,
221
4681
ĐH đẳng cấp qtế cho VN
dhqt
/dhqt/
714453
ĐH đẳng cấp quốc tế: Phải cấp tập từ hôm nay
1
Article
null
,

ĐH đẳng cấp quốc tế: Phải cấp tập từ hôm nay

Cập nhật lúc 13:59, Thứ Ba, 04/10/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Không phải hôm nay bắt đầu xây ĐH đẳng cấp quốc tế là mai ta có trường. Nhưng dù là chuyện của 15, 20 năm nữa, thì vẫn phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Phải làm nhanh, cấp tập nhưng thật đàng hoàng. Trao đổi với ông Trần Xuân Giá, trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu bức thiết, và những nỗ lực của Chính phủ để VN sớm có một ĐH đẳng cấp cao.

Soạn: AM 572044 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Toàn cảnh MIT - trường ĐH hàng đầu thế giới đang sẵn sàng giúp Việt Nam.

ĐH chất lượng cao - nơi đào tạo những "nhân vật xuất chúng"

- Sau chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải (6.2005), dư luận nhắc nhiều đến việc thành lập một đại học (ĐH) đẳng cấp quốc tế (ĐCQT). Theo ông, nhu cầu này đã thật sự cấp thiết chưa?

- Tôi cho rằng đã rất cấp bách. Lâu nay trong chúng ta vẫn tồn tại một quan niệm không đúng, rằng đã có bằng ĐH thì tốt nghiệp trường nào cũng có trình độ giống nhau. ĐH có đa trình độ, phục vụ những đòi hỏi khác nhau của xã hội. Trước đây ở Liên Xô và các nước XHCN cũng vậy, chứ không phải bây giờ, khi quan sát hàng nghìn trường ĐH ở Mỹ, Anh, Pháp... mới phát hiện ra điều đó.

Tuy vậy, tất cả các trường dù ở trình độ nào thì muốn tồn tại cũng phải tự nâng cấp, phát triển. Vì thế, nhất định phải có trường đầu tàu để dẫn dắt cả hệ thống. Những trường này giống kiểu mẫu, giống "chuẩn" để cả hệ thống noi theo. Ngoài ra, trường còn là nơi đào tạo ra những "nhân vật xuất chúng". Trên khắp thế giới, phần lớn những người nắm vị trí trọng yếu trong khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa... đều được đào tạo từ "lò" là các trường ĐH danh tiếng. Ở ta thì chưa có trường nào như vậy.

- Được biết, ông là người góp công sức rất lớn để các ĐH nước ngoài có thể mở chi nhánh tại Việt Nam?

- Tôi chưa phải là người có công trong việc thúc đẩy để tạo nên môt trường ĐH có tầm cỡ của nước ngoài tại VN. Nhưng  tôi có nhiều quan tâm, trăn trở về vấn đề này. Mình tự so với mình thì luôn thấy bằng lòng, luôn thấy có tiến bộ. Nhưng bước vào thời hội nhập thì không thể chỉ tự so với mình nữa. Trên thế giới có nhiều mô hình trường ĐH, cần xem xét để tìm ra mô hình thành công và phù hợp nhất với Việt Nam. Chính vì vậy, tôi là người ủng hộ mạnh mẽ, và đã vận động để cuối cùng ký giấy phép cho RMIT thành lập trường ở nước ta.

Đào tạo - nghiên cứu khoa học - ứng dụng đời sống

Soạn: AM 572028 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Trần Xuân Giá

- Theo ông, muốn một trường ĐH thành công thì cần những yếu tố gì?

- Trong trường có 3 yếu tố: người thầy tốt, cơ sở vật chất tốt, người học tốt, và cần 1 cơ chế quản lý để nối kết ba yếu tố đó. Nhất thiết phải có một sự kết nối rất quan trọng nữa giữa ba bộ phận: Đào tạo - nghiên cứu khoa học - đời sống kinh tế, xã hội. Một biện pháp tốt là gắn kết các trường ĐH với các cơ sở nghiên cứu khoa học và các DN để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào giáo dục, đào tạo và vào sản xuất, kinh doanh.

Ba mảng này tương tác lẫn nhau, tác động qua lại. Nếu người thầy chỉ giảng dạy mà không nghiên cứu khoa học thì không thể dạy tốt. Còn cuộc sống là "người thầy" đặt ra đối tượng cho đào tạo, đặt ra yêu cầu cho nghiên cứu. Kinh nghiệm cho thấy những trường ĐH đẳng cấp cao trên thế giới đều có sự kết hợp tốt giữa các bộ phận này.

Ở ta, chỉ có 1 - 2% nguồn thu của các trường ĐH là do các hoạt động khoa học mang lại. Như thế quá ít, nghĩa là sự gắn kết 3 mảng nói trên chưa tốt.

Dù là chuyện của 15 - 20 năm nữa, phải bắt đầu từ hôm nay

- Ông có thể chia sẻ vài câu chuyện khiến ông đặc biệt lưu ý đến tam giác liên kết đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng không?

- Có 2 câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ.

1, Khi làm Bộ trưởng (ông Trần Xuân Giá nguyên là Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư), tôi thường dành mỗi năm 3 tiếng đồng hồ để giới thiệu về đổi mới kinh tế, xã hội ở VN cho các lớp học của trường Harvard cử sang khảo sát ở nước ta. Họ là những bộ trưởng - thứ trưởng ở những bộ có vẻ rất xa với kinh tế như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Văn hóa... của nhiều nước. Như thế để thấy Harvard "gắn" với cuộc sống đến mức bắt người học tới tận nơi để chứng kiến một đất nước xa lắc như VN đang chuyển đổi thế nào?

Soạn: AM -127828 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sản phẩm của sự hợp tác giữa trường Đại học và Doanh nghiệp

2, Khi có dịp thăm những trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ và của thế giới (Harvard và MIT) cùng đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi càng khẳng định họ thành công vì gắn rất chặt đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng.
Tuần trước, Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ với các cán bộ khoa học và công nghệ. Trong số 19 người phát biểu, tuy có những người làm trong trường ĐH, có đề cập đến sự gắn kết này, nhưng dường như họ chưa thấy hết mức độ bức bách.

- Nhiều ý kiến cho rằng trong 15 - 20 năm tới ta chưa thể có trường đẳng cấp, nên không cần phải vội?

- Câu chuyện ĐHĐCQT là chuyện dài ngày, không thể nói hôm nay là trường xuất hiện ngày mai. Nhưng dù là chuyện của 15, 20 năm nữa, thì vẫn phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Vì nếu không bắt đầu từ hôm nay thì 15, 20 năm nữa cũng không thể có trường. Không thể nóng vội, nhưng không thể chần chừ, được chăng hay chớ. Ta đã tụt hậu quá xa rồi. Phải bắt đầu thật cấp tập.

Dù có nhà đầu tư, vẫn chưa biết bỏ tiền "ô" nào

- Vậy, Chính phủ đang làm gì cụ thể cho dự án trường ĐH như thế?

- Chúng tôi đang góp sức chuẩn bị Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục ĐH, cũng đang suy nghĩ rất nhiều để có được trường ĐHĐCQT. Kiến nghị thì nhiều, nhưng tôi nghĩ trước hết cần hình thành ngay một nhóm người để xây dựng một đề án tốt cả mục tiêu, nội dung, và cả lộ trình để đạt tới đích đó.

Bước tiếp theo là thành lập một tổ công tác liên hợp Việt - Mỹ để xây dựng đề án. Ở ta có quá nhiều trường ĐH đã được thành lập, nhưng mỗi trường một kiểu, tầm nhìn chưa xa. Người bảo nên nâng cấp một trường có sẵn thành trường ĐHĐCQT, người lại muốn xây trường từ một "bãi đất hoang". Rồi đặt trường ở đâu, Hà Nội hay TPHCM. Tất cả các ý kiến đều rất hay, rất tâm huyết, nhưng bây giờ chưa nên bàn những vấn đề cụ thể đó. Hãy bắt đầu bằng việc tìm ra một hình hài thật sự có tầm cỡ và thâu tóm được những kinh nghiệm của nhiều nước. Rồi nguồn lực ở đâu, cả phần cứng và phần mềm? Trí tuệ còn quan trọng hơn tiền vốn. Nhiều người đang đi tập hợp 20, 30 nhà đầu tư để đóng góp vốn xây dựng trường ĐH. Điều đó rất quan trọng, nhưng khi chưa có "ô” để bỏ thì dù có nhà đầu tư cũng chưa biết "bỏ vào đâu".

Muốn "đi tắt đón đầu" thì hãy nhờ "ngoại" giúp

Soạn: AM 501311 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Mong đại học Viêt Nam sẽ có trường ngang tầm Quốc tế

- Ông ủng hộ ý tưởng Mỹ sẽ giúp ta xây trường?

- Phải nói cho đúng là ta yêu cầu Mỹ giúp. Đứng về khoa học, công nghệ thì Mỹ là số 1. Muốn "đi tắt đón đầu" thì hãy nhờ đến sự giúp đỡ của họ. Chúng ta cũng đã biết trước là Mỹ có thể sẽ không giúp về tiền, chứ không phải "ngỡ ngàng" gì. Nhiều người nghĩ nước Mỹ đã giúp thì phải giúp tiền, nhưng theo tôi, mình cần nhất ở họ trí tuệ, sự tư vấn, là những lời khuyên, những kinh nghiệm.

Nhưng cho dù ai giúp, thì người VN phải làm chủ được về mặt trí tuệ. Trong kinh tế, nếu ta tiếp thu công nghệ mà không hiểu biết, không nắm bắt được thì không thể sử dụng có hiệu quả. Trong giáo dục đào tạo cũng vậy.

- Nếu mình đã đề nghị và họ đã hứa sẽ giúp, thì việc thành lập trường sẽ thuận lợi chứ?

- Đã có chủ trương xây dựng trường từ phía Chính phủ. Có thể thấy sự cam kết qua phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, kể cả trong hoạt động đối ngoại khi công bố với thế giới. Ta cũng đã có chút ít kinh nghiệm khi cho phép các trường nước ngoài được có chi nhánh tại Việt Nam.

Bây giờ, việc cần nhất là bắt tay vào những hành động cụ thể, để từng bước vững chắc, cho trường đại học đẳng cấp quốc tế ra đời càng sớm càng tốt.

Không nhất thiết phải xây trường từ "bãi đất hoang"

Phía Mỹ đã đề nghị: trường phải có tính độc lập, tự trị cao. Riêng tôi cũng đồng tình. Tôi nghĩ chúng ta cần tạo ra một không gian rộng để trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động, về sản phẩm làm ra, về nghiên cứu cũng như giảng dạy. Đó còn là làm chủ về nhân sự, chọn người tài theo tiêu chuẩn riêng, kể cả chọn sinh viên cho đầu vào.

Riêng chuyện làm chủ tài chính thì tôi nghĩ đó là sự làm chủ tương đối. Cần có những ràng buộc nhất định về học phí để bảo vệ cho người học, vì giáo dục nói chung phải là hoạt động phi vụ lợi.

- Ông ủng hộ xây mới ĐHĐCQT, và chỉ tập trung vào một trường chứ không rải đều trên các vùng, miền?

- Xây một trường mới không nhất thiết là "trên bãi đất hoang". Cho dù dùng một nền có sẵn của một trường nào đó đã có ở Việt Nam thì cũng phải để tạo nên một trường mới, chứ không chỉ là nâng cấp. Cũng không thể có chuyện xây ba trung tâm ở ba miền, sức ta không thể làm nổi. Ý muốn thì vô cùng, nhưng phải căn cứ vào lực. Nếu lực bên trong yếu thì không thể tiếp thu tốt nguồn lực từ bên ngoài, cả lực lượng vật chất và chất xám; khi nói về nguồn lực bên trong và bên ngoài thì không thể dùng phép cộng đơn giản 1+1 = 2...

Ở thời điểm này, chưa thể nói trước được điều gì, vì rất khó, phải làm nhanh, cấp tập nhưng phải đàng hoàng.

10 anh lớp 1 không thể bằng 1 anh lớp 10

- Như ông nói thì việc việc xây trường cấp tập không đơn giản. Vậy cái khó nằm ở đâu?

- Có 2 cái khó cụ thể.

Thứ nhất là câu chuyện về phần mềm, về người chỉ huy. 10 anh lớp 1 không thể bằng được 1 anh lớp 10. Phải có người đứng đầu. Trí tuệ trong chúng ta có thể nhiều, nhưng ai có thể đứng ra tập hợp trí tuệ? Người đó phải hiểu biết về đào tạo, phải có kinh nghiệm quản lý nhà nước, phải biết hoạt động đối ngoại. Người đó phải giới thiệu được với Chính phủ là nguồn lực ở đâu? Vì vốn trong nước ta chắc không thể đủ, bắt buộc phải đi vay. Chính phủ cũng đã đồng ý sẽ vay tiền, nhưng vay tiền để đầu tư cho giáo dục thì khác hẳn vay tiền làm nhà máy điện. Với nhà máy điện, ta có thể thu tiền điện của dân để trả, thế mà khi đi vay họ đã nói thẳng "cước điện thu thấp như thế thì không thể đủ trả". Còn với giáo dục, khoản thu được đối với đất nước là vô cùng lớn, nhưng lại không thể cân - đo - đong - đếm ngay lập tức được. Do đó thuyết phục người cho phép vay đã không dễ, mà thuyết phục người cho vay còn khó hơn nhiều.

Việc khó thứ 2 hiện nay là tư duy. Nói thì nhiều thế, nhưng ý kiến chủ đạo là gì? Quan điểm cũng rất khác nhau, "vượt qua chính mình" là một điều rất khó.

Cũng mừng vì ta đã đi được một chặng đường dài trong thay đổi tư duy trên rất nhiều lĩnh vực quan trọng. Đối với giáo dục, nay cũng là thời điểm rất thích hợp để bắt đầu.

- Nếu Chính phủ giao nhiệm vụ "đứng đầu" cho ông, ông có nhận không?

- Tôi sẵn sàng tham gia với tư cách một thành viên. Còn để làm người đứng đầu thì tôi không thể nhận, vì nhiều lẽ, mà một trong số đó là ... tôi chưa hội đủ tiêu chuẩn của người đứng đầu nhóm này. Hơn nữa, tôi đã quá bận với công việc của một trưởng ban (Ông Trần Xuân Giá là trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ). Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể thúc đẩy cho việc thành lập nhóm, nhưng sau đó thì... Tự tôi thấy mình chỉ nên cố gắng làm tốt một việc thôi. Hiện nay đang có tình trạng ai cũng nói "phải làm" mà không ai thật sự bắt tay làm. Như thế, không thể có thành quả được.

- Xin cảm ơn ông. Và mong sao trong năm tới, chúng ta sẽ thấy những "hình hài" đầu tiên của ĐHĐCQT.

  • Khánh Linh (thực hiện)

Bạn có đồng tình với ông Trần Xuân Giá không?

 

,
,