221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
563376
Vào Internet công cộng: Cần người lớn đi kèm?
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Vào Internet công cộng: Cần người lớn đi kèm?
,

(VietNamNet) - Đây là câu hỏi được đặt ra trước tình trạng vi phạm trong việc quản lý cũng như cung cấp dịch vụ Internet tại những nơi công cộng hiện đang ít nhiều có ảnh hưởng đến một lượng khách hàng không nhỏ là thanh thiếu niên và học sinh.

Không còn là nỗi lo riêng!

Soạn: AM 240311 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Khách hàng đến các quán Internet công cộng đa phần là giới trẻ.

Qua những số liệu được đưa ra trong các cuộc thanh, kiểm tra các đại lý Internet và điểm cung cấp dịch vụ Internet ở một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều cho thấy có rất nhiều sai phạm trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ ở những điểm công cộng đó. Nguyên nhân thì nhiều, do các chủ đại lý lơ là việc quản lý vì lợi nhuận và do cả ý thức của người tới sử dụng dịch vụ cũng không phải hiếm.

Vấn đề đặt ra là trong số những người đến sử dụng dịch vụ Internet ở các điểm cung cấp công cộng đa phần lại là học sinh. Theo số liệu khảo sát chưa chính thức, có tới trên 50% khách hàng thường xuyên của các điểm đại lý Internet công cộng là sinh viên, học sinh và trong số đó lại có rất đông đảo đối tượng là học sinh THPT, THCS. Sẽ là tốt nếu như các em đến đây với việc giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thông tin trên mạng. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó chỉ nhằm chat hoặc chơi game và tìm hiểu những website có nội dung không lành mạnh.

Chúng tôi đã có dịp vào một điểm trưng biển "Điểm Internet công cộng" trên đường Hùng Vương (Việt Trì - Phú Thọ). Với diện tích chỉ khoảng 20m2 với 16 máy tính nối mạng, không kể một gian bên trong cũng "tầm đó" diện tích và số máy tính, vào những "giờ cao điểm"  từ 19g đến 22g, nếu không vào sớm thì tốt nhất là khách hàng có nhu cầu vào mạng phải ngồi chờ, hễ có ai ra là phải... thế chỗ ngay. Chỉ cần nhìn qua cũng rất dễ nhận thấy hầu hết những khách hàng của cửa hàng Internet này đều là học sinh ở bậc THCS. Ngoài việc chat hoặc chơi game, thường các khách hàng nhí chỉ vào những website mang nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Một em đã nhìn với đôi mắt rất ngạc nhiên khi thấy tôi vào website của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Không những vậy, chuyện kỳ kèo khất nợ 500-1.000 đồng giữa chủ quán và khách hàng xảy ra thường xuyên. Trong vòng 1 giờ đồng hồ quan sát, hầu như khách hàng nhí nào trước khi ra về cũng "ký sổ" với người chủ cửa hàng hoặc em nọ đùn đẩy  em kia trả tiền. Có thể có người sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đưa ra con số nợ tưởng chừng chẳng thấm tháp gì đó nhưng ngẫm kỹ, ở lứa tuổi các em, đến 500 đồng còn không có mà sẵn sàng ghi sổ nợ thì việc "tích gió thành bão" sẽ thành những số tiền lớn lúc nào không hay.

Đã có rất nhiều bài cảnh báo trên báo chí về tình trạng này và nhiều hậu quả nhãn tiền từ những trò chơi, những cuộc chat không biết điểm dừng đã là những bài học cảnh báo đắt giá.

Cấm trẻ em dưới 14 tuổi: Có thực sự khả thi?

Bản dự thảo lần thứ 11 Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet, do Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Công an xây dựng, đã được đưa ra xin ý kiến của đông đảo những đối tượng quan tâm và đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp. Dự thảo được xây dựng với mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động của các đại lý Internet công cộng. Theo một thành viên trong Ban soạn thảo, chủ yếu các ý kiến đóng góp mà Bộ BCVT nhận được là của các đại lý hiện đang cung cấp dịch vụ Internet.

Một trong số nội dung được bản dự thảo đưa ra là cấm trẻ em dưới 14 tuổi vào các quán Internet công cộng nếu không có người lớn đi kèm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn: Đây đã là phương thức tối ưu để giải quyết tình trạng hiện tại hay chưa? Bởi đi kèm với yêu cầu đó sẽ là việc vào quán Internet công cộng nhiều người sẽ phải xuất trình chứng minh thư nhân dân để có thể xác định được độ tuổi.

Soạn: AM 240321 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhà trường quản lý học sinh sử dụng Internet sẽ là một biện pháp hữu hiệu.

Nhiều ý kiến cho rằng gia đình cần phải quan tâm đến con em mình khi các em vào mạng ở nhà. Điều này là hiển nhiên. Tuy nhiên, ngoài thời gian ở gia đình, khi cha mẹ còn bận việc, môi trường xã hội lại là vấn đề đáng lo ngại hơn cả. Có nhiều cách giải quyết tình trạng trên được đưa ra, ví dụ từ Đồng Nai. Cùng với việc ngành Bưu điện  phối hợp với ngành giáo dục Đồng Nai triển khai nhanh chóng việc đưa Internet đến các trường THCS, những cơ quan chức năng đã đưa ra sáng kiến nghiên cứu xây dựng cơ chế cho các nhà trường mở đại lý Internet công cộng nhằm tạo điều kiện phục vụ các em học sinh, qua đó cũng giúp nhà trường quản lý được việc trao đổi thông tin Internet của học sinh.

Đây thực sự là một đề xuất đáng được quan tâm và cũng khả thi không chỉ ở Đồng Nai mà có thể áp dụng được ở nhiều địa phương. Cho đến nay, chương trình đưa Internet đã không chỉ dừng lại ở các trường trung học chuyên nghiệp và THPT mà đang được đẩy nhanh đến các trường THCS ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Việc được tiếp cận với Internet ngay trong trường học của các em học sinh ngày càng gần hơn, đồng thời nhà trường cũng có điều kiện quản lý được học sinh của mình trong việc vào mạng.

Tuy nhiên, tính hữu ích đã nhìn thấy rõ nhưng việc triển khai sẽ đạt kết quả như thế nào, đến đâu lại phụ thuộc rất nhiều vào các thầy cô. Không ít những chiếc máy tính nối mạng khi về đến trường học lại được đặt ở... phòng hiệu trưởng, hoặc "công cộng" hơn là phòng hội đồng, nơi hội họp của các giáo viên nên học sinh dù muốn cùng không dám vào sử dụng.

Máy tính nối mạng đã đến được với nhiều ngôi trường, việc cần làm là phải phát huy được hiệu quả trong việc giúp học sinh tiếp cận thông tin trên mạng một cách lành mạnh, có ích nhất. Có như vậy, mới phần nào hạn chế được tình trạng trẻ em đến các điểm truy cập, đại lý Internet công cộng chỉ để chat, chơi game, tiếp cận với những luồng thông tin thậm chí độc hại như hiện nay.

  • Thuỷ Nguyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,