(VietNamNet) - Vinacomm tuyên bố bỏ ra mười tỷ đồng để mua lại bản quyền iCMS: một thủ thuật kinh doanh của giám đốc Vương Vũ Thắng. Vinacomm chịu trách nhiệm ra sao nếu có thêm một website sử dụng iCMS tiếp tục bị hack?
Trong thông cáo báo chí gửi tới giới truyền thông ngày 30/11/2004, anh Vương Vũ Thắng - giám đốc Vinacomm đã tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định phần mềm hệ quản trị nội dung iCMS hoàn toàn do đội ngũ kỹ thuật của nhóm iCMS xây dựng, và được Công ty Vinacomm tiếp tục nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sau khi nhóm đoạt giải. Đó hoàn toàn không phải là một sản phẩm được copy hoặc lấy mã nguồn mở từ bất cứ đâu”.
Vậy sự thật về sản phẩm iCMS là gì ?
Với những chứng cứ đã được đưa ra trên www.diendantinhoc.com qua bài tổng hợp của Dương Vi Khoa cùng với những chứng cứ mới nhất vừa được các thành viên khác công bố, chúng ta đã thấy được:
- Phần CMS của iCMS đã sử dụng source code của CMS.NET theo như nhóm iCMS thừa nhận.
- Công cụ biên tập khởi tạo nội dung WYSIWYG đã sử dụng lại gần như hoàn toàn sản phẩm YAHE.NET
(đọc bài phân tích tại đây: http://www.diendantinhoc.com/showthread.htm?p=349912&posted=1#post349912)
Một người bình thường nhất không rành về lập trình cũng có thể đưa ra kết luận với những chứng cứ thuyết phục như vậy. Vậy ta có thể tạm kết luận rằng iCMS là sản phẩm đã vi phạm luật bản quyền và sử dụng mã nguồn mở nên rất dễ bị các hacker khai thác các lỗ hổng.
Quay trở lại với vấn đề Công ty Vinacomm, thông tin của Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội cung cấp cho thấy rõ thành viên nhóm iCMS Nguyễn Công Kha đã là thành viên sáng lập Công ty VinaComm từ trước khi nhóm iCMS tham gia dự thi giải Trí tuệ Việt Nam (TTVN) 2003. Như thế, giám đốc Vương Vũ Thắng không thể phủ nhận việc Công ty Vinacomm không liên quan đến sản phẩm iCMS từ trước khi sản phẩm này đoạt giải. Từ đó, chúng ta cũng có thể đặt nghi vấn rằng liệu việc Vinacomm bỏ ra mười tỷ đồng để mua lại bản quyền iCMS có phải là một thủ thuật kinh doanh của giám đốc Vương Vũ Thắng hay không?
Đối với các khách hàng của Vinacomm đang sử dụng iCMS như báo điện tử CAND, Đài Truyền hình Việt Nam VTV, báo điện tử Tiền Phong, v.v... thì có lẽ họ sẽ không thể yên tâm được trước nguy cơ bị tấn công bởi các hacker rất cao sau khi mã nguồn của sản phẩm này đã được tung lên mạng và được phân tích rất kỹ. Liệu các cơ quan trên có còn tiếp tục sử dụng iCMS cho website của mình hay không? Vinacomm có chịu trách nhiệm về việc này hay không nếu như có thêm một website sử dụng iCMS tiếp tục bị hack?
Chúng ta vẫn đang chờ câu trả lời chính thức về việc này từ nhóm iCMS và Vương Vũ Thắng.
Kim Ngân