(VietnamNet) - Trao đổi với phóng viên VietNamNet về việc hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã khẳng định như vậy.
Thứ trưởng Trần Đức Lai: ''Đây là tập đoàn đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập, và sẽ là Tập đoàn kinh tế mạnh đầu tiên trên cả nước''. |
- Thưa thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, xin ông cho biết ý nghĩa và mục tiêu của việc thành lập này?
- Thứ trưởng Trần Đức Lai: Việc xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh là chủ trương của Trung ương Đảng nhằm phát triển nền kinh tế hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Nghị quyết TW 3 khoá IX cũng ghi rõ, với một số lĩnh vực trọng điểm, cần phải hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, trong đó có tập đoàn bưu chính viễn thông. Vì vậy, việc xây dựng tập đoàn BCVT nhằm thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Kể từ năm 1995, Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT) đã phát triển, trở thành một doanh nghiệp nhà nước mạnh. Thực chất, trong quá trình gần 10 năm hoạt động, VNPT đã có những bước thử nghiệm để hình thành tập đoàn. Đến giai đoạn này, các điều kiện để Tổng công ty thành lập tập đoàn đã thực sự chín muồi. Với việc ban hành quyết định số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23/3, đây sẽ là tập đoàn đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập.
Thứ hai, tập đoàn BCVT sẽ được xây dựng trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực BCVT - CNTT, gắn kết giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu phát triển, và đào tạo. Tập đoàn này phải kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nhưng trong đó, BCVT và CNTT là ngành nghề kinh doanh chủ đạo.
Thứ ba, tập đoàn sẽ được xây dựng để có thể phát triển được hạ tầng cơ sở thông tin, và mạng lưới đồng bộ, hiện đại. Trên cơ sở đó, theo yêu cầu của Chính phủ, ngay trong năm 2005, Tập đoàn sẽ phát triển đa dạng hoá các loại hình dịch vụ để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Thứ tư, việc xây dựng tập đoàn cũng góp phần khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, vừa trở thành tập đoàn mạnh, vừa đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông khác trên phạm vi toàn quốc cùng phát triển.
Thứ năm, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của mô hình tổng công ty trước đây, việc hình thành tập đoàn sẽ tạo ra các cơ chế, chính sách để tăng quyền chủ động sáng tạo cho các đơn vị thành viên, nhưng phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Việc xây dựng tập đoàn cũng sẽ có mục đích phát triển thị trường BCVT - CNTT trong nước; đồng thời tạo điều kiện mở rộng quan hệ quốc tế, từng bước đầu tư ra bên ngoài. Muốn như vậy, tập đoàn phải kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và mở rộng cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, đa dạng hoá các loại hình sở hữu. Đây là việc thực hiện chủ trương phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường BCVT và CNTT.
- Với những ý nghĩa của việc hình thành tập đoàn BCVT như vậy, xin ông cho biết những nét đặc trưng của tập đoàn, khác biệt so với mô hình tổng công ty trước đây?
- Đặc trưng khác biệt đầu tiên là việc chuyển liên kết theo kiểu hành chính, từ cơ chế cấp vốn hiện nay giữa tổng công ty với các công ty thành viên sang liên kết theo mô hình công ty mẹ – công ty con, tức là đầu tư vốn, phát triển và bảo toàn vốn. Cơ chế liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn hoàn toàn khác so với cơ chế trong tổng công ty. Với mô hình tập đoàn, công ty mẹ sẽ giao vốn cho công ty con, công ty con sẽ phải phát huy và bảo toàn vốn đó.
Thứ hai, tập đoàn sẽ phân rõ cấu trúc sở hữu - phân định các loại hình đơn vị thành viên: doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá trong đó Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn hoặc dưới 50% vốn và loại hình doanh nghiệp cho phép các công ty liên kết dưới hình thức cổ phần, liên doanh...Trong mô hình tập đoàn này, Chính phủ cũng cho phép một số đơn vị sự nghiệp nhưng hạch toán độc lập theo cơ chế quản lý của Nghị định 10 là đơn vị sự nghiệp có thu.
Công ty mẹ sẽ có tên là Tập đoàn BCVT Việt Nam, được hình thành từ các bộ phận quản lý và kinh doanh mạng đường trục, có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn.
Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ, của quy trình quản lý, chúng tôi đã chủ trương tách riêng hoạt động công ích với hoạt động kinh doanh. Do đó, sắp tới, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sẽ hình thành. Đây là Tổng công ty do Nhà nước đầu tư và thành lập, có đặc điểm mới là Nhà nước đầu tư bằng cách giao vốn thông qua tập đoàn và Tổng công ty Bưu chính cũng sẽ kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó dịch vụ bưu chính là chủ yếu. Tổng công ty này cũng sẽ nhận nhiệm vụ quan trọng khác là thực hiện nhiệm vụ công ích. Tổng công ty BC sẽ là thành viên của tập đoàn nhưng hoạt động độc lập, tự chủ.
Về viễn thông, hiện nay, do sự phát triển của viễn thông rất mạnh và mạng lưới này lại không phụ thuộc vào địa giới hành chính nên Thủ tướng đã cho phép thành lập ba tổng công ty viễn thông ở ba vùng miền trên cả nước, gồm Tổng công ty Viễn thông I, II, và III. Ba tổng công ty viễn thông này sẽ được hình thành trên cơ sở sáp nhập các công ty quản lý và khai thác mạng viễn thông của bưu điện các tỉnh, thành phố.
Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC) và công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) sẽ là công ty 100% vốn nhà nước và hoạt động độc lập. Hai công ty này cũng đồng thời đảm nhiệm chức năng là tờ báo điện tử theo giấy phép của Bộ Văn hoá thông tin.
Chúng tôi cũng sẽ thực hiện cổ phần hoá nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn, trong đó, có hai doanh nghiệp về thông tin di động là mạng MobiFone và VinaPhone. Hai doanh nghiệp này khi CPH, Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ trên 50% vốn. Trong tập đoàn, cũng sẽ có các đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động độc lập như: Học viện Bưu chính viễn thông, thể hiện sự gắn kết giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu đào tạo...
Đặc trưng thứ ba là áp dụng theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước và căn cứ vào Nghị định 153 của Chính phủ về việc quản lý tổng công ty nhà nước, chúng tôi sẽ xây dựng bộ máy quản lý của tập đoàn và các đơn vị thành viên với đặc thù riêng. Tập đoàn BCVT sẽ có Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc nhưng bốn Tổng công ty là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và ba Tổng công ty Viễn thông I, II, III sẽ không có Hội đồng quản trị, nhằm thực hiện gọn nhẹ bộ máy. Mặt khác, Tổng giám đốc của bốn tổng công ty này có thể tham gia vào Hội đồng quản trị của tập đoàn.
Thứ tư, chúng tôi sẽ cố gắng tách biệt hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh. Vì vậy, trước đây, Cục Bưu điện Trung ương trực thuộc tổng công ty thì nay sẽ chuyển về trực thuộc Bộ BCVT.
- Thưa thứ trưởng, việc triển khai xây dựng Tập đoàn kinh tế BCVT liệu sẽ gặp những khó khăn gì?
- Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước nên trước hết, chúng tôi cần tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản điều chỉnh, hướng dẫn hình thành tập đoàn. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất những cơ chế mới, phù hợp với mô hình tập đoàn.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải khẩn trương xây dựng các điều lệ hoạt động của tập đoàn, của tổng công ty...ngay trong năm 2005. Vì thế, thời gian thực hiện rất gấp, Bộ BCVT sẽ chỉ đạo để VNPT thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu sắp xếp lại tổ chức, VNPT vẫn cần phải đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, vận hành mạng lưới không bị gián đoạn. Ngoài ra, việc triển khai cổ phần hoá các đơn vị thành viên theo lộ trình hình thành tập đoàn cũng là công việc mất nhiều thời gian do thủ tục phức tạp...
- Xin cám ơn ông!
Đinh Hằng (thực hiện)