Muốn ĐH chất lượng cao, phải có cơ chế độc lập
(VietNamNet) - Có trùng hợp ngẫu nhiên, khi cùng với đề cương của ông Thomas Vallely, một đề án khác - của nhóm 6 trí thức Việt kiều đang làm việc tại các cơ quan quốc tế hoặc giảng dạy ở các ĐH tại Mỹ, Pháp, Úc và Nhật - đề xuất Chính phủ thành lập ĐH đẳng cấp quốc tế.
Đại học Waseda - Nhật Bản |
Giáo sư Trần Văn Thọ (ĐH Waseda - Nhật Bản) - một trong sáu thành viên của nhóm - đã có cuộc trò chuyện với VietNamNet nhân chuyến về Việt Nam ngắn ngày vừa qua.
- Mục đích chuyến về Việt Nam lần này của anh?
- Tôi vẫn sắp xếp để có thể về Việt Nam thường xuyên, trung bình hai, ba tháng một lần, với những lý do hầu hết liên quan đến giáo dục, nghiên cứu, hội nghị, xuất bản sách, v.v.. Lần này, tôi đưa 15 sinh viên năm thứ 3 của seminar do tôi hướng dẫn ở ĐH Waseda (seminar - cách gọi của các ĐH Nhật Bản - là một lớp học nhỏ, khoảng 10 - 15 người, học tập, sinh hoạt suốt trong một hoặc hai năm với một giáo sư) về giao lưu với sinh viên Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên do trường Waseda khuyến khích và hỗ trợ kinh phí để mỗi giáo sư chọn giao lưu với một nước, tạo điều kiện để sinh viên có thói quen làm việc quốc tế, quen cách diễn đạt vấn đề bằng ngoại ngữ, tạo sự thân thiện giữa hai lớp trẻ.
Chỉ biết về đề án của ông Thomas Vallely khi VietNamNet đăng tải
- Được biết nhóm 6 người các anh có gửi đến Thủ tướng một đề án xây dựng ĐH chất lượng cao tại Việt Nam? Anh có thể cho bạn đọc VietNamNet biết cụ thể?
- Tôi cùng một số anh em ở nước ngoài đã tham gia seminar về cải cách giáo dục của GS Hoàng Tụy từ hai năm truớc. Tháng 7.2005, tại cuộc hội thảo do trí thức Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng dành riêng gần một ngày để bàn về giáo dục. Sau đó, 6 người chúng tôi (ngoài tôi có các anh Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Hà Dương Tường, Hồ Tú Bảo và Trần Nam Bình) đã bàn bạc, thảo luận và hình thành một đề án về việc xây dựng một ĐH chất lượng cao tại Việt Nam. Chúng tôi đã trình Thủ tướng đề án này, rất ngẫu nhiên là cùng một thời điểm với đề án của ông Thomas Vallely (chúng tôi không biết gì về đề án ấy cho đến khi VietNamNet đăng tải).
Chúng tôi đề nghị lập 1 hoặc 2 trường; nếu 2 trường thì ở 2 đầu Hà Nội và TPHCM, có thể lập trước 1 trường rồi sau đó sẽ lập thêm trường thứ 2. Đây phải là trường công, do nhà nước thành lập, sau đó chi phí thường xuyên có thể huy động từ học phí, tiền nghiên cứu, tiền tài trợ...
Đầu tư cho ĐH phải hoàn toàn vô vị lợi
- Nhiều dự án ĐH tư thục đang thành lập cũng hướng đến đẳng cấp cao. Có ý kiến cho rằng, trường tư thục sẽ có lợi thế vì không bị vướng cơ chế. Tại sao các anh lại đề nghị nhà một trường phải do nhà nước thành lập?
- Chúng tôi băn khoăn, vì nhiều ĐH tư thục ở Việt Nam được xây dựng không đúng theo lý tưởng giáo dục. Đầu tư cho ĐH phải là đầu tư vô vị lợi. Nếu là trường tư thì phải do những nhà hảo tâm đóng góp, trường chẳng những không phải trả lãi mà cũng không phải hoàn lại vốn. Ngoài ra, dù là trường tư chính phủ cũng phải hỗ trợ một phần vì tính chất xã hội của giáo dục. Các trường tư có uy tín ở nước ngoài hầu hết là như vậy.
Còn ở ta, có vẻ như người bỏ vốn ra xây trường là nhằm đầu tư cho mình là chính. Nhiều người cho rằng họ chỉ cần lấy lãi bằng mức lãi ở ngân hàng thì có thể được gọi là vô vị lợi rồi. Lợi dụng tình trạng hiện nay là có quá nhiều người muốn có bằng ĐH, mà số trường chưa đáp ứng đủ, nên nhiều người đã xem xây dựng ĐH là một lĩnh vực đầu tư có lợi nhuận cao. Một cán bộ ở Bộ GD - ĐT đã bảo tôi, rằng chỉ cần cấp giấy phép xây dựng ĐH là đã cho người mở trường cả một tài sản lớn rồi . Nghe như vậy tôi thấy buồn. Trong giáo dục mà mưu tìm lợi nhuận thì đào tạo ở mức trung bình cũng khó, làm sao có thể xây dựng một ĐH chất lượng cao. Tóm lại, trong tình hình của Việt Nam hiện nay, nhà nước phải xây dựng mới có ĐH tốt.
- Nghĩa là theo anh, kể cả những người vừa đóng góp vốn vừa tham gia điều hành cũng chỉ nhận lương, còn toàn bộ lợi nhuận sẽ để tái đầu tư cho trường?
- Trước hết, không nên lẫn lộn người đóng góp tại chính với người lãnh đạo trường. Người đóng góp tài chính là những nhà hảo tâm có khả năng tài chính, có thể sẽ là thành viên của Hội đồng quản trị; còn Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Hiệu trưởng là những người có năng lực tổ chức, quản lý, có uy tín khoa học, có quan hệ rộng rãi trong và ngoài nước.
Dĩ nhiên Hiệu trưởng hay Chủ tịch hội đồng quản trị dù có đóng góp tài chính cũng chỉ nên nhận một mức lương tương xứng với công sức, tài năng. Tôi thấy khó tưởng tượng một ĐH vừa dạy tốt, có uy tín vừa có thể tạo ra lợi nhuận. Những ĐH có uy tín thường dựa vào các nguồn tài trợ mới, những đóng góp mới của những nhà hảo tâm để mở rộng, phát triển truờng. Nhiều ĐH dân lập ở ta bây giờ, chỉ sau 4-5 năm đã có đủ tiền để xây những cơ ngơi lớn, đây là sự bất công cho những lớp sinh viên đầu tiên phải đóng tiền nhiều hơn những dịch vụ giáo dục mà họ được hưởng. Có thể coi đây là môt hình thái bóc lột.
Học phí sinh viên chỉ đủ 30 - 40% chi phí
ĐH Wasada, nơi tôi đang nghiên cứu và giảng dạy, đã có lịch sử 125 năm. Lúc đầu chỉ có khoảng 100 sinh viên học, và những người bỏ tiền ra xây dựng ĐH là tặng không cho trường. Rồi dần dần, nhiều nhà hảo tâm khác, nhiều doanh nghiệp hay các cựu sinh viên khi thành đạt tham gia đóng góp để mở rộng và phát triển trường.
Những trường tư hàng đầu trên thế giới như Havard cũng thế. Tiền học phí sinh viên đóng vào chỉ đủ trang trải khoảng 30 - 40% chi phí thường xuyên thôi, chưa kể những khoản tiền khổng lồ để đầu tư xây trường là do các nguồn tài trợ. Nghĩa là sinh viên được hưởng dịch vụ giáo dục nhiều hơn những gì họ phải đóng góp. Còn ở ta thì ngược lại, học phí nhiều hơn hẳn kinh phí thường xuyên nên những người mở trường mới có lợi nhuận, có tiền tích lũy.
- Khi làm đề án, các anh có nghĩ đến việc hợp tác với nơi nào không?
- Hợp tác với nơi nào là tùy Chính phủ, chúng tôi chỉ trình đề án đề nghị Chính phủ, chứ không phải chúng tôi xin nhà nước lập ĐH. Tất nhiên, nếu Chính phủ đề nghị thì chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp. Điều quan trọng là xây dựng trường của Việt Nam, do Việt Nam làm và vì Việt Nam. Sự giúp đỡ của nước ngoài là không thể thiếu, nhưng nếu để trường của nước ngoài lập chi nhánh tại Việt Nam thì vẫn là trường của nước ngoài thôi.
Không làm ngay thì sẽ bỏ lỡ cơ hội
- Bây giờ, khi đã biết về đề án mà ông Thomas Vallely đề nghị, anh có nghĩ 2 đề án có thể kết hợp không?
- Tôi nghĩ là được, tất nhiên quyết định hoàn toàn nằm ở Thủ tướng. Tôi được biết, Ban nghiên cứu Thủ tướng đang định kết hợp 2 đề án thành 1 dự án. Trong đề án của chúng tôi có nhấn mạnh đến vai trò của trí thức Việt kiều, người Việt Nam ở nước ngoài. Rất nhiều người Việt Nam đang làm việc ở các ĐH và viện nghiên cứu nước ngoài, trước hoặc sau khi về hưu có thể về nước tham gia xây dựng ĐH, một số khác có thể vừa làm việc ở nước ngoài vừa tham gia giảng dạy.Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay khá đông. Đây là cơ hội rất tốt, nhưng nếu không thực hiện ngay thì sẽ bỏ lỡ. Trong tương lai sẽ có thế hệ thứ hai, nhưng thế hệ thứ 2 thì không giỏi tiếng Việt và cũng ít gắn bó nhiều với đất nước như thế hệ thứ nhất của chúng tôi.
- Với cơ chế của VN, những đòi hỏi để có một trường hoàn toàn độc lập có thể thành công không?
- Tôi cũng đã hỏi các thành viên của Ban Nghiên cứu Thủ tướng câu hỏi đó. Nhưng phải khẳng định ngược lại "nếu không có cơ chế độc lập thì không thể xây dựng một ĐH chất lượng cao". Phải có tính tự quản cao về huy động nguồn lực, về tuyển chọn đội ngũ giáo sư, về nội dung giảng dạy, về giao lưu quốc tế... thì trường mới thành công. Còn không thì dù bỏ ra một số tiền lớn, xây được một trường thật to, nhưng đâu lại hoàn đấy và sẽ lại vấp phải những vấn đề như của các ĐH hiện nay.
- Xin cảm ơn anh.
-
Khánh Linh (thực hiện)
Ý kiến của bạn: