Xây ĐH đẳng cấp quốc tế: lợi thế của 'dân lập'
Trong lúc những đề án xây dựng ĐH hàng đầu mà ông Thomas Vallely và nhóm 6 trí thức Việt kiều gửi đến Chính phủ đang được xem xét, bàn luận; trường ĐH dân lập quốc tế Bắc Hà đã được Chính phủ đồng ý thành lập về mặt nguyên tắc, dự tính sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành vào năm 2006, với mục tiêu đạt đẳng cấp quốc tế sau 10 - 15 năm.
GS Đặng Hữu - thành viên của Hội đồng sáng lập - bắt đầu cuộc trò chuyện VietNamNet với lời khẳng định:
GS Đặng Hữu. |
- Tôn chỉ của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế, không vì lợi nhuận, phấn đấu sau 10 - 15 năm đạt đẳng cấp quốc tế (ĐCQT). Trường đang mở rộng quan hệ hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến, nhất là các ĐH Mỹ. Nhiều giáo sư người Việt ở Mỹ và châu Âu - cố vấn của Trường đang giúp Trường tập hợp đội ngũ giáo sư Việt kiều và thiết lập quan hệ hợp tác với các ĐH nước ngoài.
Nhà trường tổ chức đào tạo theo hình thức du học chuyển tiếp và du học tại chỗ. Ngoài ra có chương trình đào tạo của VN, phỏng theo chương trình nước ngoài nhưng có điều chỉnh cho phù hợp, tuyển sinh chặt chẽ, để sau một thời gian bằng cấp cũng được quốc tế thừa nhận.
Hợp tác với trường nước ngoài, giảng viên cũng được học
- Nếu trường tập trung dạy các chương trình chuyển tiếp và du học tại chỗ để sinh viên (SV) lấy bằng của trường ĐH nước ngoài thì mục tiêu "đạt tiêu chuẩn quốc tế trong 10 - 15 năm" sẽ đạt được bằng những cách nào, thưa GS?
- Đúng là thời gian đầu, chúng tôi sẽ dựa chủ yếu vào sự hợp tác, tuyển chọn SV theo tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài, lấy bằng nước ngoài; đồng thời nâng cao chất lượng và mở rộng hệ đào tạo trong nước để sau 10-15 năm đạt chuẩn quốc tế và trở thành loại hình đào tạo chủ yếu của Trường. Đó cũng là quá trình "học" cho các giảng viên trẻ. Trường sẽ tuyển chọn những SV VN xuất sắc đã học xong bằng PhD, Master, kể cả bằng ĐH ở nước ngoài về bồi dưỡng, gửi cho các trường đối tác đào tạo, sau này thành lực lượng trụ cột. Ngay từ đầu, chúng tôi sẽ mời các GS giỏi nước ngoài, các GS Việt kiều đang giảng dạy ở nước ngoài về làm việc cho trường. Để thu hút người giỏi, lương bổng sẽ trả cao, ít nhất cũng như các công ty nước ngoài ở VN.
Trường sẽ thành lập các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp phát triển công nghệ, có hợp tác với các doanh nghiệp khoa học công nghệ nước ngoài.
- Nghe địa điểm của trường đặt tại Thái Nguyên, GS có sợ SV sẽ "ngại" vì phải học xa không?
- Thật ra, trụ sở chính và lâu dài của trường đặt tại Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) sát ranh giới với Sóc Sơn Hà Nội, cách sân bay Nội Bài khoảng 15-20km, nơi đó có đủ diện tích đất đai cho một ĐH lớn, có nhiều hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, SV sẽ ở nội trú với điều kiện sinh hoạt tốt để các em yên tâm học tập, gia đình cũng không phải băn khoăn.
Nhưng nhất thiết phải có cơ sở ở Hà Nội thì mới có điều kiện thuận lợi cho giảng dạy và học tập, quan hệ hợp tác với nước ngoài. Thành phố Hà Nội cũng rất ủng hộ lập trường ĐH chất lượng cao. Hiện nay chúng tôi đã tìm được một mảnh đất 4,4 ha để xây dựng cơ sở Hà Nội.
Có thể ít SV, nhưng phải trung bình khá mới tuyển
- GS có nghĩ đến những khó khăn trong khâu tuyển chọn "đầu vào" vì SV thường có suy nghĩ "không đậu công lập mới đành vào dân lập"?
- Chúng tôi đã từng băn khoăn, tranh luận nhiều trong Hội đồng, nhưng câu chuyện của các trường phổ thông dân lập như Lương Thế Vinh của thầy Văn Như Cương đủ khiến tôi tin: chỉ sau 3 - 5 năm, chất lượng "đầu ra" tốt thì sẽ tạo được uy tín, đầu vào sẽ "thông".
Quan trọng là công tác tổ chức quản lý, từ việc giảng dạy và học tập, quản lý SV đến cơ sở vật chất. Sẽ bỏ cách giảng dạy thụ động, nặng về nhồi nhét kiến thức, mà sử dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, chú trọng vào bồi dưỡng tính năng động sáng tạo, năng lực tư duy độc lập, năng lực tự đào tạo, phương pháp giải quyết vấn đề...; học theo tín chỉ để những SV giỏi có thể kết thúc nhanh hơn; đặc biệt chú trọng kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, tránh "chặt đầu vào, lỏng đầu ra"; SV phải chịu sự sàng lọc nghiêm ngặt trong suốt quá trình học. Cũng phải tìm nguồn tài trợ để cấp học bổng cho SV giỏi.
Chúng tôi xác định ở thời gian đầu có thể sẽ ít SV, nhưng nhất định chỉ tuyển trung bình khá trở lên. Sẽ có một thời gian học dự bị (6 tháng đến 1 năm) để bổ túc cho SV về ngoại ngữ, về tin học và cả những kiến thức cơ bản.
- Các trường dân lập thường chỉ dạy những ngành "thời thượng", đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường như CNTT, Quản trị kinh doanh... Còn ĐH Bắc Hà thì sao?
- Trước mắt, chúng tôi sẽ bắt đầu với những ngành đang có nhu cầu lớn cho đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, như Điện tử, Tin học, Viến thông, một só ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Xây dựng công trình, Kiến trúc... sau đó sẽ mở các ngành khác như Năng lượng, Công nghệ sinh học, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ Nanô, cũng đang nghĩ đến một số ngành cho SV ngoại quốc... Sẽ dạy các môn khoa học xã hội nhân văn một cách thiết thực, hiệu quả hơn, không quá mất thời gian mà SV hào hứng thu nhận.
Sẽ nhờ đến những công ty tư vấn đầu tư
- Vốn đầu tư lớn luôn là một khó khăn của các trường dân lập, khiến từ ý tưởng đến việc thực hiện nhiều khi cách xa nhau. Với ĐH Bắc Hà, Hội đồng sáng lập có nghĩ đến những hình thức để kêu gọi đầu tư?
- Vốn điều lệ thì Bộ GD - ĐT chỉ yêu cầu 15 tỷ, nhưng chúng tôi đã xác định giai đoạn đầu ít nhất phải có vài trăm tỷ. Trước khi có giấy phép của Chính phủ, chúng tôi đã huy động được 50 tỷ. Nay sẽ có điều kiện để huy động thêm khoảng 100 tỷ, rồi kêu gọi đầu tư, tài trợ của quốc tế, vay ngân hàng... Hội đồng cố vấn quốc tế của Trường sẽ giúp trong việc này, sẽ nhờ đến những công ty tư vấn đầu tư (fund raiser) để kêu gọi sự tài trợ từ các Quĩ lớn (như Quĩ Bill Gates, Quĩ Rockefeller, Quĩ Ford...); cũng có thể vay Ngân hàng TG như cách làm của ĐH Nam Kinh TQ... Về trang thiết bị, có phương án mua trả chậm với lãi suất ưu đãi...
Năm học đầu tiên sẽ bắt đầu vào cuối 2006. Trong khi đang xây dựng trường, chúng tôi sẽ thuê một số cao ốc xây dựng sẵn để làm lớp học, nhà làm việc. Cũng đang tính phương thức để các công ty bỏ vốn xây dựng trường rồi mình thuê và trả dần, sau vài chục năm thì thành tài sản của trường.
- Với cơ chế dành cho các trường tư thục giống như công ty cổ phần, cổ đông góp vốn sẽ được chia lợi nhuận. Như thế có mâu thuẫn với mục đích phi lợi nhuận của trường không, thưa GS?
- Là trường ĐH lấy chất lượng làm đầu, không thể chạy theo lợi nhuận. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không trường ĐH nào chỉ dựa vào học phí mà phát triển và có chất lượng cao được. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường sẽ vì những lợi ích lâu dài: quảng bá thương hiệu, tạo nguồn nhân lực..., trong khi vẫn bảo toàn được vốn, với một lãi suất nhất định. Điều lệ của trường cũng sẽ quy định rõ: Hội đồng quản trị (HĐQT) có quyền quyết định theo tôn chỉ mục đích của trường đề ra lúc đầu, chứ không theo cơ chế công ty cổ phần (cổ đông nào nhiều vốn sẽ có quyền quyết định, góp đến 51% thì coi như quyết định... vận mệnh của trường).
Khó nhất vẫn là tìm hiệu trưởng
Hiện nay Hội đồng sáng lập đang nghiên cứu xây dựng qui chế của nhà trường, trên cơ sở áp dụng qui chế ĐH tư thục, kết hợp kinh nghiệm các ĐH của thế giới (phần lớn là tư thục). Dự kiến trong HĐQT có nhiều thành phần: người sáng lập, người góp vốn, giáo sư, cán bộ quản lý, đại diện SV, cả trí thức Việt kiều nữa. Còn có Hội đồng cố vấn quốc tế, có Hội đồng Giáo sư để giúp trường trong quan hệ quốc tế cũng như định hướng phát triển trường.
- Có thể thấy, Hội đồng sáng lập đã chuẩn bị rất chu đáo và lường trước mọi chuyện. Vậy có còn điều gì khiến GS băn khoăn?
- Sau khi lập xong HĐQT thì sẽ phải tìm được một hiệu trưởng thực sự năng động để điều hành. Chúng tôi muốn mời một giáo sư Việt kiều để có hiểu biết đầy đủ về giáo dục ĐH nước ngoài, có thể tập hợp được lực lượng bên ngoài. Nhưng còn phải cân nhắc: có người rất uy tín thì đã nhiều tuổi, có người thì chưa có điều kiện về nước được, cũng có nhiều người chỉ muốn góp sức, nhận làm cố vấn, làm đại diện của trường ở nước ngoài. Dù sao, chúng tôi phải làm tất cả việc này trong nửa năm, để còn trình lên Chính phủ.
"Trào lưu" và "tiếp sức"
- GS bình luận gì khi ở cùng một thời điểm mà có quá nhiều dự án thành lập trường tiêu chuẩn quốc tế? Nhiều ý kiến cho rằng, nên nâng cấp toàn bộ hệ thống giáo dục, chứ không nên thành lập các trường mới?
- Tôi nghĩ có "trào lưu" này vì mọi người đều quá bức xúc với giáo dục, thấm thía vì GD của mình thua quá xa quốc tế (kể cả các nước trong khu vực), và họ muốn tiếp sức. Chính phủ sẽ phải xem xét kỹ để chỉ phê duyệt những dự án khả thi.
Để nâng cấp toàn bộ hệ thống giáo dục thì rất khó, có khi phải loại đi cả một nửa đội ngũ, rồi còn sự trì trệ về tư duy? Những trường mới thành lập theo đúng tiêu chuẩn từ đầu sẽ tạo "đột phá" cho cả hệ thống, sẽ thôi thúc các trường kia phải đổi mới. Chỉ có mấy mô hình: Nhà nước đứng ra làm trường với sự giúp đỡ của quốc tế, nhưng phải có những cơ chế rất đặc biệt; hoặc cho các trường dân lập làm. Còn cho các trường nước ngoài vào mở chi nhánh thì học phí cũng quá cao nên chỉ dành cho số ít người chứ không cho nhiều người giỏi được, mà cũng không thành trường của VN.
ĐH của Nhà nước: không để trực thuộc Bộ GD - ĐT
- GS nhắc đến việc Nhà nước thành lập ĐH đẳng cấp quốc tế, chắc GS có biết về đề án của ông Thomas Vallely?
- Tôi rất quan tâm đến đề án này, và phải khẳng định ông Vallely rất hiểu tình hình giáo dục Việt Nam. Tôi tin, Chính phủ sẽ xúc tiến nhanh dự án này. Có điều, để xây ĐH của Nhà nước thì rất cần cơ chế riêng biệt, không để trực thuộc Bộ GD - ĐT (Chính ĐH Quốc gia cũng đã theo mô hình này). Trường phải do chính Thủ tướng đứng đầu hội đồng chỉ đạo, với quyền tự chủ thật cao, có cơ chế đãi ngộ xứng đáng để tập hợp được những người giỏi cùng chung sức làm. Phải huy động nhiều nguồn lực, cần thật sự tâm huyết và vì cái chung thì sẽ thành công.
- GS có sợ trường của nhà nước sẽ cạnh tranh với trường Bắc Hà?
Chính sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy phát triển. Vai trò Nhà nước hết sức quan trọng trong tạo môi trường cạnh tranh này. Để có thể đạt mục tiêu "15 năm nữa thì GD Việt Nam đạt tầm khu vực" đặt ra trong đề cương đổi mới giáo dục thì ta phải phấn đấu cật lực, phải cải cách mạnh mẽ. Hiện nay chính sách đã có thay đổi, nhưng vẫn bị chồng chéo và vướng với nhiều chính sách khác. Hệ thống quản lý, nhân lực trong ngành giáo dục chưa đủ năng lực nhưng lại lo quá nhiều việc. Ta đang thua họ đến 15 năm, nếu muốn 15 năm nữa ngang bằng họ thì ít nhất ta phải chạy nhanh gấp đôi.
- Xin cảm ơn GS.
-
Khánh Linh (thực hiện)
Ý kiến của bạn: