'ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ như đầu tàu kéo giáo dục'
Sau khi đăng tải nội dung Đề cương xây dựng ĐH hàng đầu tại Việt Nam, VietNamNet nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận của độc giả. Tất cả đều chung mong muốn, Việt Nam sẽ sớm có một ĐH chất lượng cao.
Khi Việt Nam có ĐH đẳng cấp quốc tế, trình độ giáo dục sẽ tiếp cận nhanh hơn với thế giới. (Trong ảnh: Du học sinh VN tại Mỹ) |
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Đức Nguyên - thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cũng khẳng định:
- Nhu cầu phải có đại học đẳng cấp quốc tế là bức xúc lắm rồi. Tôi còn nghĩ, ĐH của Việt Nam phải thu hút được sinh viên các nước trong khu vực đến học nữa. Việt Nam là một dân tộc rất hiếu học, mọi gia đình đều chăm lo - quan tâm đến sự học của con cái. Đề cương của ông Thomas Vallely dù nói rất ngắn gọn nhưng đã thâu tóm được những điểm yếu chính nhất của Giáo dục Việt Nam, có lẽ cái nhìn của "người ngoài" dễ khách quan hơn.
100 triệu USD không có gì ghê gớm so với những lãng phí của ta!
- Ông Vallely cho rằng, chúng ta đang có - và có khá dồi dào - hai trụ cột của nền giáo dục ĐH, đó là nhân tài và tiền. Ông có đồng ý với nhận định này không?
- Ta có thể tự hào vì đội ngũ tri thức cao của Việt Nam không thiếu, người giỏi có mặt ở khắp nơi. Nhưng dường như, ta thiếu những người giỏi về các ngành Kinh tế, giỏi về Chính trị. Còn về tài chính thì đúng là có thể huy động từ nhiều nguồn, nhà nước sẽ đầu tư. Thật ra, số tiền 100 triệu USD mà ông Vallely đề nghị không có gì ghê gớm so với những lãng phí của ta. Có thể, trường sẽ như một doanh nghiệp cổ phần phi lợi nhuận chăng?
- Bản đề cương có đề cập đến 5 nguyên tắc quản lý cơ bản chắt lọc từ kinh nghiệm của các trường ĐH hàng đầu của Mỹ. Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng những nguyên tắc này cho trường ĐH hàng đầu không?
- Chúng tôi cũng thống nhất đó phải là một trường tự trị. Trước đây, cái gì cũng phải có nhà nước thì mới yên tâm. Còn bây giờ thì đánh giá của xã hội sẽ là thước đo quan trọng nhất. Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư, nên sẽ đặt ra mục tiêu, còn trường tự chủ động về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy...
Về nhân sự thì hiệu trưởng sẽ do "trên" cử ra, còn sau đó thì trường được tự chủ chọn lựa nhân sự. Tôi nghĩ có thể thuyết phục được Chính phủ điều này.
Bộ tài chính cũng đang xây dựng nghị định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các trường đại học.
Nhà nước cũng chỉ như một "khách hàng"
- Trường sẽ được tự chủ động về nội dung chương trình cho tất cả các môn học?
- Phần khoa học tự nhiên và nhân văn thì không đáng ngại. Nhưng những phần về xã hội - kinh tế - chính trị thì ta đang quy định khá chặt chẽ, nên sẽ có nhiều việc phải quyết định. Thật ra hiện nay thầy và trò dạy và học các môn Triết học Mác - Lênin theo cách đối phó. Ở các nước, họ cũng học Mác cùng nhiều học thuyết khác. Đây là điểm cần xem xét, cân nhắc.
Đã gọi là đại học (university) thì phải là đại học tổng hợp, phải có những môn lớn, cơ bản. Có thể ban đầu ta tập trung vào những ngành tự nhiên và nhân văn trước, còn những môn đang có "vướng mắc" thì sẽ làm sau. Khi đã chủ động và có hiệu quả thực tế thì dễ mở rộng hơn.
Phải gắn giảng dạy với nghiên cứu, trong trường phải có viện nghiên cứu riêng, dù có thể kết hợp với các viện sẵn có. Phải đáp ứng nhu cầu của xã hội qua những "đơn đặt hàng", nhà nước cũng chỉ như một "khách hàng". Năm 1991, tôi đã tiếp 1 đoàn giáo sư Mỹ sang Việt Nam vì được Chính phủ Mỹ đặt hàng tìm hiểu xem "Chính sách của Mỹ với Việt Nam nên như thế nào". Họ bảo, còn một nhóm giáo sư của Nhật cũng được đặt hàng giống họ, để Chính phủ Mỹ có thể lựa chọn và so sánh.
- Ông có đồng ý với đề nghị xây mới hoàn toàn trường ĐH hàng đầu, chứ không nâng cấp các trường hiện có không?
- Tôi đồng ý phải làm mới, vì khi trường có sự tự chủ từ đầu thì sẽ khác hẳn với cơ chế hiện hành. Tất nhiên, việc làm mới này không ngăn cản hay hạn chế các trường hiện thời cũng sẽ có thay đổi. Vì trường đẳng cấp quốc tế giống như trường đầu tàu, sẽ tác động kéo hệ thống giáo dục theo.
Nhiều người lo lắng đội ngũ giảng viên hiện nay còn "mỏng", nhưng tôi nghĩ khi đặt họ vào môi trường mới, bộ máy mới thì sẽ có nhiều người phát huy được năng lực. Rồi thu hút những anh em người Việt ở nước ngoài, có những người đã đến tuổi về hưu bên đó nhưng sức lực còn dồi dào lắm.
Chọn được người đứng đầu - không đơn giản!
- Bản đề cương cũng có đề nghị về những bước đi đầu tiên cho việc thành lập trường. Ông có nghĩ đó là lộ trình hợp lý không?
- Đi vào chi tiết, các bước tiến hành thì tôi hoàn toàn tán thành với đề nghị của Thomas Vallely: lập một nhóm nghiên cứu có người của 2 bên Việt Nam và Mỹ. Dựa được vào thiện chí giúp đỡ của họ là quá tốt. Có họ, mình sẽ được cập nhật với những kiến thức mới nhất của thế giới, dễ mời những giáo sư hàng đầu sang dạy cho trường. Rồi, họ sẽ giúp mình đưa người sang đào tạo bên đó nữa.
Điều quan trọng bây giờ là... ai đứng ra làm người đứng đầu? Chúng tôi đang rất cân nhắc lựa chọn. Người này phải là nhà khoa học có uy tín, lại phải có năng lực quản lý, có tiếng nói để tập hợp được mọi người. Phải có người đứng đầu này thì mới bắt đầu được, chúng tôi đang hơi "bí".
Nói cho công bằng, ngoài những tiêu chuẩn đó ra thì người đứng đầu này phải giỏi tiếng Anh, vì không lẽ lúc nào cũng cần phiên dịch? Nhiều những học giả hàng đầu, có uy tín, rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Nga nhưng lại không thật giỏi tiếng Anh. Rồi cũng tiếc vì phần lớn tuổi đã cao.
- Vậy là Ban nghiên cứu Thủ tướng đang cân nhắc chọn người đứng đầu?
- Chúng tôi thống nhất cố gắng phải chọn vài người làm nòng cốt, rồi sẽ kiến nghị để Thủ tướng chấp nhận những người này sẽ tham gia nhóm nghiên cứu. Khi đó, Thủ tướng mới có thể đồng ý với phía Mỹ để 2 bên bàn bạc. Phía Mỹ đã làm thì sẽ không chậm. Cái khó của ta là chọn được người đứng đầu thật sự uy tín, tư duy thoáng nhưng lại được đủ sự tin cậy để có thể quyết định những chuyện hệ trọng.
Với anh đi đầu, cần những ưu tiên lớn hơn
- Nhiều ý kiến cho rằng, trường ĐH hàng đầu này phải có sự "cam kết" thật chặt chẽ của Thủ tướng, có một cơ chế mở riêng biệt, chứ không nên chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT?
- Chính Thủ tướng đã trực tiếp đề nghị phía Mỹ giúp đỡ, như thế hơn rất nhiều những lời cam kết.
Trường phải có cơ chế tự trị với nội dung rất rành mạnh, quy định rõ những gì thì phải để Nhà nước quyết, còn lại trường sẽ tự quyết. Nhà nước sẽ quyết mục tiêu, quyết nhân sự chủ chốt, và có quyền kiểm tra - kiểm soát không hạn chế. Còn về phía quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo thì có những quy định mà trường phải chấp hành.
Sắp tới đây, trong đổi mới giáo dục đại học, ta đã bỏ cơ chế trực thuộc. Bộ GD-ĐT chỉ còn chức năng quản lý nhà nước, ngoài ra Thủ tướng có thể ủy nhiệm cho Bộ trưởng làm nhiệm vụ của người đại diện chủ sở hữu trong một số chức năng đối với trường công lập. Cơ chế mới đã trao quyền tự chủ cho các trường rất nhiều. Đó là sự đổi mới rất lớn về tư duy. Tôi tin, đây là một thời điểm rất thuận lợi, nên trường ĐH hàng đầu sẽ sớm được thành lập thôi.
- Về lâu dài thì đúng là không mâu thuẫn giữa trường ĐH hàng đầu và cơ chế quản lý của Bộ GD-ĐT. Nhưng đề án đổi mới giáo dục mới đang ở giai đoạn khởi đầu, để thay đổi cả hệ thống giáo dục sẽ cần thời gian dài?
- Ban đầu, chúng tôi sẽ kiến nghị để Thủ tướng trực tiếp quyết định với vai trò của chủ sở hữu, của nhà đầu tư. Vì chưa thể có quy định rõ ràng hoàn toàn cho trường nên Thủ tướng phải quyết, còn quản lý nhà nước chung về giáo dục thì Bộ vẫn làm. Với anh đi đầu, đang cần làm thí điểm thì phải có những quy định rộng hơn, những ưu tiên lớn hơn. Nếu ta đã có đầy đủ các quy định, đã biết chắc chắn sẽ thành công thì không phải là thí điểm nữa. Trường này sẽ mở đường, và tạo ra hỗ trợ cực lớn cho các trường khác. Ví dụ: nếu nội dung đào tạo tốt thì các trường có thể theo. Với cái mới thì cần có thời gian để chứng minh.
- Xin cảm ơn ông.
-
Khánh Linh (thực hiện)
Ý kiến của bạn: