ĐH đẳng cấp quốc tế: Cần Hiệu trưởng trẻ tuổi?!
(VietNamNet) - Trong đề cương "Xây dựng trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam" gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Thomas Vallely (Giám đốc chương trình Việt Nam tại ĐH Havard) có đề cập đến 5 nguyên tắc quản lý giáo dục ĐH (Tính độc lập, Không gian học thuật, Chế độ trọng dụng nhân tài, Ổn định về tài chính và Trách nhiệm giải trình) được chắt lọc từ kinh nghiệm của các trường ĐH ưu tú trên nước Mỹ.
Cuộc trò chuyện của VietNamNet với TS Nguyễn Sĩ Dũng về nguyên tắc đầu tiên: Tính độc lập, mở đầu cho loạt bài phân tích từng nguyên tắc và khả năng ứng dụng vào ĐH Việt Nam.
NUS - Đại học "đẳng cấp quốc tế" của Singapore |
Sau những tuyên bố to tát, đừng để "Lối cũ ta về"
- Tính độc lập của trường ĐH là 1 nguyên tắc còn rất mới với Việt Nam, nhưng lại là điều kiện cần đầu tiên cho một trường ĐH lên được đẳng cấp quốc tế. Theo anh, ĐH Việt Nam có thể độc lập được không?
- Nếu các trường ĐH của thế giới có thể độc lập được, thì tại sao của ta lại không? Vấn đề là chúng ta nhận thức và vận hành nguyên tắc nói trên như thế nào? Mà như thế nào thì quả thực là... chưa rõ lắm.
Tính độc lập, tự quản của trường ĐH đã được đề cập trong đề cương đổi mới giáo dục đại học mà Bộ GD - ĐT đang trình lên Thủ tướng. Nghĩa là, chúng ta cũng đã bắt đầu nhận thức được vấn đề. Tuy nhiên, tuyên bố về nguyên tắc độc lập là một chuyện, vận hành nguyên tắc đó trong cuộc sống lại là chuyện khác. Và chuyện khác này mới là quan trọng. Nếu hàng chục năm trời cả xã hội ta quen sống với bao cấp và mệnh lệnh, thì nền giáo dục cũng khó sống theo cách khác. Mọi thói quen kể cả thói quen bao cấp và sống trong bao cấp đều trở thành "bản tính thứ hai". Con người khó có thể chiến thắng bản tính thứ nhất, cũng không dễ chiến thắng "bản tính thứ hai" của mình.
Điều chúng ta cần là những cố gắng liên tục, và tất nhiên, thời gian để hình thành "bản tính thứ hai" mới. Rủi ro nằm ở chỗ, sau những tuyên bố to tát về nguyên tắc độc lập, hoạt động thực tiễn có thể vẫn cứ "lối cũ ta về". Và "bản tính thứ hai" cũ lại vẫn tiếp tục ngự trị.
- Đúng là độc lập cho cả hệ thống giáo dục sẵn có thì rất khó và cần nhiều thời gian, nhưng cho riêng trường đẳng cấp quốc tế sẽ thành lập, chưa bị những "thói quen" tác động thì sao?
- Việc bảo đảm tính độc lập cho một trường được thành lập mới thì có vẻ dễ hơn. Tuy nhiên, như tôi đã có lần nói, rủi ro của việc sắm máy tính mới chỉ để chạy một phần mềm đã cũ là có thật. Vấn đề là trường mới phải có đội ngũ quản trị mới. Tính độc lập của trường mới sẽ dễ xác lập hơn nếu chúng ta chọn được người đứng đầu phù hợp. Người đó sẽ cần tư duy độc lập, chưa bị đè nặng bởi quá khứ, bởi "bản tính thứ hai". Tuy nhiên, một người như vậy vẫn cần có đủ uy tín trong xã hội Việt Nam. Và đây là một sự kết hợp khó khăn.
Ngoài ra, không có sự độc lập tuyệt đối. Cô đơn như một vì tinh tú ở ngoài giải Ngân hà cũng không độc lập tuyệt đối. Phải có những khung khổ rõ ràng để người đứng đầu trường có thể phát huy được quyền chủ động và sáng tạo của mình. Một tuyên bố độc lập chung chung thì sẽ đòi hỏi phải xin "ý kiến tập thể", "ý kiến cấp trên" liên tục.
Hiệu trưởng phải "khoẻ" để chịu những trận "đấm bốc" no đòn!
- Anh đã nói sự độc lập phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu - Hiệu trưởng của trường. Vậy theo anh, cần những tiêu chí gì cho người đó?
- Đó phải là người hiểu biết về thời đại và nền giáo dục hiện đại, nếu được học ở các trường hàng đầu của thế giới về thì rất tốt. Nhưng người này cũng phải hiểu được tình hình thực tế của Việt Nam. Muốn hay không, người Hiệu trưởng vẫn cần giành được sự ủng hộ của lãnh đạo và của xã hội, của báo chí cho sự nghiệp khai sáng của mình. Đây sẽ là thách thức rất lớn trong giai đoạn đầu thành lập trường. Mặc dù, giai đoạn này sẽ qua nhanh, nếu như những lứa sinh viên đầu tiên ra trường có thể làm nên "sự bừng sáng về trí tuệ, về ý chí của dân tộc".
- Có người cho rằng hiệu trưởng nên là một người trẻ để có sức bật. Có người lại nghĩ cần một người đủ uy tín, và những người đủ uy tín thường lớn tuổi? Anh ủng hộ xu hướng nào?
Nên chăng cần có một sự kết hợp ở đây. Hiệu trưởng trường là một người trẻ tuổi. Hội đồng quản trị sẽ có mặt những "cây cao bóng cả", những người đủ uy tín, kể cả những nhà lãnh đạo, các học giả và các doanh nghiệp.
Hiệu trưởng phải là người trẻ để có đủ nhiệt huyết và sức lực cho cả chặng đường dài trước mắt. Tôi nghĩ việc thành lập trường giống như một cuộc cách mạng về giáo dục đại học, mà cách mạng thường là sự nghiệp của những người trẻ tuổi. Những người lớn tuổi thường giàu kinh nghiệm, nhưng làm sao bạn có thể có được kinh nghiệm về một việc mới được đưa ra thử nghiệm lần đầu? Đó là chưa nói tới vấn đề sức khoẻ.
Hiệu trưởng mới sẽ phải lo đủ thứ: hoạch định chiến lược phát triển, thiết lập và giữ quan hệ, tuyển chọn nhân sự, lên chương trình giảng dạy, lo tài chính lẫn tài trợ, lo kết hợp với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế..., cả trăm nghìn việc. Việc xây dựng trường, vì thế, phải là sự nghiệp của đời người. Chúng ta cần chúc cho vị Hiệu trưởng này sức khoẻ và sự may mắn, vì sẽ có những trận "đấm bốc" no đòn trên tất cả các lĩnh vực.
- Khi nhắc đến độc lập trong chương trình giảng dạy, nhiều người sẽ băn khoăn về những môn khoa học xã hội?
- Đúng là với các môn khoa học xã hội, để có tính độc lập thật sự sẽ cần một cuộc đổi mới mạnh mẽ. Nhưng nếu không quyết tâm thay đổi thì lại vẫn "lối cũ ta về". Mà như vậy, trường mới chắc gì đã mới hơn trường cũ.
Hiệu trưởng phải từ chức khi...
- Nên chăng trường sẽ bắt đầu bằng những môn khoa học tự nhiên trước?
- Đó là cách làm hiện thực hơn. Ta nên bắt đầu từ các môn khoa học tự nhiên và kinh tế, khi những lứa học sinh đầu tiên đã ra trường, vị thế của trường được công nhận thì những bước tiếp theo sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, với các môn khoa học xã hội thì việc tuyển giảng viên giỏi mang tầm quốc tế cũng không đơn giản.
Giảng viên của trường đương nhiên phải có sự độc lập, có không gian để tiếp cận với những thành tựu mới nhất... Chỉ như thế, ta mới bắt kịp được với thế giới. Ai cũng biết, một trường đẳng cấp cần có sự tham gia của những giáo sư hàng đầu. Sự kết nối này sẽ có được khi trong trường có giảng viên là những người Việt xuất sắc đã học tập ở nước ngoài, những "học trò cưng" của những giáo sư hàng đầu này.
- Về nhân sự, theo anh hiệu trưởng nên được toàn quyền tuyển chọn đến cấp nào?
- Mọi cấp trừ Hội đồng quản trị. Cả trong hội đồng quản trị cũng nên có một số người do Hiệu trưởng giới thiệu.
- Với rất nhiều việc phải lo, hiệu trưởng cần là một người trẻ tuổi. Nhưng với nhiều "quyền" như thế, chế độ trách nhiệm của hiệu trưởng sẽ phải quy định ra sao?
- Khi hội đồng quản trị chọn ra hiệu trưởng, thì hiệu trưởng sẽ cam kết về những mục tiêu trong thời gian bao lâu, với nguồn lực như thế nào. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng quản trị về các quyết định của mình, và phải từ chức khi không đạt được các mục tiêu đề ra.
- Xin cảm ơn anh.
-
Khánh Linh (thực hiện)
Bạn có đồng ý với những nhận định của TS Nguyễn Sĩ Dũng không? Theo bạn, cần những tiêu chí gì cho hiệu trưởng của trường ĐH mới?