(VietNamNet) - Năm qua, ngành BCVT-CNTT nước nhà đã có bước phát triển đáng ghi nhận, với mức tăng trưởng dịch vụ đột phá. Trước thềm năm mới 2005, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá về thị trường này năm qua, cũng như những dự định, kế hoạch phát triển...
- Thưa ông, xin cho biết những đánh giá của ông về thị trường CNTT - viễn thông năm 2004 vừa qua?
- Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Với trên 80 triệu dân, chúng ta đã biết Việt Nam là thị trường hấp dẫn trong lĩnh vực BCVT-CNTT. Trong năm 2003, chúng ta đã quyết định mở rộng thị trường cạnh tranh, chấm dứt thời gian Việt Nam độc quyền một công ty. Đến năm 2004, các doanh nghiệp mới đã phát triển trên thị trường viễn thông, tạo nên tốc độ tăng trưởng thị trường này khá cao, đạt trên 15%. Về các doanh nghiệp viễn thông mới, Bộ BCVT cũng đã đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước của mình.
Năm qua, Bộ đã ban hành Nghị định về quản lý BCVT, Nghị định về Xử phạt hành chính lĩnh vực BCVT - CNTT, tạo khung pháp lý cho các doanh nghiệp mới và cũ hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Bộ đã ban hành chính sách cước, với nội dung: doanh nghiệp chủ lực có thị phần khống chế sẽ do Bộ quản lý giá cước và doanh nghiệp mới có quyền định đoạt giá cước cũng như định đoạt phương thức tính cước của mình.
Vì vậy, chỉ trong vòng một năm, công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) đã phát triển được trên 100.000 thuê bao. Với công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), chỉ sau khi khai trương vài tháng, đã phát triển được trên 200.000 thuê bao. Với tốc độ và việc quản lý như vậy, tôi cho rằng, không chỉ có sự phát triển của điện thoại di động trong năm qua, ngay cả với Internet và các dịch vụ trên Internet cũng ngày càng phát triển nhanh hơn.
- Như thế, năm 2004 cũng đánh dấu bằng việc khởi đầu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp CNTT-VT?
- Rõ ràng, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, với tư cách quản lý của Bộ BCVT, chúng tôi cũng phải cân đối giữa sự phát triển của doanh nghiệp, với yếu tố thị trường - khách hàng và yếu tố thứ ba là những đóng góp của các doanh nghiệp cho Nhà nước. Vì vậy, để kích thích tính cạnh tranh, chúng tôi đã lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Khi chúng ta quan tâm đến khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, sẽ đồng thời đáp ứng được nguyện vọng người tiêu dùng. Các doanh nghiệp vẫn tiến hành cạnh tranh trong khi khoảng khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị đã không còn xa.
Cũng trong năm 2004, sự cạnh tranh còn thể hiện rõ ở chất lượng dịch vụ. Trước đây, chất lượng của một công ty nào đó được quyết định do khách hàng phàn nàn, phản ánh. Còn hiện nay, chất lượng này còn được đảm bảo bởi sự so sánh của khách hàng với các công ty khác nhau. Báo chí, phát thanh và truyền hình, thời gian qua, cũng đã giúp chúng tôi phản ánh được tâm tư nguyện vọng của khách hàng nên các doanh nghiệp, nhờ đó, đã khắc phục được những tồn tại của mình.
Thứ ba, khi có nhiều doanh nghiệp, chúng ta lo là tổng doanh thu các doanh nghiệp đó chưa chắc đã bằng một doanh nghiệp Nhà nước, nếu cạnh tranh diễn ra không lành mạnh. Trong năm qua, nhờ có cạnh tranh thúc đẩy, trong khi doanh thu của Tổng công ty BCVT (VNPT) đã đạt 30.400 tỷ đồng, thì các doanh nghiệp khác cũng đã đóng góp trên 2.000 tỷ đồng. Về thị phần, các doanh nghiệp mới cũng có đóng góp tương đối tốt. Riêng về lưu lượng VoIP, VNPT chỉ còn chiếm 53,7%, trong khi các doanh nghiệp mới là 46,3%...
- Ông có nhận xét gì về việc một số doanh nghiệp trong nước có hướng phát triển ra thị trường quốc tế?
- Các doanh nghiệp cần rèn luyện thêm trên thị trường trong nước, trước khi ra thị trường quốc tế. Có một số doanh nghiệp có khả năng hợp tác với nước ngoài. Tuy nhiên, với thị trường mở cửa của nước ta, khi các doanh nghiệp nước ngoài có hướng đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cũng có điều kiện hợp tác với họ. Bộ BCVT luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho sự hợp tác này. Tuy nhiên, nên xem xét lợi ích của cả hai bên vì nếu không làm chủ hoàn toàn về công nghệ, về bản lĩnh kinh doanh, có khi sự hợp tác này dễ xảy ra tiêu cực hoặc không đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, chỉ đạt về lợi ích của doanh nghiệp.
- Dự báo của ông về thị trường CNTT-VT năm 2005?
- Có thể nhìn thấy trước mắt là chắc chắn, hệ thống thông tin di động sẽ phát triển nhanh, với tốc độ cao hơn cố định. Tuy phát triển không bằng, nhưng dịch vụ cố định lại dễ cung cấp dịch vụ Internet trong tương lai, phù hợp với mức chi tiêu của người dân. Internet cũng sẽ phát triển, với băng thông rộng. Hiện nay, băng thông quốc tế của Việt Nam đã đạt tốc độ khá cao là 2,3 Gb, với nhiều tuyến quốc tế đã phát triển mạnh. Lưu lượng các cuộc gọi sẽ tăng đột phá, đặc biệt, là các cuộc gọi của dịch vụ giá trị gia tăng.
Năm 2005 cũng sẽ là năm đáng chú ý về Hiệp định Việt - Mỹ có giá trị được 1 năm. Phía Mỹ cũng như EU cũng đang muốn chúng ta cởi mở hơn nữa trong việc tham gia thị trường BCVT. Nhiều doanh nghiệp của ta cũng đã đủ điều kiện hợp tác với họ. Như vậy, đầu tư, hợp tác với nước ngoài trong năm nay sẽ giúp chúng ta tăng trưởng, phát triển mạnh hơn về hạ tầng và dịch vụ.
- Xin cám ơn ông!
-
Đinh Hằng (thực hiện)