221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
598670
Vẫn nỗi lo nguồn nhân lực!
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam:
Vẫn nỗi lo nguồn nhân lực!
,

(VietNamNet) - Phải có những biện pháp gì để sớm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực? Đó là mong muốn của đông đảo các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam khi thị trường xuất khẩu đang rộng mở với họ.

Tình trạng khan hiếm nhân lực CNTT nói chung và trong lĩnh vực phần mềm nói riêng đã là vấn đề đã được đề cập khá nhiều, đến mức sẽ có người nghĩ: "biết rồi, khổ lắm nói mãi". Nhưng biết mà chưa có cách gì khắc phục được, trong khi cái mốc một vài năm tới sẽ xảy ra khủng hoảng về nhân lực đã cận kề.

Thị trường lớn

Theo báo cáo đánh giá tiềm năng hợp tác với Nhật Bản và yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), hiện có hai thị trường lớn về gia công phần mềm mà các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam đang hướng tới, đó là Mỹ và Nhật Bản. Với thị trường gia công phần mềm Mỹ, hiện nay Mỹ là nước chiếm tỷ trọng thuê gia công phần mềm nước ngoài lớn nhất, gần 40% và theo dự báo sẽ đạt tới 65% trong tương lai. Có tới 79% các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã thuê gia công ở nước ngoài và số còn lại dự kiến cũng sẽ sớm gia nhập trào lưu này. Hãng nghiên cứu thị trường IDC cũng đã dự báo chi tiêu của Mỹ cho thuê gia công phần mềm ở nước ngoài sẽ tăng từ 9 tỷ USD năm 2002 lên 17,2 tỷ USD trong năm 2005 này.

Nhân lực xuất khẩu phần mềm Việt Nam đang sắp ở tình trang khủng hoảng. (ảnh: TN).

Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu phần mềm Việt Nam lại không dễ dàng gì khi xâm nhập được vào thị trường gia công phần mềm Mỹ mà một trong số đối thủ lớn nhất của Việt Nam lại là Ấn Độ. Một nghiên cứu năm 2003 của hãng Brean Murray Research, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ của Ấn Độ năm 2003 đạt 9,5 tỷ USD. Dự báo trong giai đoạn 2003 - 2008, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ của Ấn Độ sẽ tăng gấp 5 lần, từ khoảng 10 tỷ USD lên tới  50 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của Ấn Độ là Mỹ, năm 2003 doanh thu đạt về là 6,7 tỷ USD, chiếm hơn 70% tiếp đến là châu Âu là 2,2 tỷ USD.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những yếu tố chính giúp Ấn Độ thành công trong thu hút hợp đồng gia công phần mềm từ nước ngoài là nguồn nhân lực CNTT dồi dào, trình độ cao, thành thạo tiếng Anh và giá tương đối rẻ. Mỗi năm tại Ấn Độ có khoảng 80.000 kỹ sư CNTT ra trường, các công ty nước ngoài khi thuê gia công phần mềm tại Ấn Độ có thể tiết kiệm đuợc từ 20% đến 40% chi phí.

Hiện nay, với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam, Nhật Bản đang được coi là một thị trường đầy tiềm năng và cũng là niềm hy vọng chính. Trong số những quốc gia mà Nhật Bản đang hướng đến thì Việt Nam là lựa chọn số 1 của họ vì những yếu tố: tương đồng về văn hóa; khoảng cách địa lý; sự ổn định về chính trị; quan hệ mật thiết giữa hai Chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ việc hợp tác và cuối cùng là nguồn nhân lực có học vấn, giá rẻ.

Ngay cả VINASA cũng xác định Nhật Bản có vị trí chiến lược đối với công nghiệp phần mềm Việt Nam. Là thị trường xuất khẩu chính, là đối tác chuyển giao công nghệ và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Nhật Bản sẽ là đối tác và khách hàng lâu dài của công nghiệp phần mềm Việt Nam. Hiện đã có một số công ty phần mềm Việt Nam bước đầu đã thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản, đạt tốc độ tăng trường doanh thu gia công phần mềm cho Nhật Bản trên 100%/năm.

Nhân lực CNTT: Thiếu nhiều thứ!

Bài toán đặt ra cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực. Phát biểu tại buổi tọa đàm với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đoàn lãnh đạo Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, các đại diện của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm đã bày tỏ sự lo lắng về nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay. Không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu nhiều thứ.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, ngay từ năm nay, sự khủng hoảng về nguồn nhân lực làm việc trong ngành CNTT đặc biệt là nhân lực phần mềm sẽ xảy ra. Kế hoạch phát triển nhân lực của FPT trong năm 2005 sẽ là 5.000 người trong đó có khoảng 1.000 người làm phần mềm, và với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, năm sau sẽ lấy thêm 4.000 người nhưng có lẽ dự kiến này sẽ khó mà thực hiện được. Để giải quyết vấn đề này thì đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ.

Ông Trần Đức Sơn (Giám đốc Công ty Vietsoftware) cũng cho rằng: Chính phủ đã rất hỗ trợ ngành công nghiệp phần mềm, tuy nhiên, còn một số vấn đề Chính phủ có thể giúp được các doanh nghiệp chăng? Hiện nay một số công ty đã phát triển đến mức độ nào đó, đang vấp phải vấn đề mà trước đây chưa lường thấy được đó là vấn đề thiếu nhân lực. Các công ty rất lớn như FPT trong vòng hai, ba năm nữa nếu không lên được đến khoảng 5.000 nhân viên thì những công ty vừa và nhỏ như Vietsoftware khó có thể vươn lên được 1.000 nhân viên.

Trong khi đó, những trường hàng đầu như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, số nhân lực ra trường có đủ trình độ để làm việc ngay là quá ít. Kiến thức của hầu hết sinh viên CNTT khi ra trường đều thiếu, từ kỹ năng làm việc nhóm, tiếp cận qui trình chất lượng và nhất là trình độ tiếng nước ngoài. Ông Sơn cũng cho rằng, nếu như Việt Nam không quan tâm đầu tư nguồn nhân lực CNTT ngay từ hôm nay thì không hiểu 5 năm nữa triển vọng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sẽ như thế nào?

VINASA cũng đã dẫn chứng sở dĩ những thị trường lớn như Mỹ với nhiều tiềm năng như vậy song các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khó mà có thể cạnh tranh được với các đối thủ như Ấn Độ, hay Trung Quốc và Nga, hiện cũng đang nổi lên là 2 "đại gia" trong lĩnh vực này. Về cơ hội làm việc của mình, các kỹ sư CNTT Việt Nam hoàn toàn thua kém Ấn Độ về yếu tố nguồn nhân lực, không chỉ về chất lượng mà còn cả ở khả năng ngoại ngữ: tiếng Anh.  Đến ngay cả thị trường Nhật Bản hiện được coi là tiềm năng nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm khi hợp tác cũng đòi hỏi phải có một số lượng kỹ sư CNTT không chỉ có năng lực mà còn phải thông thạo tiếng Nhật, am hiểu văn hóa và cách làm ăn của Nhật. Bởi đa số các công ty Nhật không chịu giao tiếp bằng tiếng Anh mà ra điều kiện cho các đối tác là phải giao tiếp bằng tiếng Nhật. Hiện nay ở Việt Nam có rất ít kỹ sư CNTT có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật.

Đáp án cho bài toán nhân lực: Đẩy mạnh ứng dụng thực tế!

Ngay từ bày giờ, các trường đại học Việt Nam sẽ chú trọng hơn nữa đào tạo CNTT.

Vẫn theo ông Sơn, mặc dù biết là thiếu và sẽ xảy ra khủng hoảng nhưng vấn đề mà các công ty xuất khẩu phần mềm không tự làm được lại chính là chuẩn bị các nhân lực cho thị trường cũng như cho chính doanh nghiệp của mình. Tại buổi gặp mặt và tọa đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cùng Ban chỉ đạo về CNTT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cũng đã kiến nghị mong muốn Chính phủ tập trung đầu tư vào thành lập các trường đại học đào tạo lĩnh vực CNTT với trọng tâm xuất khẩu và lập trình phần mềm.

Trao đổi với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm về tình trạng nguồn nhân lực CNTT của  Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng nhận định, mặc dù chúng ta đã nhìn thấy vấn đề này từ khoảng 5 năm trước đây, và đã coi nguồn nhân lực là một việc làm trọng tâm trong việc phát triển CNTT` tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây quả thật là một vấn đề báo động.

Theo Phó Thủ tướng, trong công tác phát triển nguồn nhân lực, chúng ta phải tập trung vào hai mặt yếu đó là ngoại ngữ và việc áp dụng các bài học vào trong thực tiễn hơn nữa. Để làm được những việc này cần phải đẩy mạnh cải cách giáo dục. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng sẽ chú ý tới yêu cầu làm việc với đối tác nước ngoài. Thời gian tới, các trường đại học sẽ đẩy mạnh việc đào tạo và ứng dụng CNTT.

Hiện nay, Việt Nam đã liên kết với phía Hàn Quốc thành lập trường Cao đẳng CNTT Việt - Hàn với mục tiêu mỗi khóa sẽ đào tạo từ 800 đến 1.000 sinh viên CNTT từ năm 2007. Những khóa đào tạo nhân lực CNTT theo nguồn vốn ODA trong thời gian tới do các tổ chức nước ngoài tài trợ cũng sẽ góp phần giảm bớt sự khủng hoảng về nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tình trạng trên cũng chưa thể khắc phục ngay được trong một sớm một chiều mà cũng cần phải có thời gian.

  • Thủy Nguyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,