(VietNamNet) - Sở BCVT Hà Nội được thành lập cách đây hai tháng. Trao đổi với VietnamNet, Giám đốc Sở BCVT Hà Nội Nguyễn Mạnh Dũng đã cho biết về những hoạt động thực tiễn và những khó khăn, cũng như dự định thời gian tới của đơn vị này...
- Xin ông cho biết một số hoạt động ban đầu của Sở BCVT Hà Nội trong hai tháng vừa qua?
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Sở BCVT Hà Nội. |
- Mặc dù mới thành lập được hai tháng, Sở BCVT Hà Nội hiện đang được đánh giá là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã bước đầu xây dựng được bộ máy từ thành phố xuống quận, huyện, bao gồm cả quản lý Nhà nước, tổ chức triển khai và quản lý khai thác vận hành đầu tư. Hệ thống này đã góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng và phát triển CNTT-Viễn thông của thành phố.
- Trong năm nay, Sở BCVT Hà Nội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?
- Thời gian qua, một số dự án hợp tác quốc tế đã được Sở ký kết và triển khai nhằm đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, đào tạo nhân lực và hỗ trợ xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp CNTT và VT. Một số dự án trọng điểm hỗ trợ sự phát triển của công nghiệp CNTT như Trung tâm Giao dịch CNTT, Trung tâm Đào tạo CNTT, Khu Công nghiệp phần mềm Hòa Lạc đã và đang được thi công, từng bước đi vào hoạt động.
Chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ cho các dự án ứng dụng CNTT trong sản xuất công nghiệp. Hiện Sở đang triển khai 5 dự án lớn về ứng dụng CNTT trong quản lý doanh nghiệp, tự động hóa thiết kế, tự động hóa sản xuất, chế tạo khuôn mẫu và xúc tiến thương mại của 5 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của thành phố. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai 10 dự án ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của các doanh nghiệp công nghiệp.
- Được biết Hà Nội sẽ là một trong số các địa phương trong cả nước thí điểm mô hình Chính phủ điện tử, xây dựng chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, xác lập các dịch vụ hành chính công, giao tiếp trực tuyến với nhân dân. Vậy xin ông cho biết mục tiêu hoạt động của Hà nội để triển khai chính phủ điện tử?
- Mục tiêu là xây dựng thành phố cấp 1 về chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. Chúng tôi tập trung vào 3 mục tiêu cơ bản, một là xây dựng cơ sở hạ tầng. Hai là xây dựng cổng dịch vụ với phần giao dịch (và các xử lý sau của các giao dịch để đáp ứng mô hình đó). Ba là xây dựng trung tâm dữ liệu mức cấp thành phố để đảm bảo hoạt động cho chính quyền và các cơ quan của thành phố như: Giao thông vận tải, hải quan, ngân hàng…
Trong năm nay, Sở BCVT Hà Nội sẽ hoàn thành chiến lược về kiến trúc và lộ trình triển khai CP điện tử, các dự án cơ bản như là cổng dịch vụ và cơ sở hạ tầng, thứ ba là Trung tâm dữ liệu, thứ tư là xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho chính phủ điện tử. Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội (trực tiếp là Sở BCVT Hà Nội) sẽ ký kết hợp tác với lãnh đạo thành phố Xơ-un (Hàn Quốc) xây dựng mô hình Chính phủ điện tử tại hai thủ đô này.
- Để phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử, Hà Nội đã chuẩn bị thế nào về cơ sở hạ tầng viễn thông?
- Thực trạng về mạng LAN, WAN và kết nối Internet, với các đơn vị trực thuộc thành phố: đã có 100% số đơn vị nối mạng LAN, trong đó, số đơn vị đưa mạng LAN vào khai thác có hiệu quả đạt 35%, trung bình 40%, còn 25% khai thác không hiệu quả hoặc không đưa vào sử dụng.
Mạng LAN chủ yếu được lắp đặt tại trụ sở của các đơn vị là sở, ngành, quận, huyện chưa được triển khai xuống các đơn vị thành viên, xã, phường do 100% số đơn vị này chưa có sự kết nối mạng WAN nên việc triển khai, phát triển mạng LAN xuống các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để đưa mạng LAN vào hoạt động một cách có hiệu quả, đáp ứng được công việc chuyên môn của mỗi cơ quan thì cần phải triển khai, lắp đặt mạng LAN xuống các đơn vị thành viên, xã, phường.
Về kết nối Internet, 72% đơn vị đã kết nối, trong đó, có 28% kết nối qua đường ADSL, 44% kết nối qua đường dialup, còn lại 28% số đơn vị chưa được kết nối Internet.
- Trong quá trình thực hiện, Sở BCVT Hà Nội có gặp phải khó khăn gì, thưa ông?
- Cũng như các tỉnh, thành phố khác, tại một số lĩnh vực quan trọng, Sở BCVT hầu như không có kinh nghiệm về quản lý, triển khai và tổ chức thực hiện, và cấp vĩ mô cũng thiếu. Trong khi đó, chưa có sự phân cấp quản lý giữa Bộ ở cấp vĩ mô, và các Sở ở cấp địa phương. Có thể, một số lĩnh vực chắc chắn sẽ xảy ra sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước (điện tử, Internet, sở hữu trí tuệ...), bộ máy ở tất cả các cấp mới được hình thành ở giai đoạn đầu, là những khó khăn và thách thức không dễ khắc phục trong một thời gian ngắn.
- Về lĩnh vực thanh tra nhà nước BCVT, Sở BCVT Hà Nội sẽ thực hiện những công tác gì?
- Chúng tôi sẽ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Giám đốc Sở BCVT. Xử phạt các vi phạm hành chính về BCVT, CNTT theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của thành phố về BCVT-CNTT đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội và công dân trong phạm vi quản lý. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện quy định về áp dụng các tiêu chuẩn, chất lượng trong lĩnh vực BCVT, Internet trên địa bàn thành phố.
- Xin cám ơn ông!
Hoàng Hùng (thực hiện)