Một vụ án kinh tế liên quan đến một số công ty tư nhân ở Hà Nội cung cấp thiết bị cho 28 bưu điện tỉnh, thành đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ điều tra, khám phá.
Hệ thống camera quan sát hiệu Philips. |
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Lâm Thái (quê Quảng Trị, ngụ tại 10 Tăng Bạt Hổ, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng có hai tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài chức danh giám đốc Công ty TNHH Sao Đỏ, Thái còn trực tiếp điều hành cùng lúc hơn 10 công ty con khác. Do nắm bắt được chủ trương đầu tư trang bị camera, thiết bị viễn thông cho các bưu điện tỉnh thành, Thái đã chỉ đạo các công ty con bán hóa đơn lòng vòng với nhau, tạo đầu vào khống để hợp thức hóa đầu ra nhằm bán hàng hóa cho 28 bưu điện (chủ yếu miền Trung và miền Nam).
Để có được phiếu báo giá cho hợp lý, Thái câu móc với một số cán bộ của Trung tâm kiểm định giá (Bộ Thương mại) làm các phiếu báo giá các mặt hàng tương đương giá bán cho các bưu điện. Điều đáng nói là các bưu điện này đã không kiểm tra, tham khảo giá của Ban vật giá của Tổng công ty Bưu chính viễn thông mà căn cứ vào các phiếu báo giá của Thái và chấp nhận mua với giá cao hơn hàng chục lần so với giá thị trường.
Chẳng hạn một camera hiệu Philips giá thị trường từ 13-18 triệu, nhưng Thái ký hợp đồng nâng lên... 550 triệu đồng. Hay như một bảng quảng cáo trị giá 5 triệu được bán với giá 45 triệu đồng... Từ 2002-2004, tổng giá trị các hợp đồng mua bán giữa Thái và 28 bưu điện lên đến 60 tỉ đồng, trong đó thiệt hại của Nhà nước do kê khai giá khống khoảng 40 tỉ đồng. Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định một số bưu điện tỉnh: Thái Nguyên, Long An, An Giang... đã cấu kết với Thái trong việc nâng giá khống và ăn chia phần trăm trên doanh số bán hàng.
Trong Công văn gốc số 6305/GCTT ngày 22-10-2003 của VNPT, phần nơi nhận ghi cụ thể: "Kính gửi: CÁC BƯU ĐIỆN TỈNH, THÀNH PHỐ: HÀ NỘI, TP.HỒ CHÍ MINH, HẢI PHÒNG, NAM ĐỊNH, HẢI DƯƠNG, NINH BÌNH, PHÚ THỌ, VĨNH PHÚC, HÀ TÂY, HOÀ BÌNH, BẮC NINH. Tuy nhiên, trong "công văn hoả tốc" được một số báo công bố, phần Kính gửi đã được xoá bỏ tên các tỉnh thành được gửi công văn, chỉ còn lại phần đầu "Kính gửi: CÁC BƯU ĐIỆN TỈNH, THÀNH PHỐ" cùng một khoảng trắng bên dưới. Đây có thể là thủ đoạn dán đè, che lẫp chữ khi sao chép, đã được nghi can Nguyễn Lâm Thái sử dụng để mang đi lừa đảo tới 28 tỉnh thành trên cả nước, trong khi phạm vi gửi công văn trong tài liệu gốc chỉ là 11 tỉnh thành.
Theo dòng sự kiện:
Tạm giam 3 GĐ nâng khống giá thiết bị bưu điện
Sẽ kiểm tra tất cả các hợp đồng mua sắm cho SEA Games 22
Công văn VNPT gửi các BĐ tỉnh thành bị làm sai lệch
"Các BĐ tỉnh thành không thể nhầm lẫn như vậy!"
Thứ trưởng BQP và Bộ trưởng BCVT nói gì về Nguyễn Lâm Thái?