(VietNamNet) - Đó là câu hỏi được đặt ra cấp thiết hiện nay khi cùng với rất nhiều lĩnh vực khác, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ về bản quyền phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam vẫn còn phổ biến.
Mức vi phạm: 92%
Phần mềm trong lĩnh vực CNTT đang là mảnh đất béo bở của tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: TN). |
Theo báo cáo tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam trong Hội nghị về thực thi quyền sở hữu trí tuệ do Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Văn hoá thông tin tổ chức hồi tháng 9/2004 đưa ra, việc xâm phạm các quyền tác giả xảy ra đối với nhiều lĩnh vực và nạn sao chép lậu cũng xảy ra với mọi loại hình tác phẩm như sách báo, phim ảnh, thậm chí cả lĩnh vực khoa học, nổi bật nhất là phần mềm máy tính, hiện vẫn thực sự là một vấn nạn.
Mới đây nhất, trong hội thảo “Bảo vệ bản quyền ở Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia cũng đã đề cập đến quyền tác giả trong ngành CNTT. Theo đánh giá, đây là một trong hai vấn đề vi phạm bản quyền tác giả phổ biến nhất hiện nay. Việt Nam là một trong ba nước hàng đầu (tiếp sau là Trung Quốc và Indonesia) có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu thống kê của Liên minh Doanh nghiệp Phần mềm, giai đoạn từ năm 1994 đến 2003, tỷ lệ xâm phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 92%.
Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp phần mềm -một trong những ngành được xem là sẽ có mức đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Việc xâm phạm bản quyền phần mềm sẽ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành CNTT. Tệ nạn này không chỉ gây thiệt hại cho các chủ sở hữu mà còn gây ảnh hưởng tai hại đến chính người tiêu dùng các sản phẩm đó. Không những vậy, sản phẩm được sản xuất ra từ sự vi phạm còn có khả năng ảnh hưởng dây chuyền đến cả hệ thống sản xuất của một ngành, một địa phương.
Cần sớm có một khung pháp lý hiệu quả
Cũng theo đánh giá của hai Bộ Khoa học Công nghệ, Văn hoá Thông tin, đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các chế tài nhằm bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm và đã thu được một số kết quả nhất định. Mặc dù vậy, nhìn chung hiệu quả bảo đảm thực thi vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân: Do cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện, chưa phát huy đúng mức. Cách tổ chức bảo đảm thực thi cũng chưa thực sự phù hợp. Năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ của chính hệ thống bảo đảm thực thi còn chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn.
Để tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực CNTT nói riêng, Chính phủ cần nhanh chóng tạo ra một khung pháp lý, đồng thời đưa ra các chế tài và cơ chế thực thi có hiệu quả để tạo được một môi trường thuận lợi, khuyến khích tài năng, khuyến khích phát triển các sản phẩm trong nước, khuyến khích các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam.
Về góc độ người sử dụng, những đơn vị, những cơ quan tạo ra khung pháp luật cần phải đi tiên phong trong việc thực thi pháp luật về SHTT. Có như vậy thì thị trường mới nhìn nhận một cách tốt hơn về góc độ SHTT, cả ở người có sở hữu lẫn người sử dụng. Cần tăng cường giáo dục ý thức về SHTT và tuyên truyền về giá trị của những sản phẩm vô hình, công sáng tạo của những tài năng, và nhấn mạnh được sức mạnh của quốc gia, khi chúng ta tiến tới hội nhập vào nền kinh tế tri thức.
Một trong những giải pháp nâng cao hiệu lực thực thi, kiềm chế, đẩy lùi và tiến tới xoá bỏ tệ nạn xâm phạm SHTT: Tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về SHTT nhất là các quy phạm thực thi.
Thuỷ Nguyên