(VietNamNet) - Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế - xã hội và nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong năm của cả nước, Ngành Bưu chính, Viễn thông đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đặc biệt, mức tăng trưởng thuê bao điện thoại trong năm 2004 đạt cao nhất từ trước đến nay.
Hội nghị đã hut hút nhiều đại biểu thuộc các Bộ, ngành như Kế hoạch đầu tư, Bộ Giáo dục và đào tạo,... cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BC, VT, và CNTT tham dự và phát biểu ý kiến. (ảnh: TN). |
Đó những nhận định được Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác năm 2004 và triển khai chương trình công tác năm 2005 của Bộ vừa tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng, năm 2004, tổ chức bộ máy Bộ BCVT tiếp tục được kiện toàn và dần đi vào ổn định, nề nếp. Cán bộ, công chức luôn có ý thức vươn lên tiếp cận những cái mới, đương đầu với những vấn đề quản lý phức tạp do sự phát triển nhanh của công nghệ, xu hướng hội tụ của các dịch vụ cũng như trong môi trường hội nhập và cạnh tranh còn rất mới. Công tác quản lý Nhà nước tại địa phương đã được tăng cường thông qua việc Chính phủ cho phép thành lập các Sở BCVT.
Các đề án, chương trình công tác năm 2004 đã được hoàn thành, các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo dựng được khung pháp lý tương đối đầy đủ và minh bạch, tạo điều kiện để chuyển từ hoàn toàn độc quyền công ty sang cạh tranh kinh doanh toàn diện các dịch vụ viễn thông và Internet. Các doanh nghiệp mới đã từng bước phát triển và tăng thị phần. Đây cũng là bước chủ động chuẩn bị thực hiện Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và tham gia WTO.
Bộ BCVT thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cước dịch vụ viễn thông, cước kết nối tiếp tục được điều chỉnh giảm, tạo điều kiện cho lớp người dùng có thu nhập tương đối thấp được sử dụng các dịch vụ viễn thông và Internet và góp phần làm tăng trường thuê bao điện thoại trong năm 2004 đạt cao nhất từ trước tới nay. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích ra đời sẽ thực hiện chính sách về dịch vụ viễn thông công ích, phổ cập dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia phổ cập dịch vụ viễn thông...
Đã có 12 đề án lớn được Bộ BCVT xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó có Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển Bưu chính đến năm 2010; Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet đến năm 2010 và Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Chứng thực điện tử. Đây là các văn bản có tính định hướng, đồng thời tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của BCVT và CNTT...
Về tình hình kinh doanh, phát triển dịch vụ, năm 2004, mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet hoạt động ổn định và liên tục phát triển. Cả nước đã có 14.725 điểm phục vụ trong đó có 7.011 điểm Bưu điện Văn hoá xã, 89,4% số xã có báo đến trong ngày. Toàn mạng đã có 10,3 triệu máy điện thoại, 97,5% số xã có máy điện thoại, tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế đạt 1.890Mb/s với trên 1,9 triệu thuê bao, gần 5,9 triệu người sử dụng, đạt mật độ 7,17 người sử dụng/100 dân. Tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 33.400 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 5.172 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị, các Bộ ngành, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT đã có những đóng góp trao đổi ý kiến, đưa ra những đề xuất, giải pháp góp phần nhanh chóng ổn định tổ chức và kiện toàn bộ máy các đơn vị mới để nhanh chóng hoà chung vào hoạt động của Bộ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, làm cho Bưu chính, Viễn thông và CNTT Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và từng bước tham gia vào thị trường thế giới.
-
Thuỷ Nguyên