,
221
4681
ĐH đẳng cấp qtế cho VN
dhqt
/dhqt/
742902
ĐH đẳng cấp quốc tế: Phải xây mới!
1
Article
null
,

ĐH đẳng cấp quốc tế: Phải xây mới!

Cập nhật lúc 10:14, Thứ Hai, 12/12/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Để bắt kịp và thâm nhập thị trường thế giới, đầu tư cho giáo dục phải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp thu nguồn tri thức to lớn của thế giới, sáng tạo những tri thức mới nhằm tạo ra những bước đột phá. Không thể nâng cấp các trường ĐH hiện có, mà phải tận dụng mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây mới trường...

Đó là những khẳng định của GS Ari Kokko từ ĐH Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) trong cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn.

Soạn: AM 647783 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS Ari Kokko. (Ảnh: FETP)

Đầu tư cho giáo dục phải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ

- Giáo sư có bình luận gì về các ưu tiên trong đầu tư hiện nay ở Việt Nam?

Khi nói đến đầu tư theo nghĩa tổng quát, tôi không ấn tượng lắm với tính hiệu quả của những ưu tiên theo ngành ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tôi nghĩ rằng, dự đoán lĩnh vực nào sẽ trở nên năng động hoặc thiết yếu nhất trong vòng 5 năm tới là một công việc rất khó khăn đối với Chính phủ. Ở nước tôi cũng vậy. Nếu nói chuyện với một số quan chức chính phủ vào năm 1868 và hỏi họ 2 lĩnh vực nào sẽ trở nên năng động nhất trong thời gian 10 năm tới, có lẽ họ sẽ nói về vật liệu cho ngành xây dựng, hoặc một vài ý tưởng khác chứ không phải ngành công nghiệp sản xuất giấy và sản xuất các sản phẩm tinh chế ở miền Bắc Thụy Điển. Bởi vì ở thời điểm đó, hai công nghệ sản xuất này vẫn chưa được biết tới.

Đúng là Chính phủ cần có sự ưu tiên, nhưng những ưu tiên đó nên tập trung vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút nhiều đầu tư hay làm thế nào để hỗ trợ các công ty đang nỗ lực cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới. Còn hiệu quả của công việc kinh doanh có thể được bảo đảm bởi khu vực tư nhân. Chính họ sẽ sử dụng tiền bạc, kinh nghiệm, tri thức, thông tin riêng cũng như sự mong đợi của chính họ về tương lai để xác định các lĩnh vực mà họ tin tưởng có thể đem lại lợi nhuận sau khi đầu tư. Với tầm nhìn, kinh  nghiệm và kỹ năng khác nhau, các nhà đầu tư tư nhân sẽ tiến hành đầu tư với phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với đầu tư của Chính phủ. Và dù các dự án đầu tư của họ thất bại hay thành công, thì xét một cách tổng thể họ vẫn tạo ra nhiều hơn những lợi nhuận cũng như việc làm cho xã hội.

Vì thế, lĩnh vực cần nhấn mạnh ở đây là giáo dục. Các công ty sẽ cần đến tri thức, nguồn nhân lực cũng như công nghệ để tiến lên phía trước, mà tất cả đều là sản phẩm của giáo dục. Bởi với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không có những năng lực nổi trội ở tầm vĩ mô, cùng với hệ thống thể chế tốt để đào tạo con người, thì sẽ không thể phát triển một cách nhanh chóng.

- Theo cách GS lập luận, thì Chính phủ Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục nhiều hơn?

- Đúng vậy, đầu tư cho giáo dục nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Kinh nghiệm GD Thụy Điển: phát triển cao - học phí thấp

Tại Thụy Điển, Chính phủ đã thực hiện bảo hộ cho nền giáo dục ở mọi cấp độ, học viên không phải trả học phí. Vì thế, nhiều người Thụy Điển lựa chọn học tập ở trình độ cao. Khoảng 50% dân số Thụy Điển được đào tạo trong các trường đại học. Chúng tôi có một nền giáo dục phát triển cao với "học phí" thấp. Vì thế các công ty Thuỵ Điển có thể dễ dàng tuyển lao động có trình độ cao. Trong khi đó, các công ty của Hoa Kỳ lại gặp khó khăn trong khâu này.

Có rất nhiều cuộc bàn luận về việc làm thế nào để cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam và tầm quan trọng của học phí hoặc ngân sách nhà nước cho giáo dục. Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ  rằng Chính phủ cần phải đầu tư cho giáo dục nhiều đến mức cao nhất có thể. Nếu không đủ cho mọi ngành thì có thể chọn lựa, không nhất thiết phải đào tạo tất cả các ngành. Nhưng đó phải là ưu tiên hàng đầu về đầu tư, và đầu ra phải là một nền giáo dục đại học tốt cho xã hội.

- Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm của Thuỵ Điển trong việc phát triển giáo dục để có thể nắm bắt những cơ hội?

Một trong những yếu tố đóng vai trò trung tâm đối với sự thành công của Thụy Điển chính là tư duy về giáo dục. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng các trường đại học kỹ thuật vào những năm 1820 và bắt đấu quá trình cải cách các trường đại học từ hệ thống cũ - chủ yếu đào tạo linh mục và luật sư - sang các ngành khoa học tự nhiên như sinh học, hóa học, vật lý và các môn kỹ thuật.

Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện luật phổ cập giáo dục tiểu học cho tất cả mọi người vào năm 1842. Và chỉ trong vòng một thế hệ, về cơ bản, tất cả mọi người đều biết đọc, biết viết.

Ở thời điểm đó, những đầu tư này là quá mức cần thiết đối với một nền kinh tế nông nghiệp. Chúng tôi có thể làm nông nghiệp mà không cần hỗ trợ kỹ thuật từ các trường đại học. Cũng không cần toàn dân biết đọc, biết viết chỉ để quản lý công việc nhà nông đơn thuần. Nhưng, những đầu tư đó đã cho chúng tôi khả năng bắt nhịp với quá trình công nghiệp hóa nhanh hơn khi cơ hội đến vào năm 1870.

Sự tồn tại của nền giáo dục trước khi có sự phát triển của các ngành công nghiệp có thể được minh họa từ lĩnh vực đào tạo kỹ sư. Chúng tôi đào tạo từ 1000 -2000 kỹ sư mỗi năm, nhưng không có đủ việc làm phù hợp cho họ, những kỹ năng của họ chưa cần thiết ở Thụy Điển. 

Vậy, điều gì đã xảy ra? Một số lượng lớn kỹ sư đã đến Hoa Kỳ làm việc, vì ở đó các ngành công nghiệp đã phát triển và có những cơ hội cho các kỹ sư. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người ở lại và sẵn sàng vào vị trí để có thể phản ứng kịp thời khi sự phát triển về kỹ thuật bùng nổ và cuộc cách mạng công nghiệp của chúng tôi bắt đầu.

Điểm mấu chốt là phải tập trung vào giáo dục ở mọi cấp độ, chứ không chỉ giáo dục bậc cao.

Theo tôi, câu chuyện này có những điểm tương đồng rất lớn với Việt Nam. Các tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước có mức bình quân thu nhập 600 USD một người một năm. Việt Nam cũng tiến bộ hơn. Các bạn có thể chế tốt hơn. Xét về tổng thể, dân số VN có kỹ năng tốt hơn. Vì vậy, Việt Nam có thực lực mạnh hơn.

Năng lực này, trong một chừng mực nào đó, đã thể hiện sức mạnh của nó qua việc Việt Nam bước vào những ngành xuất khẩu mới. Khi hiệp định BTA với Hoa Kỳ có hiệu lực, giá trị xuất khẩu các mặt hàng mới đã tăng lên nhanh chóng, khoảng 20-30% mỗi năm. Điều này có thể là vì năng lực có sẵn ở đó.

Nhưng để tạo nên sự thâm nhập thị trường thực sự, tôi nghĩ, rất cần thiết phải tiến tới một nền giáo dục tốt hơn.

Tại sao trường đại học đẳng cấp quốc tế lại quan trọng đối với Việt Nam? Nó đóng góp những gì? Đại học đẳng cấp quốc tế, trước tiên, có thể giúp VN tiếp thu nguồn tri thức to lớn của thế giới. Thứ hai, nó sẽ tạo ra những tri thức mới được thiết kế một cách đặc biệt nhằm tạo ra những bước đột phá. Một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Hoa Kỳ hay Thụy Điển tập trung vào việc tạo ra tri thức mới cho những lĩnh vực quan trọng.

Đại học đẳng cấp quốc tế: phải xây mới

- Đúng là để nâng cấp hệ thống giáo dục, Việt Nam rất cần đại học theo tiêu chuẩn, đẳng cấp quốc tế. Theo giáo sư, Việt Nam nên xây mới trường đại học đẳng cấp quốc tế hay nâng cấp những trường hiện có?

Tôi nghĩ rằng việc nâng cấp các trường đại học hiện nay thành các trường đại học đẳng cấp quốc tế là rất khó khăn. Sẽ có nhiều hậu quả từ việc nâng cấp các trường đại học này. Các trường đại học hiện nay ở Việt Nam đều có lịch sử hình thành và phát triển riêng. Điều này ảnh hưởng đến cách họ nghĩ, làm việc, quản lý, cách thực hiện quyết định trong hoạt động thường ngày của họ.

Sẽ tốt hơn nếu Việt Nam xây dựng mới các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Trường đại học này cần có một chương trình dạy và học mới, khuyến khích mọi người cùng sáng tạo, đồng thời cũng có những chiến lược tuyển sinh hiệu quả. Tất cả những hoạt động đó cần theo các tiêu chuẩn quốc tế và phải được tiến hành đồng bộ nhằm đạt tiêu chuẩn cao hơn về giảng dạy và học tập.

Điều quan trọng nữa là trường đại học này không phải là bản sao của một trường đại học nào đó ở Hoa Kỳ hay Châu Âu mà phải mang phong cách Việt Nam. Tôi xin lấy ví dụ cụ thể là các trường đại học của Thụy Điển, dù không phải là bản sao của các trường đại học của Hoa Kỳ hay Châu Âu, nhưng vẫn đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.

- Để xây dựng mới một trường ĐH như thế sẽ cần rất nhiều nguồn lực, nhất là trong thời điểm ban đầu. Ngoài vấn đề tài chính, GS có nghĩ Việt Nam có thể xây dựng và điều hành một trường đại học đẳng cấp quốc tế mà chỉ sử dụng nhân lực sẵn có trong nước không?

Sẽ thật sự khó khăn khi xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế mà chỉ sử dụng nguồn nhân lực nội địa. Tôi nghĩ rằng, ban đầu Việt Nam nên tận dụng những tri thức sẵn có ở nước ngoài để "lôi kéo" những đối tác mạnh của nước ngoài tham gia xây dựng và điều hành trường.

Các bạn có thể "đi tắt đón đầu" bằng cách sử dụng kinh nghiệm của những người từng xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở nước ngoài; cũng như chiêu mộ những người này về xây dựng trường tại VN.

Tất nhiên, tôi không quá bi quan về khả năng lĩnh hội tri thức của thế giới của người Việt Nam, nhưng quá trình tiếp thu thường phải mất khá nhiều thời gian.

- Sự đa dạng trong giáo dục bậc cao là không thể thiếu, nhưng GS có thấy cần thiết phải có một đối tác chính để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu?

- Vâng, đó là chiến lược rất hợp lý, đặc biệt là trong những ngày đầu thành lập. Chúng ta đang bàn về việc xây dựng một cái gì đó chưa tồn tại, nên trong giai đoạn đầu rất cần ít nhất một đối tác để đạt được hiệu quả. Sau đó, tôi tin những đối tác khác có thể đến giúp đỡ trong những lĩnh vực khác mà đất nước các bạn đang cần.

- Ông Thomas Vallely - Giám đốc chương trình Việt Nam tại Harvard - đã gửi tới Thủ tướng Phan Văn Khải một đề cương xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam. Nếu ông Thomas mời ông tham gia dự án, ông có nhận lời không?

- Tôi rất vui và sẵn sàng.

Xin cảm ơn giáo sư!

  • Nguyễn Anh Tuấn

Bạn có đồng tình với những nhận định của GS Ari Kokko không? Theo bạn, phải mất bao nhiêu năm để Việt Nam xây được một ĐH đẳng cấp quốc tế?

,
,