(VietNamNet) - Trong một thời gian ngắn, thị trường game online bủng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp, nhiều game mới đua nhau ra đời, các hình thức dịch vụ ăn theo nở rộ... Nay đột nhiên thị trường game online yên ắng hẳn, ngay cả trên mặt báo. Phải chăng kinh doanh game online tại Việt Nam đã đến thời "bão hòa"?
Để giải đáp thắc mắc, VietNamNet đã trò chuyện với đại diện của hai đơn vị phát hành game online lớn hiện nay: Ông Trần Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm VTC Game và ông Nguyễn Vĩnh Cường, Trưởng phòng Game online thuộc Công ty Quang Minh DEC.
Game online đang "ế ẩm"!
Đến bây giờ, sau một thời gian gắn bó với game online, các ông cảm nhận “mùi vị” của hoạt động kinh doanh này thế nào? So với thời điểm cách đây một, hai năm, có phải kinh doanh game ở Việt Nam không “ngon ăn” như nhiều người lầm tưởng?
- Ông Hoàng Minh: Kinh doanh game online đúng là không "ngon ăn" như nhiều người vẫn nghĩ. Để có thể phát triển một game online cần sự cố gắng của rất nhiều người, rất nhiều bộ phận khác nhau: phần mềm, mạng, kinh doanh, PR...
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu cũng là điều đáng quan tâm, vì nếu cơ sở hạ tầng không tốt sẽ kéo theo chất lượng dịch vụ không được đảm bảo, như vậy sẽ không thu hút được người chơi. Ngoài ra còn một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp phát hành game đó là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường game Việt Nam. Hiện tại các các doanh nghiệp liên tục phát hành các trò chơi mới, trong khi số lượng người chơi thì có hạn.
- Ông Vĩnh Cường: Thời điểm một năm trước đây thì dễ dàng hơn vì khi đó, thị trường game online tại Việt Nam có sự cạnh tranh chưa khốc liệt như hiện nay. Nhưng như vậy không có nghĩa game online dễ kiếm lời hơn các ngành kinh doanh khác.
Thực tế trên thị trường game online hiện nay có khá nhiều game đang hoạt động “phập phù”, chỉ có vài ngàn người chơi thường xuyên hoặc không được như kỳ vọng: Khan online, Risk your life II - Con đường đế vương, MU online, Cao bồi không gian, PTV - Giành lại miền đất hứa… Theo các ông, nguyên nhân do đâu? Các ông có nghĩ thị trường game online tại Việt Nam đang vào hồi thoái trào và “chiếc bánh thị phần” đang thu hẹp lại?
- Ông Hoàng Minh: "Thoái trào" thì không phải, nhưng đúng là miếng bánh thị trường ngày càng thu hẹp do có quá nhiều game mới ra đời. Tuy nhiên, thị trường game online ở Việt Nam mới chỉ gọi là bắt đầu phát triển thì đúng hơn, còn rất nhiều cơ hội ở phía trước cho những doanh nghiệp phát hành game tại Việt Nam.
Việc số lượng người chơi ít đi còn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do nhà cung cấp chưa làm tốt công tác PR, cũng có thể do dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp chưa tốt. Hơn nữa doanh nghiệp chưa biết tạo ra sự hấp dẫn cho game bằng cách tổ chức các sự kiện trong và ngoài game.
- Ông Vĩnh Cường: Thị trường Việt Nam có khoảng 2 triệu game thủ và trong số đó chỉ có khoảng 40% người chơi game sẵn sàng trả tiền. Có thể nói, hiện tại game online đang gặp phải tình trạng cung vượt quá cầu, nhưng chỉ là giai đoạn ngắn thôi. Vì với đặc thù dân số có đến xấp xỉ 40% người dưới 29 tuổi, 14 triệu người dùng Internet (18% tổng dân số) và mức tăng trưởng công nghệ đang phát triển rất mạnh, chắc chắn thị trường dành cho game online còn rất tiềm năng. Sự “ế ẩm” hiện tại chỉ mang tính chất thời điểm.
Có người nói VTC đã thất bại khi đầu tư vào Cao bồi không gian? Theo nghiên cứu của VTC Game thì Cao bồi không gian đang ở vị trí nào trong thị trường game online VN hiện nay?
- Ông Hoàng Minh: Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng đã thất bại khi đầu tư vào Cao bồi không gian, vì trên thế giới, Cao bồi không gian đang đứng ở top 16 của những game được yêu thích nhất. Tuy nhiên ở Việt Nam, Cao bồi không gian quả thật đến thời điểm này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Chúng tôi đang có kế hoạch triển khải một số tính năng mới của game cũng như chú trọng hơn trong việc hỗ trợ khách hàng như việc vừa qua đã "mở cửa" hệ thống chăm sóc game thủ trực tiếp. Theo thông kê mới nhất thì hiện tại Cao bồi không gian đang đứng ở vị trí thứ 6 trong thị trường game Việt Nam.
Còn với Risk your life II, game này cũng được cho là đang dần...mất hút tại thị trường Việt Nam. Quang Minh DEC nghĩ sao về điều này?
- Ông Vĩnh Cường: Với RYL II, VASC và Quang Minh DEC đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Chưa có doanh thu, chưa có lãi không có nghĩa là thất bại, RYL II có thể coi là màn chào hỏi “rụt rè” của Quang Minh DEC với thị trường game online Việt Nam. DEC khẳng định sẽ tiếp tục phát triển RYL II - Con đường đế vương và phục vụ game thủ Việt Nam bằng các sản phẩm game chất lượng cao mới.
Game online đang được chấp nhận...
Thực tế hiện nay, Võ lâm truyền kỳ là game online hiếm hoi có sự thành công. Theo các ông, sự thành công này là do đâu? Liệu trong thời gian tới game online có dáng dấp kiểu Võ lâm có tiếp tục “thống lĩnh” về số lượng người chơi trên thị trường, nhất là khi một số doanh nghiệp đang có xu hướng nhìn vào Võ lâm truyền kỳ để "nhập khẩu game"?
- Ông Hoàng Minh: Như tôi đã nói ở trên, tất cả các game online đều có quá trình ra đời, phát triển rồi chấm dứt. Thường thì tuổi thọ của mỗi game online là từ 2 đến 3 năm, sau đó sẽ chấm dứt. Hơn nữa thể loại game bạo lực đã dần không còn phù hợp với thị hiếu của người chơi game tại Việt Nam.
- Ông Vĩnh Cường: VinaGame có các chiến lược phát triển khéo léo, nội dung game phù hợp với văn hoá người Việt và quan trọng nhất, Võ lâm truyền kỳ được sự “bảo hộ” quá lớn từ tên tuổi của nhà văn Kim Dung - nhà văn có số lượng độc giả lớn nhất thế giới. Trong tương lai, các game có nội dung võ hiệp cổ trang sẽ vẫn rất ăn khách. Tuy nhiên, nó phải có các tính năng đỉnh cao và được tích hợp nhiều yếu tố công nghệ… Đó là vì game thủ Việt Nam bây giờ đã “tỉnh táo” hơn thời điểm cách đây 2 năm rất nhiều.
Trong xu hướng chơi game hiện nay, các ông có nhìn nhận, đánh giá thế nào về người chơi game tại Việt Nam? Xu hướng chơi game của game thủ Việt hiện nay là gì?
- Ông Hoàng Minh: Gamer Việt Nam tiếp cận đến game online rất nhanh, chỉ cần một thời gian ngắn là họ có thể chơi thành thục một game online nào đó. Hơn nữa họ chơi game rất giỏi, trong thời gian gần đây có rất nhiều game thủ Việt Nam đã đoạt những giải rất cao tại các giải thi đấu quốc tế lớn.
- Ông Vĩnh Cường: Game thủ Việt Nam thích thể loại Fantasy, nhập vai một cách “hết mình”. Các môn chơi mang tính tập thể thường khó phát triển (RYL II là một trường hợp) vì game thủ thích khẳng định cái tôi và đi đến thành công trong thế giới ảo một cách đơn độc. Các trò chơi mang tính đối kháng cao sẽ được nhiều người yêu thích.
Có những tín hiệu nào để lạc quan về tình hình kinh doanh game online và sự phát triển của loại hình giải trí này tại Việt Nam?
- Ông Hoàng Minh: Thứ nhất, game online tại Việt Nam đã dần được mọi người chấp nhận như là trò chơi giải trí bổ ích. Những game thủ có thành tích về game online đã được tôn vinh xứng đáng. Nhiều phụ huynh đã có cái nhìn tích cực hơn đối với game online, không còn quá khắt khe cấm con cái mình không được chơi game như trước.
Thứ hai, ngày 1/6 vừa qua Thông tư liên bộ về quản lý trò chơi trực tuyến đã ra đời. Đây cũng là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của thị trường game Việt Nam. Khi có Thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp phát hành trò chơi sẽ chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.
- Ông Vĩnh Cường: Số lượng game thủ không ngừng tăng lên, các ánh mắt thiếu thiện cảm về game online cũng chỉ còn “lác đác". Tốc độ tăng trưởng Internet băng thông rộng rất cao. Game thủ ý thức hơn, sành sỏi hơn. Các nhà phát hành chuyên nghiệp hơn, sản phẩm game chất lượng hơn…Đó là những yếu tốt để game online tại Việt Nam vượt qua giai đoạn "chập chững".
Là nhà phát hành game, VTC Game và Quang Minh có những "chiêu" gì để thu hút người chơi, nâng cao tính cạnh tranh?
- Ông Hoàng Minh: Chúng tôi tập trung hỗ trợ khách hàng một cách tối đa, cụ thể là: giải đáp trực tuyến qua YM, diễn đàn, thư điện tử, những trang thông tin điện tử... Ngoài ra, chúng tôi vừa mới triển khải dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng tổng đài tự động. Bên cạnh đó chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức nhiều sự kiện trong và ngoài game để thu hút thêm người chơi.
- Ông Vĩnh Cường: Cải tiến dịch vụ, nâng cao nghiệp vụ của nhân viên, chọn và phát triển các sản phẩm phù hợp là cách chúng tôi hướng đến.
Những quy định pháp lý về game online đã có, cụ thể là Thông tư quản lý trò chơi trực tuyến đã được Bộ VH-TT, Bộ BC-VT và Bộ Công an phối hợp ban hành cách đây chưa lâu. Sau một thời gian văn bản quản lý có hiệu lực, các ông đánh giá thế nào về tình hình triển khai văn bản pháp lý này dưới góc độ là nhà kinh doanh trò chơi trực tuyến?
- Ông Hoàng Minh: Nhìn chung Thông tư quản lý trò chơi trực tuyến không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thông tư không hề có điều khoản nào liên quan đến việc quản lý tài sản ảo trong game.
Những tài sản ảo trong game được các game thủ mua bán bằng tiền thật, nếu như không có các điều khoản liên quan đến quản lý tài sản ảo trong game thì doanh nghiệp sẽ bị lúng túng trong việc giải quyết tranh chấp. Hơn nữa việc quản lý thời gian tỏ ra không hiệu quả bởi vì những game thủ có thế dễ dàng tạo nhiều tài khoản để chơi thay vị một tài khoản để bị giới hạn về mặt thời gian.
- Ông Vĩnh Cường: Xin phép tôi không có ý kiến về vấn đề này.
Cảm ơn các ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
-
Bùi Dũng (thực hiện)
Quan điểm của bạn: