Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN lần thứ 5.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị TELMIN 5 |
Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị Bộ trưởng, các vị khách quý, các quý vị đại biểu đã tới dự Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT các nước ASEAN lần thứ 5 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội của chúng tôi.
Thưa các quý vị đại biểu,
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin truyền thông (ICT) đã mang lại những thay đổi lo lớn trong đời sống kinh tế xã hội của nhân loại. Công nghệ hiện đại, sự hội tụ của các phương thức sống và làm việc của toàn thế giới mở ra viễn cảnh tươi sáng của một hình thái xã hội mới - xã hội thông tin. Có thể nói, CNTT là cơ hội để các nước đang phát triển tận dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và nỗ lực thu hẹp khoảng cách đối với các nước phát triển.
Trong khu vực ASEAN, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và Cộng đồng An ninh ASEAN, lĩnh vực viễn thông và CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng. Điều này đã được khẳng định tại Kế hoạch Hành động Viêng Chăn (VAP) được Nguyên thủ các nước ASEAN thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2004 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Ở phạm vi toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội thông tin (WSIS) sẽ được tổ chức tại Tunis vào tháng 11/2005 sắp tới đây cũng sẽ tập trung thảo luận các nội dung nhằm đẩy nhanh phát triển viễn thông và CNTT, tạo nền tảng cho việc xây dựng một Xã hội thông tin cho mọi người dân trên thế giới.
Thưa các quý vị đại biểu,
Ở Việt Nam, phát triển CNTT và truyền thông được coi là một trong những quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển và đồng thời là một trong những nhân tố then chốt để phấn đấu thực hiện xóa đói giảm nghèo. Chính phủ Việt Nam xác định" CNTT&TT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Ứng dụng và phát triển CNTT&TT góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Chính phủ Việt Nam ưu tiên dành nhiều nguồn lực, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong việc đầu tư thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng và dịch vụ mạng trên cả nước. Ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông là nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển, là phương tiện chủ lực để đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện môi trường chính sách và hành lang pháp lý, Chính phủ Việt Nam chủ trương đẩy mạnh việc đổi mới mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là đối với doanh nghiệp chủ đạo. Đồng thời, căn cứ theo tính chất từng loại hình dịch vụ, Chính phủ cũng đang chỉ đạo chuẩn bị để tiến hành khẩn trương cổ phần hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước, tích cực chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh việc mở cửa thị trường, cho phép một số nhà khai thác mới tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ viễn thông và CNTT. Đến nay, Việt Nam đã hoàn toàn xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong mọi loại hình dịch vụ BCVT và CNTT. Đồng thời, để đảm bảo việc cung cấp các loại hình dịch vụ tại các vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo, Chính phủ Việt Nam có chính sách sử dung nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông để hỗ trợ cho các nhà khai thác cung cấp dịch vụ công ích tại các khu vực này.
Với chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp, chúng tôi dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng gấp đôi các chỉ số phát triển về viễn thông và CNTT vào năm 2010 và đạt mức trung bình của các nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.
Cũng như nhiều nước thành viên ASEAN, khả năng truy cập các dịch vụ viễn thông và CNTT của người dân các vùng nông thôn và miền núi còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những thách thức lớn đối với chính phủ các nước và Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, xây dựng các sáng kiến, chương trình hợp tác với các nước trong lĩnh vực này, hướng tới mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng trong một nước cũng như giữa các nước thành viên ASEAN.
Thưa các quý vị đại biểu,
Năm nay chúng ta kỷ niệm 10 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (1995). Trong 10 năm qua, chúng ta cũng vui mừng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN cả về lượng và chất. Sau Việt Nam, các nước Lào, Myanmar và Campuchia cũng chính thức gia nhập, tạo thành một ASEAN - 10 như hôm nay, với một thị trường hơn 500 triệu dân.
Phạm vi và quy mô hợp tác của ASEAN đã được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh. ASEAN ngày nay đã là một tổ chức khu vực được đánh giá là năng động và hiệu quả. Trong bối cảnh chung đó, hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành như viễn thông và CNTT đang có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng để tiếp tục phát triển.
Cũng như Việt Nam, tôi được biết Chính phủ các nước thành viên ASEAN rất coi trọng và đề cao vai trò của lĩnh vực viễn thông và CNTT trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là trách nhiệm của các Bộ trưởng phụ trách viễn thông và CNTT, đặc biệt là trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được Nguyên thủ các nước ASEAN đề ra, như tại Hiệp định khung e-ASEAN và gần đây là các định hướng lớn được xác định trong Kế hoạch Hành động Viêng Chăn (VAP).
Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các nước ASEAN còn là các nước đang phát triển, việc phát triển và phổ cập các dịch vụ viễn thông và CNTT còn gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người, tài chính và công nghệ. Chính vì thế, tôi đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của các nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thưa các quý vị đại biểu,
Trong những năm gần đây, các nước ASEAN đã có nhiều sáng kiến hợp tác nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, hướng tới việc hiện thực hóa không gian điện tử trong ASEAN. Chúng ta đã huy động nhiều nguồn lực và đẩy mạnh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, tạo nền tảng quan trọng cho việc triển khai nhiều loại hình dịch vụ và ứng dụng mạng khác nhau.
Như đã được thể hiện ở chủ đề của Hội nghị lần này, tôi đánh giá cao việc các Bộ trưởng đã lựa chọn và xác định mục tiêu phát triển các dịch vụ và ứng dụng mạng làm định hướng cho các hoạt động hợp tác trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, và trong điều kiện còn hạn chế về nguồn lực, tôi hy vọng các Bộ trưởng sẽ thảo luận và đề ra được các chương trình hành động cụ thể, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của ASEAN.
Nhân dịp này, tôi cũng bày tỏ sự đánh giá cao và xin cảm ơn các Bộ trưởng của các nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hà Quốc đã tích cực hợp tác và hỗ trợ các nước ASEAN trong nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác rất thiết thực và hiệu quả. Tôi tin tưởng rằng, trong một tương lai không xa, với tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta sẽ có thể cùng nhau xây dựng một khu vực Châu Á thịnh vượng, hòa bình và phát triển.
Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.