu ở các thành phố lớn nhằm cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân, đồng thời, vừa góp phần giảm tải cho tuyến viện, vừa nâng cao được năng lực chuyên môn cho cán bộ tuyến dưới. Tuy nhiên, cũng theo ông Phương, không hiểu vì lý do gì, hiện tại, đề tài 'Nghiên cứu triển khai thử nghiệm Mạng y tế từ xa'' đến nay vẫn chưa được triển khai và ứng dụng vào thực tế đời sống?
Bệnh viện đầu tiên triển khai ''mã số hóa'' bệnh nhân
|
Mẫu bệnh án có gắn ID của từng bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai, |
Trong số các bệnh viện tự triển khai ứng dụng CNTT, có thể coi Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên đã áp dụng mã vạch - ''số hóa'' bệnh nhân cho toàn bộ bệnh nhân nội trú nhập viện (từ tháng 4/2004). Đây là mã ID cung cấp những thông tin liên quan đến tháng, năm nhập viện, họ tên, bệnh án, khoa điều trị... giúp cho việc quản lý bệnh nhân thuận tiện, chính xác hơn.
Bác sĩ Trần Long - Trung tâm Hệ thống Thông tin, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: ''Ngoài chức năng thống kê, trong lĩnh vực tài chính kế toán, qua mấy tháng ứng dụng hệ thống mã vạch này, bệnh viện đã quản lý chặt chẽ hơn về mặt tài chính (tiền xét nghiệm, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc...đều được lưu trong bệnh án của bệnh nhân)''.
Về phía bệnh nhân, mã ID góp phần hạn chế tối đa việc nhầm lẫn đáng tiếc cho người bệnh đối với các trường hợp ''kết quả xét nghiệm một đằng, bệnh án một nẻo''. Là bệnh viện lớn, không chỉ phục vụ cho người dân Hà Nội, mà còn phục vụ cho số đông bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc, Bệnh viện Bạch Mai có tới 14 ''cửa'' tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh hàng ngày, các mã ID này cũng đồng thời giúp cho công đoạn phân khoa, nhập viện... của y bác sĩ đã giảm thiểu rất nhiều, lại hoàn toàn chính xác.
Thống kê cho thấy: Trung bình, bệnh viện này tốn khoảng 60 tỷ đồng/năm chi phí thuốc của bệnh nhân. Do đó, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực này càng trở nên có ý nghĩa. Cũng theo ông Long, từ năm 1981, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xây dựng hệ thống phân loại thuốc theo hệ thống Giải phẫu - Điều trị - Hóa học (hay còn gọi là phân loại theo mã ATC). Hiện Bệnh viện Bạch Mai cũng đang dựng hệ thống phân loại thuốc theo mã ATC - Anatomical Therapeutic Chemical Code) và chỉ trong tháng 12/2004 tới, sẽ triển khai hệ thống này trên toàn bệnh viện.
Thời gian tới, cùng với việc mã số hóa bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp tục đưa vào ứng dụng mã thuốc phục vụ cho công tác quản lý dược. Việc mã hóa hàng nghìn thuốc khác nhau trong bệnh viện sẽ phục vụ trực tiếp cho việc quản lý viện phí, quản lý dược và quản lý bệnh nhân. Quan trọng nhất là giúp nhà quản lý thống nhất các loại thuốc này, với một tên gọi chung trong toàn bệnh viện. Cũng từ hơn một năm nay, bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý giá thuốc. Y tá trước đây tổng hợp danh mục bằng tay (thủ công), nay làm việc dựa trên máy tính, cập nhật chính xác và nhanh hơn. Bệnh nhân biết được thực chi, rõ ràng, công khai về mặt tài chính, giảm thời gian khi đi thanh toán, giúp người dân sử dụng hợp lý an toàn và yên tâm về giá cả.
Tự phát, mạnh ai nấy làm
Được biết, ứng dụng CNTT trong bệnh viện, theo nhận xét từ phía lãnh đạo Bộ Y tế, tính đến thời điểm này là hoàn toàn ''tự phát'', do các bệnh viện ''mạnh ai nấy làm'', làm theo nhu cầu, mục đích cần thiết của đơn vị mình. Đối với Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng này cũng không phải ngoại lệ: Xuất phát từ nhu cầu thực tế, do ''quá bức xúc'' nên bệnh viện đã tự tìm cho mình hướng đi ngắn nhất và tiết kiệm chi phí - đó là ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cũng như phục vụ việc chăm sóc bệnh nhân.
Đã có không ít các bệnh viện trên toàn quốc đang tiếp cận hướng đi này nên đã đến lúc Bộ Y tế cần vào cuộc với đúng vai trò "nhạc trưởng" của mình: Thống nhất trên toàn quốc, lập nên các mức chuẩn cho đồng bộ, ứng dụng thuận tiện trong toàn ngành.
Theo đuổi mục tiêu này, được biết trước mắt Trung tâm Tin học (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với Văn phòng Bộ triển khai đào tạo CNTT tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước, và tiến hành khảo sát tại tất cả các địa phương trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, hợp tác với Bộ Bưu chính Viễn thông lập đường truyền Internet về các xã.
Với tư cách một ngành khoa học độc lập và có những ứng dụng mạnh mẽ, công nghệ thông tin y học đòi hỏi một đội ngũ cán bộ chuyên ngành được đào tạo cǎn bản, hệ thống. Ở Mỹ, Medical Informatics được khẳng định là một nghề riêng biệt. Cộng đồng châu Âu đưa ra hẳn một khuyến cáo đề nghị chính phủ tất cả các nước thành viên châu Âu:
- Đảm bảo tất cả các thành viên tham gia làm việc trong lĩnh vực CNTT, y học đều được đào tạo liên ngành, cả lý thuyết lẫn thực tiễn
- Phát triển chiến lược đào tạo riêng cho các hệ thống sức khoẻ cộng đồng
- Xác lập hệ thống hợp tác quốc tế để tǎng cường trao đổi kiến thức và nguồn tin trong một lĩnh vực mới đang phát triển nhanh chóng. Theo những quan niệm chung thống nhất đó, đào tạo CNTT y học là một thể hoàn chỉnh, từ sơ cấp, tới trung cấp và cao cấp. Sau khi tốt nghiệp, người được đào tạo vừa có khả nǎng hành nghề lại vừa có khả nǎng phát triển. Trong phát triển, đảm bảo cả hai hướng: phát triển về học thuật (học vị, học hàm) và phát triển về tương lai tiền đồ (lương bổng, chức vụ).
Về mặt nội dung, đây là lĩnh vực liên ngành và giao ngành giữa y học và tin học. Những liên ngành như vậy thường là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển hoặc chưa phát triển và rất dễ bị bẻ lệch sang các định hướng đơn ngành (thuần túy y học có chắp vá tin học, hay thuần túy tin học được bổ sung một số kiến thức gọi là về y học). |
|