(VietNamNet) - Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) vừa công bố bản dự thảo lần thứ 11 Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin-viễn thông và người dân góp ý để tổng hợp, chỉnh sửa và ban hành sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giới trẻ tiếp cận Internet rất nhanh chóng, nhưng cũng rất dễ bị ảnh hưởng từ những nội dung xấu trên mạng. |
Tại Thông báo 127/TB-VPCP ngày 30/6/2004 kết luận về cuộc họp giao ban định kỳ về quản lý thông tin trên Internet, Văn phòng Chính phủ đã công bố kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Giao Bộ BCVT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Công an xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động của các đại lý Internet công cộng.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ BCVT đã chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet.
Hiện nay, Bộ BCVT đã hoàn tất và công bố bản dự thảo lần thứ 11 Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành CNTT- Viễn thông và toàn thể người dân tham gia góp ý xây dựng nội dung dự thảo Thông tư liên tịch này.
Ngày 15/11/2002, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thôg tin và Cục Quản lý hành chính Công thương Quốc gia đã ban hành ''Biện pháp quản lý địa điểm kinh doanh dịch vụ mạng Internet''. Theo đó, Điều 31 quy định rõ: Xử phạt tiền, thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hành nghề đối với các đại lý không theo quy định đối chiếu vào sổ các giấy tờ chứng minh thư thân phận người tiêu dùng hoặc không ghi lại thông tin trên mạng có liên quan. Không tuân theo quy định về thời gian lưu giữ nội dung đã vào sổ, thông tin đã ghi, hoặc trong thời gian lưu giữ đã sửa đổi nội dung đã vào sổ, nội dung thông tin đã ghi. |
Quản lý dịch vụ Internet: Không đơn giản!
Tình trạng vi phạm còn diễn ra khá phổ biến tại các đại lý, điểm kinh doanh dịch vụ Internet công cộng. |
Mới đây, hồi giữa tháng 10 vừa qua, đoàn kiểm tra do Thanh tra của Bộ BCVT chủ trì đã tổ chức đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh của một số cơ sở kinh doanh Internet trên địa bàn Hà Nội. Đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 18 đại lý Internet của hai nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là Công ty Điện toán và Truyền Số liệu VDC và Công ty FPT cùng chín điểm truy nhập Internet công cộng (không phải là đại lý).
Tình trạng vi phạm phổ biến nhất là đại lý có giấy phép kinh doanh lại không làm hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, một số đại lý của FPT lại không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, từ khi dịch vụ Internet tốc độ cao được triển khai, một số điểm truy nhập Internet công cộng là các thuê bao ADSL (nhưng không phải là đại lý) đã thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ truy nhập Internet thiếu nghiêm túc, không xuất trình được đăng ký kinh doanh, không niêm yết nội quy sử dụng Internet. Các đại lý trước kia ký hợp đồng với các ISP kinh doanh dịch vụ Internet sử dụng phương thức truy cập quay số dial-up chỉ ký hợp đồng thuê bao nay đã thanh toán hợp đồng song vẫn trưng biển đại lý Internet hoặc biển điểm công cộng phục vụ dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL.
Cùng với đó, hiện tượng khách hàng truy nhập vào các website có nội dung xấu vẫn xảy ra. Theo tổng hợp, mặc dù các chủ đại lý có kiến thức và hiểu biết kỹ thuật về Internet, máy tính, mạng máy tính song các phòng máy tính tại đại lý không có phần mềm hay thiết bị nhằm ngăn chặn các website có nội dung xấu. Có tới 30%-35% các đại lý và điểm truy nhập Internet công cộng có khách hàng thường xuyên truy nhập vào các website đó mà không kiểm soát được.
Từ ngày 21/6 đến 30/7, Đoàn kiểm tra liên ngành 814 của tỉnh Phú Thọ (gồm đại diện Sở Văn hoá Thông tin, Bưu điện và Công an tỉnh) đã kiểm tra đột xuất việc kinh doanh dịch vụ Internet trong toàn tỉnh.
Phú Thọ vẫn còn một số điểm kinh doanh dịch vụ Internet trái phép. |
Theo số liệu tổng hợp, có gần 2/3 trong tổng số 33 cơ sở kinh doanh Internet trên địa bàn 12 huyện, thị của Phú Thọ vi phạm các quy định về quản lý, truy nhập, kết nối Internet.
Do không hiểu biết về kỹ thuật, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet đã để cho khách hàng truy nhập vào các website có nội dung không lành mạnh và phản động. Đoàn cũng đã phát hiện nhiều điểm tổ chức hoạt động, kinh doanh trái phép do chưa có giấy phép kinh doanh và chưa ký hợp đồng làm đại lý với Bưu điện.
Điều 11 Nghị định 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet nghiêm cấm các hành vi sau đây: 2. Đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng trên Internet của các tổ chức, cá nhân. 3. Lợi dụng Internet để chống lại nhà nước CNXHCN Việt Nam; gây rối loạn an ninh, trật tự; vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác.
1. Gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị và cản trở việc cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet.
Các văn bản đóng góp ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch xin gửi về Bộ Bưu chính Viễn thông (số 18 Nguyễn Du, Hà Nội) trước ngày 30/11/2004 để kịp thời tổng hợp, chỉnh sửa và ban hành sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mọi ý kiến đóng góp qua Internet cho dự thảo Thông tư liên tịch có thể gửi trực tiếp về địa chỉ vuvienthong@mpt.gov.vn.
Bạn đọc có thể tham khảo nội dung dự thảo lần thứ 11 Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet tại website của Bộ BC-VT. Để download văn bản dạng Word, xin bấm vào đây.
Ngoài ra, bạn đọc VietNamNet cũng có thể bày tỏ quan điểm của mình, cũng như đề xuất những giải pháp quản lý dịch vụ Internet công cộng hiệu quả nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực trong phần "Ý kiến bạn đọc" dưới đây:
Nhóm PV CNTT