Đối thoại với đề cương 'Xây dựng ĐH hàng đầu tại VN'
(VietNamNet) - Bản đề cương "Xây dựng ĐH hàng đầu tại VN" của Ông Thomas Vallely - Giám đốc chương trình Việt Nam tại ĐH Havard - là câu trả lời đầy nhiệt huyết cho đề nghị của Thủ tướng Phan Văn Khải "nhờ" một số trường ĐH hàng đầu của Mỹ giúp Việt Nam xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế.
Xem toàn bộ nội dung Đề cương thảo luận: Xây dựng trường ĐH hàng đầu tại VN để đóng góp ý kiến tại đây
Theo ông Vallely, cách tốt nhất để ĐH Việt Nam nhanh chóng vươn tầm thế giới là thông qua sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và một nhóm những trường đại học hàng đầu của nước Mỹ.
Rất thẳng thắn như bản tính vốn có, ông Vallely phân tích nền giáo dục Việt Nam trong phần 1 của đề cương: "Cơ chế quản lý tập trung và có phần xơ cứng, phần lớn bị áp đặt từ trên khiến các trường không thể, hay không còn động cơ nâng cấp và phát triển. Lương thấp và việc đề bạt giảng viên không căn cứ vào năng lực và tài năng khiến những người đang giảng dạy không hào hứng, và ngăn cản những nhà khoa học của VN được đào tạo từ nước ngoài trở về cống hiến cho các trường ĐH nói riêng, và cho đất nước nói chung".
Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á (trừ Myanmar) thiếu vắng dù chỉ 1 trường ĐH được quốc tế công nhận. Trong tất cả các bảng xếp hạng ĐH hàng đầu của châu Á Thái Bình Dương, không có "mặt" bất cứ trường nào của Việt Nam. Chúng ta buồn vì điều này, nhưng có lẽ... "thuốc đắng giã tật". Cũng do điều kiện lịch sử khi phần lớn thế kỷ 20 Việt Nam chịu ách thống trị của chế độ thực dân không chú trọng giáo dục. Nhưng, cũng cần nhìn thẳng vào thực trạng kém cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng viên của ĐH Việt Nam hiện tại, bởi khi chưa biết bệnh thì không thể chữa khỏi. Trong khi "hơn 50% tăng trưởng thu nhập của nước Mỹ trong thế kỷ trước là do những đóng góp của các phát minh, sáng chế ra đời từ các phòng thí nghiệm, từ giảng đường, và từ các thư viện của các trường đại học Mỹ" thì ĐH VN gần như mới chỉ giữ, và chưa làm tròn, vai trò đào tạo.
Để xây dựng một nền giáo dục ưu tú, cơ chế quản lý được xem như nền tảng, như ô-xy đối với sự sống. Phần hai của đề cương, vì thế, đề cập đến những nguyên lý cơ bản của cơ chế hiệu quả, được chắt lọc từ kinh nghiệm của các trường đại học ưu tú của tại Mỹ. Đó là Tính độc lập, Không gian học thuật (cho phép những phân tích có tính phê phán để giúp soi sáng vấn đề), Chế độ trọng dụng nhân tài (Thăng tiến chỉ phụ thuộc vào tài năng), Ổn định về tài chính (Sự huy động tài chính từ bên ngoài sẽ giúp kết nối trường ĐH với những cơ quan tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp), Trách nhiệm giải trình (Hội đồng quản trị sẽ có tầm nhìn dài hạn và thực hiện các chức năng giám sát).
Giáo dục ĐH của Việt Nam đang đứng trước ba lựa chọn để xây dựng ĐH hàng đầu: phục hồi các trường đại học hiện có, hình thành các chi nhánh hay các đơn vị vệ tinh của các trường đại học nước ngoài, và xây các trường đại học mới hoàn toàn. Trong khi cần thực hiện cả 3 chính sách, đề cương vẫn chỉ ra sự ưu việt của việc xây mới một trường ĐH chất lượng cao, bởi trường đầu tàu này không bị vướng những tư duy trì trệ của các ĐH hiện có, còn các trường và cơ sở đào tạo của nước ngoài có thể rất hữu ích nhưng chắc sẽ không thể thực hiện vai trò của một trường đại học nghiên cứu.
Ở thời điểm này, Việt Nam đang có cơ hội lớn để biến mong muốn thành sự thật nhanh hơn, khi một số trường ĐH hàng đầu của Mỹ đang sẵn sàng giúp ta. Trên thực tế, các trường nổi tiếng này thường không dễ dàng trong việc hợp tác, và Singapore là nước Đông Nam Á duy nhất được sự hỗ trợ của họ. Nhưng phần 4 của đề cương cũng chỉ rõ rằng, muốn tranh thủ sự giúp đỡ hiếm hoi này thì Chính phủ Việt Nam cần phải thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về tài chính (với khoản ngân sách là 100 triệu đô-la Mỹ trong vòng từ 5 -10 năm) cũng như về nguyên tắc quản lý mà theo đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò tạo lập chính sách và giám sát hoạt động, chứ không trực tiếp điều hành như hiện nay.
Bằng cách áp dụng một số kinh nghiệm của các ĐH mới "vươn tầm quốc tế", Việt Nam có thể tự tin hơn để đi những bước vững chắc. Như ĐH Thanh Hoa ở Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Cao cấp Hàn Quốc đã sử dụng các chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu nước ngoài hay liên kết với các trường đại học lớn hơn để có thể khắc phục được tính hẹp hòi, cục bộ của các nhóm lợi ích trong nước. Hay như Ông Vallely đề nghị về cách tổ chức theo mô-đun, trong đó mỗi trường đại học của Mỹ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng một nhóm chuyên ngành. Đề nghị này thật sự đáng chú ý.
Những bước đi đầu tiên cũng được đề cương nhắc đến. Đó là đề xuất: Chính phủ Việt Nam nên thành lập một tổ chức đặc biệt với hai đồng chủ tịch bao gồm một học giả lỗi lạc của Mỹ - giàu kinh nghiệm cộng tác với các trường ĐH ở ngoài nước Mỹ - và một nhân vật xuất chúng của Việt Nam - am hiểu về giáo dục nhưng không nên giữ chức danh quản lý trong hệ thống quản lý giáo dục hiện nay. Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể cho một ĐH mới. Đó còn là việc nên chọn hiệu trưởng, hiệu phó ra sao? Thành lập Hội đồng quản trị, nhóm cố vấn đặc biệt gồm những ai?
Với những kinh nghiệm sẵn có trong giáo dục đẳng cấp cao, Ông Vallely cũng hiểu rằng, "Không thể có một trường đại học hàng đầu chỉ trong một sớm một chiều, và vì vậy ngay từ ban đầu cần phải xác định được một thứ tự ưu tiên": quyết định học thuật quan trọng hơn cơ sở vật chất, đầu tư phương tiện nghiên cứu cần thiết ngay từ đầu để thu hút những giáo viên giỏi nhưng chỉ nên bắt đầu bằng đào tạo đại học.
Và, như chính Ông Vallely khẳng định "Với bản đề cương thảo luận này, chúng tôi mong muốn mở ra một cuộc đối thoại; bởi những chính sách cụ thể chỉ thoát thai từ những cuộc thảo luận có cơ sở". VietNamNet mong muốn nhận được nhiều đóng góp tâm huyết cho bản đề cương này.
-
Khánh Linh
Mời bạn đóng góp ý kiến cho đề cương: